Bản tin "Thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật về y tế" số 3/2020

Thứ Ba, 30/06/2020 09:00 AM (GMT+7)

Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Vĩnh Phúc; Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo góp ý Quy định về điều trị suy dinh dưỡng nặng đối với trẻ em trong dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Hà Nội.

Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Vĩnh Phúc

Ngày 23-24/5/2020 tại Vĩnh Phúc, Vụ Pháp chế - Bộ Y tế đã phối hợp với Hiệp hội bệnh viện tư nhân tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

Tham dự Hội thảovề phía Bộ Y tế có đại diện lãnh đạo và chuyên viên Vụ Pháp chế, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo và Cục Quản lý Y, dược cổ truyền. Về phía Hiệp hội bệnh viện tư nhân có đại diện Hiệp hội, đại diện lãnh đạo, chuyên viên các bệnh viện và cơ quan thông tấn báo đài tham dự và đưa tin.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã nêu sự cần thiết ban hành Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.

Sau khi ThS. Đỗ Trung Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế trình bày về những nội dung thay đổi cơ bản trong dự thảo Luật khám bệnh chữa bệnh sửa đổi so với Luật năm 2009, Hội thảo đã lắng nghe các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, chủ yếu tập trung vào các vấn đề:

a) Về Hội đồng y khoa quốc gia

Dự thảo Luật đang quy định theo hướng giao Hội đồng y khoa quốc gia tổ chức thi đánh giá năng lực hành đối với toàn bộ các đối tượng là người đã hoàn thành chương trình đào tạo theo quy định của pháp luật về giáo dục và dựa trên kết quả thi.

Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng chưa xác định được cụ thể vị trí pháp lý, cơ cấu tổ chức và hình thức hoạt động của Hội đồng y khoa quốc gia trong hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước. Do vậy, nên xây dựng theo hướng giao Bộ Y tế để giao cho các trường, viện có đủ năng lực tổ chức thi.

b) Về Chứng chỉ hành nghề

Dự thảo Luật đang quy định phạm vi hành nghề được xác định theo danh mục kỹ thuật để làm cơ sở xác định một cách cụ thể, rõ ràng các dịch vụ mà người hành nghề được cung cấp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cách quy định này là không phù hợp do việc liệt kê có thể thiếu hoặc thừa và nhiều kỹ thuật thực tế không có trong danh mục. Bên cạnh đó, nhiều kỹ thuật có thể đã được đào tạo nhưng lâu không thực hành thì nếu vẫn cho phép làm sẽ nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Do vậy, nên quy định theo hướng ghi theo chuyên khoa chung.

c) Hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Hiện nay dự thảo Luật đang quy định theo hướng hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân. Trong đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước sẽ được thiết kế theo hệ thống hành chính 04 cấp.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với toàn bộ hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hướng chia thành 03 cấp độ chuyên môn gồm (1) tuyến khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; (2) tuyến khám bệnh, chữa bệnh cơ bản và (3) tuyến khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu. Việc xác định một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc tuyến chuyên môn nào sẽ dựa vào danh mục kỹ thuật mà cơ sở đó có khả năng cung cấp.

Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo góp ý Quy định về điều trị suy dinh dưỡng nặng đối với trẻ em trong dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Hà Nội.

Ngày 28/5/2020 tại thành phố Hà Nội, dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo góp ý Quy định về điều trị suy dinh dưỡng nặng đối với trẻ em trong dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tham dự buổi Hội thảo có đại diện Văn phòng Quốc hội, Vụ các vấn đề xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, Sở Y tế, bệnh viện nhi và các tổ chức có liên quan.

Hiện nay, ở nước ta có gần 2 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng mạn tính và hàng năm có trên 233.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Nếu không được điều trị ngay, các trẻ suy dịnh dưỡng cấp tính nặng dễ đi đến tử vong và có nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần so với trẻ cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.

Trên cơ sở Điều 60 của Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009, dự thảo lần này bổ sung thêm và thành Điều 84 quy định về sử dụng thuốc trong khám bệnh, chữa bệnh và sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính cho trẻ em từ không đến bảy mươi hai tháng tuổi.

