25 năm vượt qua thách thức, trưởng thành cùng sự nghiệp dân số của Hội KHHGĐ Việt Nam

Thứ Sáu, 12/01/2018 12:00 AM (GMT+7)

Những năm qua, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu. Trong đó, không thể không kể đến đóng góp lớn của Hội KHHGĐ Việt Nam.

Hội KHHGĐ Việt Nam (VINAFPA) là tổ chức phi chính phủ đi đầu trong công tác dân số - sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, là cơ quan đầu tiên của Việt Nam hưởng quy chế tư vấn đặc biệt của Ủy ban Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc. Với vai trò là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, 25 năm qua, Hội đã có những đóng góp thiết thực được Nhà nước và cộng đồng ghi nhận.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Thủy - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam.

Hoạt động sôi nổi

Dưới sự cho phép của Chính phủ và sự ủng hộ của Hiệp Hội Kế hoạch hóa gia đình Quốc tế (IPPF), ngày 11/1/1993, Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam được thành lập. Ngay sau khi thành lập, Hội đã khẩn trương phát triển mạng lưới. Đến năm 1999, Hội đã có 35 cơ sở tại 35 tỉnh/thành với trên 8.000 Hội viên. Mạng lưới tuyên truyền viên (TTV) trên 1.100 người. Trong thời gian này, Hội cũng tập trung thí điểm triển khai 3 mô hình hướng tới cộng đồng là: Đội tình nguyện viên cơ sở, Đội Dịch vụ lưu động, Câu lạc bộ Sức khỏe sinh sản. Qua các mô hình này, Hội đã cung cấp 1,7 triệu dịch vụ SKSS/KHHGĐ, phân phối 6,6 triệu bao cao su trong chương trình Quốc gia DS-KHHGĐ. Đặc biệt, nhận thấy công tác vận động tuyên truyền không thể thiếu sự có mặt của báo chí, Hội đã quyết định thành lập Tạp chí Gia đình (nay là Báo Gia đình Việt Nam).

Giai đoạn 1999-2009, sau Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994 tại Ai Cập và các định hướng Chương trình quốc gia, Hội đã Hội đã dần chuyển đổi từ dịch vụ KHHGĐ sang loại hình chăm sóc SKSS toàn diện, chú trọng đối tượng vị thành niên - thanh niên với 7 ưu tiên chiến lược về vận động, cung cấp dịch vụ và tư vấn chăm sóc SKSS vị thành niên, phòng chống HIV/AIDS, giảm tỉ lệ nạo phá thai và phá thai không an toàn, làm mẹ an toàn, nâng cao năng lực cán bộ Hội.

Ký kết Chương trình phối hợp với Ủy ban Dân số, Gia đình và trẻ em 2002-2009. Hợp tác với Hội KHHGĐ Hàn Quốc, triển khai Chương trình "Lấy giáo dục là Vacxin duy nhất hiện nay để phòng chống HIV/AIDS trong vị thành niên/thanh niên". Triển khai các mô hình đậm nét VINAFPA: CLB Vì sự tiến bộ của phụ nữ, CLB Phòng chống HIV/AIDS trong gái mại dâm, Diễn đàn Quốc gia về SKSS…

Đặc biệt, năm 2007, Hội trở thành tổ chức phi Chính phủ đầu tiên của Việt Nam được hưởng Quy chế Tư vấn đặc biệt của Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên Hợp Quốc (ECOSOC).

Tập thể lãnh đạo Hội KHHGĐ Việt Nam các nhiệm kỳ tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V

Với sự phát triển cả về chiều rộng và bề sâu - mở rộng mạng lưới kết hợp đẩy mạnh công tác chuyên môn, Hội KHHGĐ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò là tổ chức phi chính phủ đi đầu trong công tác chăm sóc SKSS-KHHGĐ.

Sau 25 năm thành lập, Hội đã có hơn 150.000 hội viên hoạt động tại 49 tỉnh, thành, 241 quận, huyện và 2.141 chi hội xã, phường. Các chi hội, thành viên tập thể được mở rộng, phát triển trong cả khu vực thương mại, liên doanh, các phòng khám… Đội ngũ TTV cũng tăng lên hơn 1.500 ở 49 tỉnh, thành, mỗi TTV quản lý 150 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Tính đến nay, Hội đã cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho 22,1 triệu lượt người, phân phối 101,7 triệu sản phẩm tiếp thị xã hội, các phương tiện tránh thai (thuốc uống tránh thai, bao cao su…).

