Bản tin dân số thế giới tháng 7/2020

Thứ Tư, 29/07/2020 10:05 AM (GMT+7)

Tỷ lệ người nghèo trên thế giới ước tính tăng lần đầu tiên sau 22 năm; Israel sẽ ban lệnh cấm 'chữa trị bệnh đồng tính'; Australia công bố 5 thay đổi lớn để thu hút sinh viên quốc tế

Tỷ lệ người nghèo trên thế giới ước tính tăng lần đầu tiên sau 22 năm

Theo báo cáo năm 2020 về Các mục tiêu Phát triển Bền vững do Vụ Các vấn đề Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc công bố đầu tháng này, số lượng người trong diện nghèo cùng cực trên toàn thế giới năm nay ước tính sẽ tăng lần đầu tiên sau 22 năm do tác động của đại dịch COVID-19.

Tỷ lệ người nghèo cùng cực năm 2020 được dự báo sẽ tăng lần đầu tiên kể từ năm 1998, với mức tăng 0,4 điểm phần trăm lên 29,7%. Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số thế giới có thu nhập dưới 1,9 USD/ngày có thể sẽ tăng từ 8,2% trong năm ngoái lên 8,8% trong năm nay.

Số liệu ước tính mới nhất này cao hơn so với dự báo ban đầu 7,7% được đưa ra trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo những phân tích cập nhật, báo cáo của cơ quan LHQ dự báo khoảng 71 triệu người có nguy cơ rơi trở lại tình cảnh nghèo đói cùng cực trong năm nay khi dịch bệnh lây lan và trở thành nguyên nhân gây suy giảm kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ Cuộc Đại suy thoái trong năm những năm 30 của thế kỷ 20.

Báo cáo nhận định thêm rằng tầm quan trọng của các hệ thống bảo trợ xã hội vững mạnh giúp đảm bảo cuộc sống của người nghèo và những người dễ bị tổn thương đang trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. 

Trong báo cáo, Tổng thư ký LHQ nêu rõ dịch COVID-19 đang phơi bày và làm trầm trọng thêm các vấn đề bất bình đẳng và những bất công hiện nay. Do dịch bệnh, cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế và xã hội chưa từng có đang đe dọa tính mạng và sinh kế của con người, đồng thời đặt ra thách thức lớn hơn đối với nỗ lực nhằm đạt được Các mục tiêu Phát triển Bền vững của LHQ.

Israel sẽ ban lệnh cấm 'chữa trị bệnh đồng tính'

Israel là số ít quốc gia ở khu vực Trung Đông có cái nhìn thiện cảm về người đồng tính. Chính phủ nước này đang cố gắng tiến xa hơn trong việc bảo vệ cộng đồng LGBT.

Theo đó, Israel trở thành quốc gia Trung Đông đầu tiên chuẩn bị ban hành lệnh cấm các biện pháp “trị liệu đồng tính”, vốn được nhiều người theo đạo Hồi coi là sẽ giúp người đồng giới “không còn lệch lạc”.

Trước đó, các nghị sĩ thuộc hai đảng ở Quốc hội nước này đã bỏ phiếu ủng hộ cho việc làm này, giúp dự luật được thông qua giai đoạn đầu tiên. Dự luật "cấm coi đồng tính là bệnh và tìm cách chữa trị" vẫn phải thông qua hai lần xét duyệt nữa trước khi trở thành luật chính thức. Dự luật này được dự báo sẽ gây chia rẽ mạnh, khi phần đông những người bảo thủ vẫn coi đồng giới là một tội lỗi.

Thuật ngữ "liệu pháp chuyển đổi" dùng để chỉ bất kỳ hình thức điều trị hoặc tâm lý trị liệu nào nhằm thay đổi xu hướng tình dục hoặc để ngăn chặn bản sắc giới tính của một người. Việc thực hiện những biện pháp này bị những người ủng hộ cộng đồng LGBT coi là thiếu cơ sở khoa học, phi logic và trên hết là xâm phạm quyền con người.

