Bản tin "Thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật về y tế" số 1/2020

Thứ Bảy, 11/04/2020 08:53 PM (GMT+7)

Chỉ thị số 16/CT -TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; Công văn số 2601 ngày 03/4/2020 của VP Chính phủ về việc thực hiện chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19; Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về công bố dịch Covid-19.

Chỉ thị số 16/CT -TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/4/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới cũng như tại Việt Nam có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, con người và kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT -TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, tiếp theo đó Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 2601 về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid - 19 với các biện pháp cấp bách sau:

1. Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01/4/2020 trên phạm vi toàn quốc với các nguyên tắc:

- Cách ly xã hội là việc thực hiện giãn cách xã hội để giảm tiếp xúc xã hội nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.

- Gia đình cách ly với gia đình

- Thôn bản cách ly với thôn bản

- Xã cách ly với xã

- Huyện cách ly với huyện

- Tỉnh cách ly với tỉnh

- Phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Một trong những biện pháp được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đó là yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như:

- Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;

- Các trường hợp khẩn cấp như: Cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn,…

- Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và các đơn vị đang hoạt động theo danh mục do Chính phủ hướng dẫn.

Trường hợp người dân cần ra khỏi nhà thì phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

Cũng từ 0h ngày 01/4/2020, tạm thời đóng cửa các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ dành cho người qua lại trên tuyến biên giới với Lào và Campuchia. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế trên các tuyến biên giới đường bộ, tất cả người nhập cảnh từ Lào, Camphuchia đều phải cách ly tập trung 14 ngày.

2. Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà và chỉ đến công sở làm việc khi trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhà nước chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.

 3. Các đơn vị được tiếp tục thực hiện hoạt động bao gồm:

- Nhà máy, cơ sở sản xuất;

- Công trình giao thông, xây dựng;

- Cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng, dầu, điện, nước, nhiên liệu;

- Cơ sở giáo dục

- Ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng

- Các cơ sở bổ trợ doanh nghiệp như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…;

- Chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa

- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ tang lễ.

 Người đứng đầu các cơ sở trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch bao gồm:

- Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế

- Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp.

- Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động

- Tổ chức quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.

Nếu các đơn vị không bảo đảm được các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động, cơ quan y tế địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch tại các cơ sở hoạt động trên. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố công khai loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình phải tạm đình chỉ hoạt động.

 4. Cơ bản tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công công, hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.

5. Bộ Y tế, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phối Hồ Chí Minh phải thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các ổ dịch tại 02 thành phố lớn; tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ tiếp xúc với người bệnh, người qua lại ổ dịch; tiếp tục kêu gọi người dân đã qua lại các ổ dịch khai báo y tế và yêu cầu liên hệ để được xét nghiệm.

Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện thực hiện các quy trình và quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu kê khai y tế bắt buộc đối với bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân; mỗi một bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc; dừng việc thăm bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Có quy định chặt chẽ về tiếp nhận bệnh nhân, không để một cá nhân lây nhiễm làm ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ bệnh viện.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề xuất cụ thể cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất trang thiết bị, dụng cụ y tế, đặc biệt là máy thở, máy theo dõi bệnh nhân, máy truyền dịch, máy lọc máu.

Bộ Y tế cũng cần xây dựng các phương án, kịch bản và khả năng ứng cứu đối với trường hợp khẩn cấp về dịch bệnh báo cáo Thủ tướng Chỉnh phủ.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng tổ chức, sắp xếp việc tiếp tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế và nhân dân; xem xét, xử lý các kiến nghị của UBND thành phố Hà nội, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hà Nội kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.

Có thể thấy, đây là những biện pháp hết sức mạnh mẽ, kiên quyết và chủ động của Thủ tướng Chính phủ nhằm mục tiêu ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Người dân cần tuyệt đối tuân thủ.

Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về công bố dịch Covid-19

Song song với các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại Chỉ thị 16, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 về công bố dịch Covid-19 theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Quyết định số 447/QĐ-TTg có các nội dung sau:

Điều 1. Công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam

1. Tên dịch bệnh: Covid-19 (tức dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra)

2. Thời gian xảy ra dịch: từ 23/1/2020 (đây là thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

3. Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: toàn quốc

4. Nguyên nhân: Do chủng mới của virus Corona gây ra

5. Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch: Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu

6. Lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người

7. Các biện pháp phòng, chống dịch:

- Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch

- Khai báo, báo cáo dịch

- Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh

- Tổ chức cách ly y tế

- Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch

- Các biện pháp bảo vệ cá nhân

- Kiểm soát ra, vào vùng có dịch

- Huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch

- Hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch

- CÁc biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch.

8. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, các ly, theo dõi, điều trị người mắc bệnh:

- Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương, bệnh viện trong ngành Công an, quân đội và các bệnh viện khác có điều kiên

- Bệnh viện dã chiến (khi được huy động).

Việc công bố dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc hiện nay nhằm mục tiêu: áp dụng các biện pháp mạnh mẽ trong phòng, chống dịch, nâng cao trách nhiệm của các lực lượng phòng, chống dịch; bảo đảm các chế độ, chính sách cho người tham gia chống dịch đặc biệt là cán bộ, nhân viên y tế và nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân trong việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ánh Thuận/Đình Nam/Xuân Sơn/Trung Đoàn/Hà Thu Thủy

Thanh Tùng