7 câu hỏi khi sử dụng kháng sinh

Chủ Nhật, 19/01/2020 01:54 PM (GMT+7)

Chỉ cần thấy người khác đang uống thuốc mà có bệnh giống mình hay ra khai bệnh, người bệnh sẽ được bán cho các loại kháng sinh. Cũng chính vì vậy người bệnh không biết rằng có thể mình đang tự giết hại mình.

khang-sinh

1. Kháng sinh là gì?

Kháng sinh (KS) là thuốc được dùng để điều trị các bệnh gọi là nhiễm trùng, có tác dụng ức chế sự phát triển hoặc tiêu diệt các vi khuẩn, một số vi nấm hoặc một số ký sinh trùng gây bệnh. Bạn cần lưu ý là đối với các bệnh do siêu vi (còn gọi là vi rút) như cảm cúm, sốt xuất huyết, viêm gan siêu vi..., KS không có tác dụng chữa trị. Vì thế, chỉ khi nào mắc bệnh nhiễm trùng mới cần dùng KS và phải có sự chỉ định của thầy thuốc.

2. KS trị được bệnh nào?

Tất cả những bệnh không phải là bệnh nhiễm khuẩn đều không được dùng KS. Nếu được sử dụng đúng cách, KS là thuốc rất quý, giúp chữa trị dứt bệnh những bệnh nhiễm trùng thường gặp ở đường hô hấp, tai mũi họng, đường tiết niệu - sinh dục, da…

Ngoài ra, KS còn có thể giúp chữa dứt những bệnh nhiễm trùng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, viêm não - màng não hoặc những bệnh mà trước kia được xem là nan y như lao, phong.

3. Khi nào cần sử dụng KS?

Để đạt được hiệu quả cao nhất, việc dùng KS phải được thực hiện bởi bác sĩ điều trị.Bởi vì chỉ có bác sĩ qua thăm khám lâm sàng tức khám trực tiếp bệnh nhân, thậm chí có khi phải cho làm xét nghiệm mới xác định được bệnh nhân bị bệnh nhiễm trùng. Sau đó, bác sĩ phải lựa chọn đúng KS (trong bệnh viện, có khi phải làm xét nghiệm vi khuẩn học bệnh phẩm, KS đồ để chọn KS thích hợp nhất). Bác sĩ là người biết rõ về liều lượng, cách dùng, thời gian dùng KS.

Vì vậy, nếu nghi ngờ bị bệnh nhiễm trùng, đặc biệt đối với trẻ em, nên đến bác sĩ khám để được định bệnh chính xác và chỉ định dùng KS khi cần thiết.

4. Có nên tự ý dùng KS không?

Hiện nay việc mua bán thuốc KS ở nước ta chưa được kiểm soát tốt.Vì vậy có vấn đề tự ý mua KS dùng mà không cần đến bác sĩ.

Bạn không nên tự ý dùng KS vì không chắc phù hợp với tình trạng nhiễm trùng của mình hoặc đó là bệnh không cần đến dùng KS.

Ngoài ra, nếu đó là bệnh cần điều trị bằng KS phải sử dụng đúng cách bệnh mới hết được. Việc dùng KS không đúng cách không những làm bệnh nặng hơn hoặc dây dưa mà còn gây ra các tác dụng phụ bất lợi, gây ra hiện tượng “lờn thuốc” mà y học gọi là “đề kháng kháng sinh”, rất nguy hiểm về sau.

5. Các tác dụng phụ bất lợi của KS là gì? 

Ngoài gây dị ứng (nổi mề đay, ban đỏ, ngứa), thậm chí gây dị ứng nặng nề là sốc phản vệ (tụt huyết áp, hôn mê) làm chết người, dùng KS có thể bị 2 tai biến: tổn thương cơ quan (như bị tổn thương thần kinh thính giác gây điếc do dùng KS nhóm aminosid là streptomycin) và bị tiêu chảy do rối loạn tạp khuẩn ruột.

Dùng KS bừa bãi luôn có nguy cơ bị tiêu chảy. Bị tiêu chảy do dùng KS cũng giống như bị tiêu chảy nói chung là người bệnh, nhất là trẻ con bị mất nước và chất điện giải, bị mất vitamin và có thể bị suy dinh dưỡng. Riêng lincomycin có thể gây viêm ruột gọi là viêm đại tràng có màng giả rất khó trị.

6. “Lờn thuốc” hay “đề kháng KS” là gì?

Lạm dụng, sử dụng KS không đúng cách, không đúng liều lượng dễ gây ra hiện tượng vi khuẩn đề kháng KS, gọi tắt là đề kháng, tức KS bị lờn. Chính việc sử dụng KS bừa bãi, không đúng cách không đủ liều sẽ làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt hết, một số khả năng thích ứng, đặc biệt có sự đột biến gien trên nhiễm sắc thể kiểm soát sự nhạy cảm đối với KS, số này tồn tại, phát triển thành “chủng” vi khuẩn mới mà kháng sinh đã sử dụng sẽ không còn tác dụng đối với chủng này nữa.

Vi khuẩn kháng thuốc không chỉ truyền gien kháng thuốc cho con cháu của chúng và nguy hiểm hơn là truyền gen kháng thuốc cho vi khuẩn khác loại (gọi là đề kháng chéo). Và thế là tính kháng thuốc lan truyền khắp nơi, có thể từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Thực tế, đã có những bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng phải tử vong vì vi khuẩn gây bệnh đã đề kháng với hầu hết các loại KS.

7. Dùng KS đúng cách thế nào?

- Chỉ dùng KS khi có chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc, đặc biệt là phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú và trẻ em.

- Tái khám đúng hẹn để bác sĩ theo dõi hiệu quả điều trị, diễn biến bệnh, tác dụng bất lợi của thuốc… để tiếp tục điều trị hay thay đổi KS khi cần; hoặc tái khám ngay khi thấy có dấu hiệu bất thường.

- Dùng đúng liều lượng và đủ thời gian mà bác sĩ chỉ định để tránh hiện tượng lờn thuốc, thông thường một đợt điều trị tối thiểu 5 - 7 ngày.

- Khi khám bệnh, nên thông báo cho bác sĩ biết đã dùng thuốc gì, từng bị dị ứng với thuốc hoặc KS nào.

- Không chỉ dẫn người khác sử dụng KS mà mình đang sử dụng khi thấy bệnh người đó giống mình. Nên khuyên họ đi khám ở bác sĩ hoặc cơ sở y tế.

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....