Dự thảo Điều 84 quy định các nguyên tắc trong việc việc sử dụng thuốc trong khám bệnh, chữa bệnh và sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng. Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của người hành nghề khi kê đơn,theo dõi tác dụng và xử lý kịp thời tai biến do dùng thuốc và sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, quy định người bệnh có trách nhiệm dùng thuốc, sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng theo đúng hướng dẫn của người hành nghề và thông báo cho người hành nghề về các dấu hiệu bất thường sau khi dùng thuốc, sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng.

Việc bổ sung quy định này thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Nhà nước ta đối với trẻ em, đặc biệt là với Nhóm trẻ em bị yếu thế. Đồng thời là cơ sở pháp lý để các cơ sở y tế phải tuân thủ đầy đủ các quy trình khám bệnh, chữa bệnh đối với trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính, bảo đảm cho trẻ em được hưởng quyền lợi của mình trong khám, chữa bệnh, đặc biệt là được bảo hiểm y tế chi trả cho các chế phẩm đặc trị sử dụng trong điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính, giúp các em bảo vệ quyền sống còn của mình và để thực hiện mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Vụ Pháp chế tổ chức cuộc họp thẩm định Thông tư ban hành Danh mục thuốc đấu thầu, Danh mục thuốc đấu thầu tập trung, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá.

Ngày 29/5/2020, Vụ Pháp chế đã tổ chức thẩm định lần 2 dự thảo Thông tư ban hành Danh mục thuốc đấu thầu, Danh mục thuốc đấu thầu tập trung, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Huy Quang cho rằng do dự thảo Thông tư ban hành Danh mục thuốc đấu thầu, Danh mục thuốc đấu thầu tập trung, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá.Do vậy, Thông tư phức tạp, có nhiều ý kiến trái chiều và các thông tin khác nhau.

Cuộc họp thẩm định có 14 ý kiến từ các thành viên của Hội đồng thẩm định, đa số các ý kiến đều cho rằng:

+ Đối với phụ lục V: Nếu đưa danh mục 149 thuốc biệt dược gốc có từ 02 giấy đăng ký lưu hành thuốc generic nhóm 1 vào đấu thầu cùng nhóm I thì chưa đáp ứng theo theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 9762/VPCP-KGVX , đồng thời 1 số nội dung không đồng bộ với Thông tư số 15/2019/TT-BYT.

+ Đa số ý kiến thống nhất 149 thuốc biệt dược gốc có từ 02 giấy đăng ký lưu hành thuốc generic nhóm 1 phải tiến hành đàm phán trước, đàm phán không thành công mới chuyển đấu thầu tập trung và phải có cơ chế đàm phán rút gọn.

+ Mặc dù chưa làm được tương đương điều trị giữa thuốc biệt dược gốc và thuốc generic nên chưa có cơ sở đánh giá tuy nhiên thì thuốc biệt dược gốc vẫn được bệnh nhân, bác sĩ tin dùng, các tài liệu liên quan đến biệt dược gốc rõ ràng và đã được kiểm chứng cho nên có sự khác biệt giữa biệt dược gốc và thuốc generic.

Sau khi nghe ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, Ts. Nguyễn Huy Quang đã kết luậnmột số nội dung dự thảo Thông tư cần tiếp thu, chỉnh lý, đồng thờiđề nghị do còn có ý kiến khác nhau, đặc biệt giữa ý kiến Ban Soạn thảo, Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc, các ý kiến chỉ đạo của các Thứ trưởng Bộ Y tế về nội dung này, Vụ Pháp chế đề nghị Quý Cục xin ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế.

a) Trường hợp Ban Cán sự quyết định không đưa thuốc biệt dược gốc có từ 02 giấy đăng ký lưu hành thuốc Generic nhóm 1 vào đấu thầu chung với thuốc generic nhóm 1 mà thực hiện đàm phán giá trước, nếu đàm phán không thành công chuyển đấu thầu rộng rãi thì sẽ không phải sửa văn bản nào và không phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

b) Trường hợp Ban Cán sự quyết định đưa thuốc biệt dược gốc có từ 02 giấy đăng ký lưu hành thuốc Generic nhóm 1 vào đấu thầu chung với thuốc generic nhóm 1 thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nếu Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thì phải sửa Thông tư số 15/2019/TT-BYT.

Thắm/Phương Liên/Đình Nam/Tiến Dương/Xuân Sơn/Trung Đoàn/Anh Tú

Trần Thu Minh