6 tháng đầu năm 2019: Số trẻ em mới sinh ra so với cùng kỳ năm 2018 tăng 1,9%

Thứ Tư, 14/08/2019 07:54 AM (GMT+7)

Ngày 12/8, tại tỉnh Ninh Thuận, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo Chuyên đề công tác dân số năm 2019.

cong-tac-dan-so-12

Lãnh đạo Bộ Y tế, Tổng cục Dân số - KHHGĐ và địa phương tham dự Hội thảo. Ảnh: N.Mai

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ; bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Tổng cục trưởng; ông Lê Minh Định - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận; ông Vũ Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cùng đại diện các Vụ, đơn vị của Tổng cục Dân số; lãnh đạo Chi cục Dân số 32 tỉnh/thành trên cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ cho biết, công tác dân số trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Năm nay là năm thứ 13 liên tiếp Việt Nam duy trì được mức sinh thay thế; tỷ lệ tăng dân số bình quân trong giai đoạn 2009 – 2019 là 1,44%/năm; tỷ suất chết trẻ em, tỷ số tử vong bà mẹ đều giảm; tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên…

Tuy nhiên, công tác dân số của nước ta cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Mức sinh không đồng đều giữa các vùng; tỷ số giới tính khi sinh đang ở mức cao và có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, kinh phí Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số bị cắt giảm nhiều gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu. So với thời điểm năm 2018, tình hình thực hiện các chỉ tiêu là không đạt kế hoạch.

Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, công tác tổ chức bộ máy ở địa phương đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện việc tổ chức sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế đa chức năng huyện.

Trên thực tế, tại nhiều địa phương, việc sáp nhập đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác dân số khiến việc triển khai các công tác chuyên môn gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ nhấn mạnh: Hội thảo lần này là dịp các địa phương ngồi lại cùng nhau để chia sẻ những khó khăn, bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy ở địa phương.

"Chúng ta cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, đưa ra những giải pháp để đạt được các chỉ tiêu chuyên môn 6 tháng cuối năm", Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Ngọc Lan nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, ông Đặng Văn Nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Tổng cục Dân số - KHHGĐ) cho biết, năm 2019, Bộ Y tế giao 5 chỉ tiêu cơ bản và 7 chỉ tiêu chuyên môn, trong đó, giao 6/7 chỉ tiêu giao từng tỉnh.

Về nguồn kinh phí, theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính, kinh phí Chương trình mục tiêu từ ngân sách Trung ương cắt giảm nhiều, không đủ nguồn lực đảm bảo thực hiện các hoạt động cơ bản của công tác dân số. Việc giao dự toán và kế hoạch của một số nơi quá chậm khiến việc triển khai các hoạt động bị động, nhất là nơi không bố trí ngân sách địa phương.

Theo tổng hợp báo cáo 6 tháng đầu năm của các tỉnh, nhiều chỉ tiêu không đạt được kế hoạch đề ra. Cụ thể: Số trẻ em mới sinh ra so với cùng kỳ năm 2018 tăng 1,9%; tỷ số giới tính khi sinh của toàn quốc thời điểm hiện tại là 110,1 bé trai/100 bé gái, ước đạt toàn năm 2019 là 114,1 bé trai/100 bé gái, không đạt kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, số trẻ sinh ra được sàng lọc là 200.187 ca, đạt 32% kế hoạch năm, ước tính cả năm 2019, không đạt kế hoạch năm.

Các chỉ tiêu tổng số người sử dụng các biện pháp tránh thai; chỉ tiêu tăng tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ cũng không đạt được kế hoạch.

 Trình bày báo cáo thực trạng tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở địa phương, ông Lê Văn Hợi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Dân số - KHHGĐ) cho biết, hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW, mô hình tổ chức và đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân số ở địa phương đã có nhiều thay đổi.

Về mô hình tổ chức, theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, hiện nay đã có tỉnh Tây Ninh thực hiện chuyển Chi cục thành Phòng trực thuộc Sở Y tế; tỉnh Sơn La đã xây dựng Đề án để chuyển Chi cục để thành Phòng, còn lại không có chủ trương sáp nhập.

Tại cấp huyện, hiện đã có 45 tỉnh đã sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế; 16 tỉnh đã và đang xây dựng Đề án sáp nhập; 2 tỉnh (Phú Thọ và TP Hồ Chí Minh) chưa có chủ trương sáp nhập. Tại cấp xã, hầu hết các tỉnh, viên chức dân số xã thuộc Trạm Y tế xã quản lý trực thuộc Trung tâm Y tế.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã có những tham luận, chia sẻ về thực trạng công tác dân số tại địa phương mình cũng như những khó khăn cần giải quyết, khắc phục trong thời gian tới. 

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...