Ba vấn đề lớn của dân số Việt Nam

Thứ Tư, 22/11/2017 12:00 AM (GMT+7)

Dân số vàng, già hóa dân số và mất cân bằng giới tính là ba vấn đề lớn của dân số việt nam

Dân số vàng

Quy mô dân số nước ta từ 25 triệu người năm 1945 đã lên 90 triệu người năm 2013, theo tính toán của giới chuyên môn, tốc độ dân số VN tăng chậm hơn so với dự báo 11 năm và hơn 20 năm qua VN đã tránh sinh được hơn 20,8 triệu trường hợp. Mức sinh được kiểm soát, số người tăng bình quân hàng năm đã giảm từ mức gần 1,2 triệu người/năm (giai đoạn năm 1979 -1999) xuống còn 952.000 người/năm (giai đoạn 1999-2009). Nhờ thành công của chương trình dân số - KHHGĐ từ hàng thập kỷ trước, VN đang có cơ cấu dân số vàng, chính thức bước vào giai đoạn dân số vàng từ năm 2007 với hơn 62 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 68,5% dân số. Số người bước vào tuổi lao động gấp 5,71 lần số người bước ra (nếu so với tuổi 65) và gấp 3,46 lần số người bước ra (so với tuổi 60). 

Lợi thế của dân số vàng là số người trong độ tuổi lao động lớn (chiếm 68,5% tổng dân số), là nguồn nhân lực khổng lồ cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, một tương lai về già hóa dân số đã được chuẩn bị. Mặc dù VN đang ở thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” nhưng chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng dân số còn rất nhiều hạn chế. Tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp với hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, tạo ra các dòng di cư lớn và các thách thức từ di cư. Theo thống kê, tiền lương trung bình của lao động làm công ăn lương 4,6 triệu đồng/tháng (năm 2015) so với 4 triệu đồng/tháng (năm 2013) thì mức cải thiện thu nhập không đáng kể. Lực lượng lao động nông thôn chiếm 69,9%, dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm 13,4% (thành thị 25,4% và nông thôn 8%), nhu cầu việc làm tăng nhưng sức bền, kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc, trình độ quản lý còn nhiều hạn chế.

Già hóa dân số

VN đang ở giai đoạn “già hóa dân số”, năm 2011 đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” với tỉ lệ người già từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% dân số. Thời gian chuyển đổi từ già hóa dân số sang dân số già tại VN rất nhanh, nếu như các nước phát triển mất hàng thập kỷ, hàng thế kỷ thì VN chỉ mất 16 - 18 năm, tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo tính toán của Liên hiệp quốc, đến năm 2050 VN sẽ bước vào dân số “siêu già”. 

Lợi thế tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu vĩ đại của loài người; người cao tuổi là nguồn lực mới cho sự phát triển kinh tế -xã hội. Khó khăn thách thức không nhỏ là: Trên 70% người cao tuổi sống với con cháu trong khi xu hướng cấu trúc gia đình có thay đổi (quy mô gia đình nhỏ); đời sống vật chất còn khó khăn với 68,2% ở nông thôn, 70% không có tích lũy vật chất, 18% nghèo; hệ thống bảo trợ, an sinh xã hội chưa đủ đáp ứng: chỉ có 30% có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước; sức khỏe người cao tuổi còn nhiều hạn chế trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa bắt kịp với sự thay đổi này.

Mất cân bằng giới tính khi sinh

VN đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh liên tục từ năm 2006 đến nay: 109,8 bé trai/100 bé gái (năm 2006) lên 113,8 bé trai/100 bé gái (năm 2013), xu hướng vẫn tiếp tục tăng, mất cân bằng cả ở nông thôn và thành thị; người có điều kiện kinh tế, học vấn cao hơn lại lựa chọn giới tính khi sinh nhiều hơn. Theo dự báo đến năm 2050, VN thừa 3-4 triệu đàn ông không lấy được vợ. 

Nguyên nhân do mong muốn có con trai và phải có con trai, dùng công nghệ lựa chọn giới tính thai nhi. Mất cân bằng giới tính khi sinh tác động trực tiếp đến các chỉ báo nhân khẩu học và các vấn đề xã hội: Thừa nam, thiếu nữ đặc biệt nghiêm trọng ở độ tuổi kết hôn; nam giới khó lấy được vợ; tan vỡ cấu trúc gia đình; phụ nữ kết hôn sớm; tỉ lệ ly hôn cao; bạo hành gia đình; bạo lực giới; bất bình đẳng giới; thiếu hụt lao động tại nhiều ngành nghề: giáo viên mầm non, tiểu học, hộ lý, y tá...; mất an ninh - trật tự xã hội: tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS; buôn bán phụ nữ, trẻ em. Một thập kỷ qua trên thế giới có 115 triệu phụ nữ biến mất, trong đó xảy ra tại Trung Quốc 50 triệu phụ nữ và Ấn Độ 30 triệu phụ nữ biến mất.

Dân số vàng, già hóa dân số và mất cân bằng giới tính là ba vấn đề lớn của dân số việt nam. những vấn đề này không chỉ tạo nên nhiều cơ hội mà còn là những thách thức ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của quốc gia. Đảng, nhà nước cần tích cực đưa ra những giải pháp tối nhằm kiểm soát các vấn đề này.

Khánh Linh TH

System

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...