6 câu hỏi cần biết về bệnh quai bị

Thứ Năm, 13/02/2020 04:06 PM (GMT+7)

Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus paramyxovirus. Triệu chứng kinh điển của bệnh quai bị là viêm tuyến mang tai và một số biểu hiện không đặc hiệu khác. Sau đây là 6 câu trả lời về những thắc mắc liên quan đến bệnh quai bị được nhiều người quan tâm.

quai-bi-0

Câu hỏi 1: Vắc-xin MMR là gì?

Hiện nay, vắc xin quai bị đơn trị liệu không còn được sử dụng rộng rãi ở các cơ sở y tế. Thay vào đó, các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm phòng cả 2 liều vắc-xin sống MMR kết hợp cho trẻ em để phòng ngừa 3 bệnh sởi - quai bị - rubella.

Liều đầu tiên: Trẻ từ 12 - 15 tháng tuổi;

Liều thứ 2: Trẻ em tuổi đến trường từ 4 - 6 tuổi.

Một số nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp và lâu dài với bệnh nhân được khuyến cáo tiêm thêm liều thứ 3 để tăng cường bảo vệ chống quai bị cũng như các biến chứng nguy hiểm.

Cần lưu ý rằng tiêm 2 liều vắc-xin MMR không bảo vệ 100% khỏi quai bị, nói cách khác, thành phần vắc xin quai bị trong MMR có hiệu quả thấp hơn so với khả năng chống sởi và rubella. Hiệu quả vắc xin quai bị đã được ước tính ở mức trung bình là 78% cho 1 liều và 88% cho 2 liều. Do đó, dù đã tiêm phòng đầy đủ nhưng mọi người vẫn cần thực hiện các bước vệ sinh cá nhân và bảo vệ sức khỏe để giảm nguy cơ nhiễm virus, cũng như tìm hiểu về các triệu chứng của bệnh quai bị, nhất là các biểu hiện không đặc hiệu, để kịp thời thăm khám và chữa trị.

Câu hỏi 2: Tôi đã tiêm vắc-xin nhưng vẫn bị quai bị. Có phải là vắc xin quai bị không hiệu quả?

Trả lời: Trước khi có vắc-xin, quai bị là một bệnh phổ biến ở trẻ em trên toàn cầu. Bệnh có nguy cơ gây ra một số biến chứng, chẳng hạn như khiến bệnh nhi bị điếc vĩnh viễn hoặc viêm não, thậm chí có trường hợp còn dẫn đến tử vong nhưng hiếm gặp hơn. Mỗi năm, số ca mắc quai bị có thể dao động từ khoảng vài trăm đến vài nghìn. Có thời điểm xuất hiện nhiều trường hợp mắc quai bị hơn bình thường vì dịch bùng phát.

Vắc-xin MMR có khả năng ngăn ngừa hầu hết các trường hợp mắc quai bị nhưng không phải là tuyệt đối, nghĩa là người đã từng tiêm chủng vẫn có một ít nguy cơ mắc quai bị và gặp phải các biến chứng do bệnh gây ra. Những đối tượng đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin MMR có tỷ lệ mắc quai bị ít hơn khoảng 9 lần so với những người chưa được tiêm chủng cùng bị phơi nhiễm với virus quai bị. Tuy nhiên, một số người đã tiêm đủ hai liều MMR vẫn có thể bị quai bị, đặc biệt là khi tiếp xúc trực tiếp và lâu dài với bệnh nhân. Nếu bị quai bị khi đã tiêm phòng, bệnh có thể sẽ ít nghiêm trọng hơn so với đối tượng chưa được tiêm chủng.

 Câu hỏi 3: Bệnh quai bị có nguy hiểm không?

Trả lời: Quai bị có thể nguy hiểm, tuy nhiên hầu hết những người bị quai bị đều phục hồi hoàn toàn trong vòng 2 tuần. Trong thời gian bị nhiễm quai bị, bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi và đau nhức, kèm theo sốt (kéo dài 3 - 4 ngày) và sưng tuyến nước bọt ở một hoặc hai bên mang tai (đây là triệu chứng kinh điển nhất và có thể kéo là từ 2 - 10 ngày). Cũng có trường hợp bệnh nhân cảm thấy vô cùng yếu ớt và không thể ăn vì đau hàm. Một số ít sẽ gặp phải quai bị biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

Nam giới từ tuổi vị thành niên trở lên: Có thể bị đau hoặc sưng ở tinh hoàn;

Nữ giới từ tuổi vị thành niên trở lên: Có thể bị đau hoặc sưng ở buồng trứng;

Bệnh nhân có nguy cơ bị viêm màng não và tủy sống, đôi khi xảy ra mất thính giác và có trường hợp điếc vĩnh viễn (hiếm gặp);

Biến chứng nghiêm trọng nhất là viêm não, có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn tật vĩnh viễn.