Hội đã thành lập 21 phòng khám, trong đó có 16 phòng khám đạt chuẩn chất lượng chăm sóc (QOC) của IPPF. Triển khai gần 4.000 chuyến lưu động cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến cộng đồng, triển khai tiếp thị xã hội để nâng cao nhận thức của người dân về phòng tránh thai, quan hệ tình dục an toàn với nhiều hình thức. Thí điểm mô hình Phòng khám Thương hiệu "VINAFPA's House" (từ năm 2012-2017 đã triển khai được 17 phòng khám Thương hiệu). Triển khai cung cấp dịch vụ cho nhóm đối tượng thiệt thòi (người di cư, dân tộc ít người, làng trẻ SOS…).

Đặc biệt, các hoạt động luôn được lồng ghép cùng các mô hình dịch vụ hữu ích như: Đội dịch vụ lưu động, Góc dịch vụ thân thiện, Tư vấn - kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, CLB Phòng chống HIV/AIDS trong công nhân, CLB Giáo dục tình dục toàn diện, Giáo dục viên đồng đẳng… Ngoài ra, Hội cũng rất chú trọng trong công tác tuyên truyền với 31.970 buổi truyền thông và cung cấp trên 10 triệu tài liệu truyền thông đến cộng đồng, tổ chức Diễn đàn Quốc gia về SKSS Vị thành niên/thanh niên, xây dựng các chuyên mục về gia đình, giới tính, sức khỏe sinh sản…trên Báo Gia Đình Việt Nam - cơ quan ngôn luận của Hội.

Thành công trên "mặt trận" tuyên truyền

Năm 2010 - 2011, Hội KHHGĐVN được xếp trong “Top 10” Hội Quốc gia thành viên đạt Kết quả dịch vụ cao nhất trong hệ thống IPPF toàn cầu (160 Hội KHHGĐ quốc gia): Xếp thứ nhất về kết quả Tiếp thị xã hội, xếp thứ 8 về Dịch vụ liên quan đến Phá thai an toàn, xếp thứ 10 về Dịch vụ chăm sóc SKSS, xếp thứ 12 về Dịch vụ cho vị thành niên, thanh niên và xếp thứ 14 về Dịch vụ KHHGĐ. Với những đóng góp thiết thực trong chặng đường vừa qua, Hội KHHGĐVN đã được Chủ tịch nước, Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ và UBND tỉnh, thành phố, Hiệp Hội KHHGĐ Quốc tế khen thưởng cho Hội và các cán bộ của Hội. Năm 2012, Hội đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động Hạng Nhì. Các dự án, chương trình phối hợp với Bộ Y tế và 12 tổ chức quốc tế (IPPF, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc…) đã hỗ trợ cho Hội KHHGĐ trên 150 tỷ đồng.

Để có được thành tựu như trên là công sức, sự đồng lòng của tất cả các cán bộ nhân viên trong Hội. Trong đó, không thể không kể đến sự đóng góp to lớn của báo Gia Đình Việt Nam trên "mặt trận" tuyên truyền.

Báo là một trong những đơn vị chủ lực của Hội trong tất cả các hoạt động về dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống tệ nạn xã hội, giáo dục giới tính, định hướng tư tưởng, tình bạn, tình yêu lành mạnh, tình dục an toàn, nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống… Không chỉ mang tiếng nói của Hội đến với nhân dân, độc giả trong cả nước, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia về Dân số/ KHHGĐ, báo còn là cầu nối giữa Trung ương Hội và các tỉnh hội và các đơn vị khác.

Báo cũng là nơi phản ánh những thông tin phản hồi rất giá trị giúp các đơn vị chuyên môn của Hội có thêm căn cứ thực tế để hoạch định và xây dựng các kế hoạch phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động.

"Con người là tài sản quý nhất của quốc gia" - nhận thức được điều này nên trong thời kỳ mới, Hội KHHGĐ Việt Nam tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò trong việc thực hiện các chiến lược, chương trình quốc gia về SKSS/KHHGĐ. Mặc dù còn những khó khăn tồn đọng như mạng lưới hoạt động của Hội trên khắp cả nước còn yếu, đội ngũ cán bộ nhân viên chưa đáp ứng đủ yêu cầu, trang thiết bị y tế thiếu thốn… nhưng với kế hoạch và chiến lược phù hợp, hy vọng Hội sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu xuất sắc trong công tác DS - KHHGĐ.

Theo Báo mới

System

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...