Bản tin điện tử "Thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật về y tế" số 4/2019

Chủ Nhật, 01/09/2019 04:07 PM (GMT+7)

Bộ Y tế tổ chức Hội nghị “Góp ý dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe”; Bộ Y tế có Công văn nhất trí với thành phố Hà Nội về việc cấm sử dụng bóng cười; Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Bộ Y tế tổ chức Hội nghị “Góp ý dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe”

Đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe cấp chứng chỉ để xác định phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề trong các trường hợp có quy định phải cấp chứng chỉ hành nghề; để cập nhật kiến thức y khoa liên tục bao gồm: cơ sở đào tạo; yêu cầu về đối tượng đào tạo; khối lượng học tập tối thiểu, thời gian và hình thức đào tạo; chứng chỉ, giấy chứng nhận đào tạo; tổ chức đào tạo, bảo đảm chất lượng đào tạo.

Để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe, ngày 02/4/2019, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Góp ý đối với dự thảo Nghị định trên tại Quảng Ninh.

Theo quy định tại Dự thảo Nghị định, Người tốt nghiệp trình độ đại học có thể học tiếp chương trình đào tạo chuyên khoa hoặc chuyên khoa sâu để đạt trình độ tương đương bậc 7, trình độ tương đương bậc 8 theo Khung trình độ quốc gia.

Người có bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ Răng Hàm Mặt, dược sĩ được học tiếp lên chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa, dược sĩ chuyên khoa tương đương trình độ bậc 8.

Cơ sở đào tạo muốn tham gia đào tạo chuyên khoa hoặc chuyên khoa sâu thì phải có Hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo chuyên sâu gửi về Bộ Y tế để Bộ chủ trì tổ chức thẩm định. Dự thảo Nghị định cũng quy định điều kiện đối với cơ sở giáo dục đại học được mở ngành đào tạo bác sĩ, dược sĩ.

Bộ Y tế ban hành Công văn nhất trí với thành phố Hà Nội về việc cấm sử dụng bóng cười

Trước những tác hại do việc một số người tự ý sử dụng khí N2O (bóng cười) như một chất kích thích có thể dẫn đến tử vong. Ngày 29/5/2019, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 2954/BYT-KCB phúc đáp Công văn số 5051/UBND-KGVX của UBND TP Hà Nội về việc khuyến cáo tác hại khí N2O, không được sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi giải trí vì khí này làm thay đổi trạng thái tâm thần kinh, đề nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo công tác truyền thông về tác hại của khí N2O với sức khỏe con người, tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh, lưu hành khí N2O.

Bộ Y tế cũng cho biết, khí N2O thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và theo quy định thì loại khí này chỉ được phép mua bán, sản xuất với mục đích sản xuất công nghiệp, không được cấp phép để mua bán, sản xuất với mục đích sử dụng cho người.

Hiện tại, trong danh mục các hóa chất cấm sử dụng và hạn chế phạm vi sử dụng của Bộ Y tế ban hành không có khí N2O. Bộ Y tế cũng chưa tiếp nhận hồ sơ thuốc, trang thiết bị y tế có thành phần khí N2O.

Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Sau một thời gian dài nghiên cứu, xây dựng, lấy ý kiến góp ý Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại các khu vực trên phạm vi cả nước, sáng 14/6/2019, với 84,3% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và được Chủ tịch nước ký Quyết định công bố ngày 28/6/2019.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm có bảy chương và 36 điều, và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020.

Luật quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó có một số hành vi đáng chú ý như: nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia - Trình chiếu hình ảnh - Trong lúc trình chiếu hình ảnh, chạy dòng chữ “Quốc hội thông qua Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” bên dưới màn hình. Chạy chữ hoặc hình ảnh: ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập; nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông bao gồm cả xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn..

Luật quy định 3 biện pháp chính trong phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm:

a) Biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia bao gồm: thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; địa điểm không uống rượu, bia; quản lý việc khuyến mại rượu, bia có độ cồn dưới 15 độ; quản lý việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 15 độ; quản lý việc tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia.

- Biện pháp thông tin, giáo dục truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân từ đó dần thay đổi hành vi sử dụng rượu, bia. Trong đó, chú trọng một số biện pháp đối với một số đối tượng đặc thù như học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai và tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công.

- Các địa điểm không được uống rượu, bia, bao gồm 7 địa điểm. Đây là các địa điểm công cộng mà việc sử dụng rượu, bia có thể tác động cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm đối tượng cần được bảo vệ như người dưới 18 tuổi, người bệnh, học sinh, sinh viên và gây ảnh hưởng đến chất lượng lao động, nghiêm trọng hơn đó là ảnh hưởng đến thế hệ tương lai của đất nước.

- Đối với kiểm soát khuyến mại, quảng cáo, tài trợ rượu, bia, ngoài việc kế thừa quy định về cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, dự thảo Luật bổ sung biện pháp kiểm soát quảng cáo đối với rượu, bia dưới 15 độ để bảo đảm quan điểm nhất q uán của Luật là quản lý toàn diện đối với rượu, bia, khắc phục khoảng trống của pháp luật hiện hành đối với bia, nhưng có phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm (dưới 5.5 độ, từ 5.5 đến dưới 15 độ) và các quy định để phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên tiếp cận sớm với rượu, bia, hạn chế việc thúc đẩy s ử dụng rượu, bia.

b) Biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia, bao gồm: quản lý kinh doanh rượu; điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; biện pháp quản lý đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh; bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu, bia; địa điểm không được bán rượu, bia; phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Luật tiếp tục duy trì, kế thừa các biện pháp quản lý điều kiện, cấp phép đối với kinh doanh rượu và bổ sung quy định các điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử để bảo đảm phù hợp hình thức thương mại hiện đại, phổ biến trong tương lai. Đồng thời, Luật cũng quy định các biện pháp quản lý đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, theo đó hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh phải có bản kê khia với Ủy ban nhân dân cấp xã về lượng rượu được sản xuất, phạm vi sử dụng, cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và không bán rượu ra thị trường.

c) Biện pháp giảm tác hại bao gồm: Phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia; phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe; tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia; phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng; chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng, ngừa, giảm tác hại của rượu, bia.

Đối với biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, Luật quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải trong việc thực hiện biện pháp ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham giao thông.

Phạm Thanh Huyền