Câu hỏi 4: Tại sao cần cách ly người bị bệnh quai bị?

Trả lời: Bệnh nhân bị quai bị nên tránh tiếp xúc với người khác trong khoảng thời gian bệnh dễ lây lan nhất, cụ thể là ít nhất 5 ngày kể từ khi tuyến nước bọt bắt đầu sưng lên. Bệnh nhân không nên đi làm, đi học hoặc tham gia bất kỳ sự kiện xã hội nào.

Thay vào đó, người bệnh quai bị nên ở nhà nghỉ ngơi và hạn chế tiếp xúc với những người đang cùng chung sống, lời khuyên là nên ngủ trong phòng riêng nếu được.

Cách ly khi đang mắc bệnh quai bị là một yêu cầu quan trọng để tránh lây truyền virus sang cho người khác. Những người bị nhiễm quai bị sẽ không phát bệnh ngay lập tức vì thời gian ủ bệnh dao động trong khoảng 12 - 25 ngày. Có thể phải mất từ 2 - 4 tuần thì các dấu hiệu của bệnh quai bị mới dần xuất hiện.

Câu hỏi 5: Các biện pháp để ngăn ngừa quai bị lây lan là gì?

Trả lời: Ngoài việc tránh xa người khác khi đang bị quai bị, bệnh nhân có thể giúp ngăn chặn virus lây lan bằng cách:

Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, và sau đó vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác. Nếu không có khăn giấy, nên ho hoặc hắt hơi vào tay áo hoặc khuỷu tay trên thay vì bàn tay;

Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng diệt khuẩn;

Tránh dùng chung những đồ vật có thể dính nước bọt, ví dụ như chai nước hoặc chén bát;

Khử trùng các bề mặt mà người bệnh thường xuyên chạm vào, chẳng hạn như đồ chơi, tay nắm cửa, hoặc mặt bàn.

Câu hỏi 6: Bệnh nhân nên làm gì khi bị quai bị?

Trả lời: Cần cập nhật lịch sử tiêm chủng vắc-xin MMR của người bệnh và tất cả thân nhân trong gia đình. Bác sĩ có thể đề nghị tiêm thêm liều bổ sung cho những đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc quai bị do đã tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân, chẳng hạn như:

Dùng chung dụng cụ thể thao;

Chia sẻ đồ ăn hoặc thức uống;

Đã hôn người bệnh;

Sinh sống trong khu vực có người bị nhiễm bệnh.

Ngay cả người đã tiêm đủ 2 liều MMR vẫn cần liên hệ với bác sĩ để được theo dõi nếu thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ như trên. Bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán nếu có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm quai bị.

Nhìn chung, kể cả khi có dịch quai bị hay không, rửa tay thường xuyên với nước và xà phòng diệt khuẩn, cũng như chăm sóc sức khỏe đúng cách, là những bước quan trọng mà mọi người đều nên thực hiện để tránh mắc bệnh và lây truyền virus sang người khác.

Đào Lan Anh

Cùng chuyên mục

Ăn đậu phụ có làm giảm ham muốn tình dục ở nam giới

Đậu phụ là một nguồn thực phẩm phong phú về dinh dưỡng, chứa nhiều protein, canxi, sắt… Vậy ăn đậu phụ...

Quan niệm sai lầm về đặt vòng tránh thai

Nếu đang tìm kiếm một biện pháp bảo vệ an toàn, thuận tiện và lâu dài để tránh mang thai, thì vòng tránh thai có...

Nam giới có thể dùng thuốc tránh thai dành cho nữ giới không?

Thuốc tránh thai của nữ thường chứa các hormone estrogen và progestin, có tác dụng ngăn chặn sự rụng trứng và...

Kết hợp thuốc tránh thai hằng ngày và thuốc tránh thai khẩn cấp để tăng hiệu quả tránh thai?

Nhiều người đang sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày, nhưng sau khi phát sinh quan hệ tình dục, để yên tâm hơn lại...