Trong các nước khu vực Trung Đông, Israel được biết đến là nước có thái độ cởi mở nhất đối với cộng đồng LGBT, bất chấp sự phản đối của một số bộ phận bảo thủ trong xã hội. Người đồng tính tại quốc gia này được bảo vệ bởi luật chống phân biệt đối xử, có quyền nhận con nuôi, đồng thời có quyền thừa kế và được phép phục vụ trong quân đội từ năm 1993. Đất nước này cũng có số lượng kỷ lục các nghị sĩ công khai là người đồng tính. Năm ngoái, một bộ trưởng là người đồng giới đã chính thức được bổ nhiệm.

Australia công bố 5 thay đổi lớn để thu hút sinh viên quốc tế

Ngày 20/7 vừa qua, Chính phủ Australia đã công bố một loạt điều chỉnh về chính sách nhập cư và cấp thị thực du học nhằm thu hút các sinh viên quốc tế tới nước này học tập.

Theo đó, quyền Bộ trưởng Nhập cư Australia Alan Tudge công bố 5 điều chỉnh lớn nhằm phản hồi đề nghị của các trường đại học. Đây được coi là nỗ lực nhằm thu hút sinh viên quốc tế và “làm hồi sinh” lĩnh vực đóng góp tới 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Australia trước khi nền kinh tế lao dốc vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

5 thay đổi được đề cập bao gồm:

- Chính phủ Australia sẽ nối lại việc cấp visa cho sinh viên tại tất cả các điểm nhận đơn ở bên ngoài Australia. Điều này có nghĩa là khi Australia mở trở lại đường biên giới, sinh viên sẽ có sẵn visa và có thể thu xếp để tới nước này.

- Sinh viên quốc tế sẽ được phép gia hạn visa mà không phải trả thêm phí, nếu các em không thể hoàn thành khóa học của mình trong thời gian hiệu lực của thị thực trước đó vì đại dịch COVID-19.

- Các đối tượng có visa sinh viên đang học trực tuyến bên ngoài Australia vì dịch COVID-19 sẽ có thể xem xét đề nghị cấp visa làm việc sau khóa học.

- Những sinh viên tốt nghiệp tại Australia mà không thể quay lại nước này vì dịch bệnh có thể nộp đơn xin cấp visa làm việc khi đang ở bên ngoài Australia.

- Tại những nơi không thể tiến hành cung cấp chứng chỉ tiếng Anh vì đại dịch COVID-19, người nộp đơn sẽ được lùi thời điểm phải nộp chứng chỉ này.

Sinh viên quốc tế hàng năm đóng góp khoảng 40 tỷ USD cho nền kinh tế Australia, đồng thời hỗ trợ tạo ra khoảng 250.000 việc làm. Theo Bộ trưởng Giáo dục Australia Dan Tehan, “không chỉ giúp tạo công ăn việc làm, khu vực giáo dục quốc tế còn tạo sự gắn kết giữa chúng tôi với phần còn lại của thế giới, bổ trợ cho một số ngành then chốt như y tế, chăm sóc người cao tuổi và người khuyết tật”.

Trần Thu Minh

Cùng chuyên mục

Điểm tin dân số: Bến Tre truyền thông sức khỏe sinh sản với chủ đề “Hành trình SV - OK”

Sáng 18/6 tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Bến Tre, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bến Tre phối hợp Tạp...

Điểm tin dân số: Hậu Giang chuẩn bị cho Chiến dịch truyền thông dân số

Thời gian gần đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã và đang chuẩn bị để bước vào Chiến...

Điểm tin dân số: Cà Mau nỗ lực giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Thời gian qua, xã Định Bình (TP Cà Mau) đã xây dựng, triển khai các chương trình phối hợp với các mô hình, hoạt...

Điểm tin dân số: Sóc Trăng tổ chức tập huấn về công tác dân số năm 2023

Chiều ngày 23/5, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Sóc Trăng tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền...