3 dấu hiệu bất thường khi mang thai mẹ bầu đặc biệt phải lưu ý

Thứ Năm, 23/04/2020 02:38 PM (GMT+7)

Bụng to nhanh hơn bình thường, Đau bụng, chậm kinh; Ra máu kèm theo đau bụng dưới là 3 dấu hiệu bất thường cảnh báo nguy hiểm khi mang thai mà mẹ bầu không được bỏ qua.

mang-thai-dau-hieu

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, chăm sóc đầy đủ với bà bầu. Việc nhận biết những dấu hiệu bất thường khi mang thai vô cùng quan trọng để có sự can thiệp chủ động hoặc những biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa sự nguy hiểm tới mẹ và thai nhi.

1. Ra máu kèm theo đau bụng dưới

Hiện tượng ra máu kèm theo đau bụng dưới rất có thể là biểu hiện của hiện tượng sảy thai.

Nguyên nhân sảy thai là do điều kiện sức khỏe của người mẹ, tình trạng tử cung bất thường hoặc hở eo cổ tử cung, do sử dụng một loại thuốc có hại, tiếp xúc với chất độc, do người mẹ bị chấn thương nặng hoặc rau thai có vấn đề.

Đa số các bà mẹ sau đó cũng lại mang thai, sinh nở an toàn, chỉ một số ít trường hợp cần sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa. Thậm chí đối với một số ít trường hợp sảy thai nhiều lần không thể điều trị hoặc không tìm ra được nguyên nhân.

2. Đau bụng, chậm kinh

Một trong những dấu hiệu bất thường khi mang thai mà bà bầu nên chú ý đó chính là đau bụng, chậm kinh. Khi xuất hiện những dấu hiệu này, bà bầu nên nghĩ ngay đến thai ngoài tử cung.

Thai ngoài tử cung là trường hợp thai không làm tổ trong buồng tử cung. Có thể gặp thai làm tổ ở nhiều vị trí khác nhau như ở vòi tử cung, buồng trứng, tại cổ tử cung, trong ổ bụng, thậm chí ngoài ổ phúc mạc. Tuy nhiên, khoảng hơn 95% trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra ở vòi tử cung.

Thai ngoài tử cung thường gặp ở những phụ nữ bị dị tật ống dẫn trứng, hẹp ống dẫn trứng bẩm sinh, đã từng phẫu thuật liên quan đến vòi trứng....

Các bà bầu nên nghĩ tới thai ngoài tử cung khi có những dấu hiệu sau: Chậm kinh, đau bụng, ra máu âm đạo bất thường.

Chậm kinh: Đại đa số thai ngoài tử cung có dấu hiệu chậm kinh. Tuy nhiên, một số trường hợp có kinh nguyệt không đều rất khó dự đoán ngày hành kinh hoặc ra máu âm đạo bất thường trước thời điểm kinh nguyệt cũng cần phải lưu ý.

Đau bụng: Thường đau ở vị trí chỗ thai làm tổ ngoài tử cung, đau vùng bụng dưới đôi khi đau bụng kèm theo mót rặn.

Ra máu âm đạo bất thường: Bất thường về thời gian ra máu như trước hoặc sau ngày dự kiến hành kinh, ra máu kéo dài. Bất thường về tính chất của máu như máu màu đỏ sáng hoặc sẫm hoặc loãng hơn bình thường.

Trong trường hợp khối thai ngoài tử cung bị vỡ có dấu hiệu toát mồ hôi, choáng váng, chóng mặt và có thể thể ngất.

Việc có thai ngoài tử cung có thể xảy ra với bất cứ phụ nữ nào nhưng nguy cơ cao hơn ở những người đã từng bị bệnh lây qua đường tình dục hoặc đã từng phẫu thuật ống dẫn trứng.

3. Bụng to nhanh hơn bình thường

Thông thường sau khi trứng được thụ tinh sẽ phân chia rất nhanh để cấu tạo thành thai và phần phụ của thai (như: túi ối, gai rau, rau ..). Sự phát triển giữa phần thai và phần phụ của thai phải tương ứng với nhau.

Tuy nhiên, có những trường hợp tế bào nuôi (phần phát triển thành gai rau) phát triển quá nhanh nên tổ chức liên kết và các mao mạch của mạch máu rốn của gai rau không phát triển kịp nên gai rau bị thoái hóa, sưng mọng lên và tạo thành các túi chứa dịch dính vào nhau như chùm nho, thường chiếm toàn bộ diện tích buồng tử cung.

Các tổn thương này đã làm trứng hỏng nhưng gai rau vẫn được nuôi dưỡng bằng máu mẹ nên vẫn tiếp tục hoạt động. Hiện tượng này gọi là hiện tượng chửa trứng.

Hiện nay, vẫn chưa xác định được một cách chính xác nguyên nhân gây chửa trứng. Y học mới xác định một số yếu tố làm tăng nguy cơ chửa trứng như: tuổi của mẹ, sinh đẻ nhiều lần, tiền sử thai nghén lần đầu không bình thường, thiếu chất dinh dưỡng.

Khi thai phụ gặp các triệu chứng bất thường sau có thể thai phụ đang gặp vấn đề về thai trứng: ra máu, nghén nặng, nếu đã sinh đẻ có thể nhận thấy bụng to nhanh hơn bình thường, siêu âm thấy kích thước của tử cung to, không tương xứng với tuổi thai, mềm, thấy hình lỗ chỗ trong khối rau như hình ảnh tuyết rơi.

Khi siêu âm không nghe thấy âm vang thai trong tử cung, hoặc không nghe thấy tim thai (tim thai âm tính), khám âm đạo và phần phụ có thể thấy nhân di căn vào âm đạo, kích thước bằng ngón tay, màu tím sẫm, dễ vỡ, gây chảy máu và có thể thấy nang hoàng tuyến (ở một hoặc hai bên buồng trứng), dễ di động, xét nghiệm nước tiểu thấy nồng độ HCG tăng cao...

Nguyễn Thị Thu Hương

Cùng chuyên mục

Phân biệt Double test và Triplet test trong sàng lọc trước sinh

Double test và Triple test là hai loại xét nghiệm rất quan trọng cần thực hiện trong quá trình mang thai để sàng lọc...

Sàng lọc sơ sinh - chìa khóa vàng cho con một khởi đầu trọn vẹn

Dị tật bẩm sinh đang là nguyên nhân khiến hơn 1.700 trẻ sơ sinh tử vong (chiếm tỷ lệ 11%), khoảng 40.039 trẻ may...

Xét nghiệm sàng lọc sau sinh: có cần thiết hay không?

Để đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, xét nghiệm sàng lọc sau sinh là vô cùng...