4 sàng lọc nên làm ở phụ nữ 19 - 39 tuổi

Thứ Tư, 27/05/2020 07:16 AM (GMT+7)

Ở mỗi độ tuổi nhất định nữ giới thường xuất hiện một số bệnh lý nhất định. Khám sàng lọc định kỳ là việc nên làm để sớm phát hiện các bất thường và điều trị kịp thời

sang-loc-truoc-40

Sàng lọc ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của biểu mô lát (biểu mô vảy) hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung. Bệnh xảy ra khi các tế bào phát triển bất thường, nhân lên vô kiểm soát, xâm lấn khu vực xung quanh cũng như di căn tới các bộ phận khác của cơ thể.

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư phụ khoa nguy hiểm, có tỉ lệ mắc và tỷ lệ tử vong xếp thứ hai trong các ung thư sinh dục ở nữ giới tại Việt Nam.

Sàng lọc ung thư cổ tử cung được thực hiện khá đơn giản bằng một xét nghiệm là Pap test: một mẫu tế bào lấy từ cổ tử cung sẽ được làm giải phẫu bệnh để tìm ra các dấu hiệu bất thường có thể dẫn tới ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm này thường được kết hợp với xét nghiệm virus gây u nhú ở người (HPV) đối với phụ nữ từ 30 tuổi trở lên.

Khuyến nghị thời điểm làm xét nghiệm:

Phụ nữ từ 21 - 29 tuổi: chỉ làm Pap test định kỳ 3 năm/lần.

Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên: có thể chỉ làm Pap test định kỳ 3 năm/lần, tuy nhiên tốt hơn hết là kết hợp làm Pap test và xét nghiệm HPV định kỳ 5 năm/lần.

Xét nghiệm chlamydia và bệnh lậu

Chlamydia là một bệnh nhiễm khuẩn thường gặp do Chlamydia trachomatis gây ra.

Bệnh lậu là một bệnh nhiễm khuẩn do cầu khuẩn lậu Neisseria gonorrhoeae gây ra.

Cả hai bệnh trên đều là những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs).

Xét nghiệm chlamydia và lậu: mẫu bệnh phẩm sẽ được lấy ở bất kỳ vị trí nào nghi ngờ là vị trí nhiễm khuẩn để xét nghiệm. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng chỉ định xét nghiệm nước tiểu.

Khuyến nghị thời điểm xét nghiệm sàng lọc chlamydia và bệnh lậu: nên tiến hành xét nghiệm định kỳ hàng năm nếu:

Từ 24 tuổi trở xuống và thường xuyên quan hệ tình dục.

Hoặc từ 25 tuổi trở lên và có các yếu tố nguy cơ: có nhiều bạn tình, có bạn tình mới, gần đây đã được chẩn đoán mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục khác,...

Khám vú

Khám vú định kỳ với các bác sĩ chuyên ngành là việc hết sức nên làm để sớm phát hiện và điều trị các bệnh lý liên quan tới vú.

Khuyến nghị thời điểm khám vú: nên thực hiện khám lâm sàng định kỳ 1 - 3 năm/lần, bắt đầu từ tuổi 20.

Xét nghiệm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV)

Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) là virus có thể dẫn tới hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).

Phát hiện nhiễm HIV vô cùng đơn giản, bác sĩ chỉ cần chỉ định tiến hành xét nghiệm máu là có thể chẩn đoán xác định có nhiễm HIV hay không.

Khuyến nghị thời điểm làm xét nghiệm HIV:

Mỗi người nên làm xét nghiệm HIV ít nhất một lần trong đời.

Với những người có yếu tố nguy cơ thì có thể cần làm xét nghiệm nhiều lần (các yếu tố nguy cơ là: có nhiều hơn một bạn tình, bạn tình quan hệ tình dục với nhiều người, bạn tình tiêm chích ma túy, bản thân tiêm chích ma túy, gần đây đã được chẩn đoán mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục khác,...).

Ngô Thị Hồng Duyên

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....