90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất

Thứ Sáu, 27/12/2019 11:20 AM (GMT+7)

Đây là một trong những chỉ tiêu được đưa ra trong Dự thảo Đề án tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 do Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) xây dựng, dự kiến trình Chính phủ vào năm 2020.

tam-soat-truoc-sinh

Tại Hội thảo góp ý về Đề án này được tổ chức hôm nay (27/12), bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 2007, Tổng cục Dân số đã triển khai Chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh.

Qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Thông qua hoạt động tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại cộng đồng, nhận thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và số trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, hệ thống các trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh khu vực đã được hình thành trên cả nước (6 trung tâm lớn) thuận tiện cho người dân thực hiện sàng lọc khi có nhu cầu.

Tại một số địa phương, việc thực hiện xã hội hóa sàng lọc trước sinh và sơ sinh cũng được chú trọng. Ngoài 2 mặt bệnh sàng lọc sơ sinh trong Chương trình là thiếu men G6PD và suy giáp trạng bẩm sinh, xã hội hóa đã mở rộng một số bệnh như rối loạn chuyển hóa axit amin, bệnh tim bẩm sinh…góp phần giảm tỷ lệ trẻ dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng giống nòi.

Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đã chỉ rõ: Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 137/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.

Thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết 137/NQ-CP đã đề ra, Tổng cục Dân số đã xây dựng Đề án tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030, dự kiến trình Chính phủ vào năm 2020.

Bà Đỗ Thị Quỳnh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số (Tổng cục Dân số) cho biết: Mục tiêu của Đề án nhằm phổ cập dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh với sự tham gia của toàn xã hội nhằm giảm hậu quả về thể chất, trí tuệ và gánh nặng kinh tế do bệnh tật bẩm sinh gây ra, góp phần nâng cao chất lượng dân số phục vụ sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Một số chỉ tiêu của Đề án đến năm 2030 cụ thể như: Giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 90% cặp nam, nữ thanh niên đăng ký/sử dụng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến; 

Tăng số trung tâm sàng lọc khu vực được đầu tư đủ điều kiện thực hiện các xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tiên tiến tại các tỉnh, thành phố lớn (từ 6 lên 10 trung tâm); đến năm 2025 có 80% trạm y tế xã có đủ điều kiện tư vấn, khám sức khỏe cơ bản trước khi kết hôn và đạt 100% vào năm 2030…

Theo TS.BS Vũ Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm Sàng lọc sơ sinh và quản lý các bệnh hiếm (Bệnh viện Nhi Trung ương), để Đề án thực hiện có hiệu quả, cần huy động sự vào cuộc của toàn xã hội. Ảnh: N.MaiTại Hội thảo, các đại biểu đánh giá, Đề án đã có nền tảng là các Chương trình, mô hình về tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh, do đó, đây là thời điểm chín muồi để "nâng tầm" triển khai một cách sâu rộng trên phạm vi toàn quốc.

Các đại biểu cũng cho biết, trên thực tế, các quốc gia trên thế giới đã triển khai việc tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh từ rất lâu, kết quả cho thấy, tỷ lệ tầm soát đạt rất cao. Đây chính là vấn đề mấu chốt giúp nâng cao chất lượng dân số.

Chính vì vậy, Đề án được thông qua sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số cũng như thực hiện thành công Nghị quyết 21 và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Duyen

Cùng chuyên mục

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng tiếp xã giao Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam

Ngày 22/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã có buổi tiếp xã giao bà Park...

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng làm việc với Công ty Merck Health Care nhằm thúc đẩy hợp tác về dân số

Sáng ngày 22/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã có buổi tiếp và làm việc...

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng tiếp Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam

Ngày 07/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã tiếp và làm việc với ông Matt...

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng làm việc với đoàn đại biểu Đại sứ quán và Văn phòng Nội các Nhật Bản

Ngày 04/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã có buổi tiếp và làm việc với...