Bản tin "Thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật về y tế" số 5/2020

Thứ Hai, 28/09/2020 08:30 AM (GMT+7)

Bộ Y tế tổ chức Hội thảo chuyên đề về tình hình vi phạm quảng cáo, buôn bán, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; Bộ Y tế tổ chức Hội thảo về “Quản lý CFS mỹ phẩm trong bối cảnh hiện nay và đề xuất giải pháp”.

 

Ngày 10/8/2020, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo chuyên đề về tình hình vi phạm quảng cáo, buôn bán, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Th.s Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, thuốc lá thế hệ mới là những sản phẩm không được quảng cáo, nhập khẩu, kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc sử dụng các sản phẩm này cũng như hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, quảng cáo không đúng quy định của các sản phẩm này hiện nay tại Việt Nam đang là một  vấn đề đáng báo động. Việt Nam vẫn đứng trước thách thức có số người sử dụng thuốc lá điếu rất cao, tới 43% ở nam giới và 1,1% nữ giới

Hiện nay, tại Việt Nam, các sản phẩm  thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hầu hết được đưa về Việt Nam theo đường xách tay, nhập lậu. Nạn buôn lậu thuốc lá xảy ra tràn lan, liên tiếp  các vụ buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với số lượng lớn được Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan bắt giữ. Việc mua bán chủ yếu được thực hiện công khai qua mạng internet, trang facebook, đặc biệt, việc quảng cáo, bán hàng còn xảy ra trên mạng xã hội mới nổi với đông đảo người dùng là mạng xã hội Tiktok, thậm chí là có điểm bán gần khu vực trường học...

Các hoạt động kinh doanh trên đều vi phạm các quy định của pháp luật về Luật Quảng cáo, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; Nghị định 59/2006/NĐ-CP và Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 7/5/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa, dich vụ cấm kinh doanh của Nghị định 59/2006/NĐ-CP; Nghị định 185/2014/NĐ-CP và 124/2915/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm.

Kết thúc Hội thảo, đại diện Bộ Y tế đã kiến nghị cần tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, chống buôn lậu, nhập lậu trái phép các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào Việt Nam. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành vi quảng cáo, mua bán trái phép trên mạng thương mại điện tử, mạng xã hội… Đồng thời, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ không thí điểm việc cho phép nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam. Đây là một trong những mục tiêu để bảo vệ phù hợp với việc giảm nguồn cung cấp, giảm tỷ lệ nhu cầu sử dụng thuốc lá cũng như duy trì nỗ lực thể hiện mục tiêu, quan điểm của Việt Nam khi tham gia công ước Khung của Tổ chức Y tế thế giới về phòng chống tác hại của thuốc lá cam kết làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá ở tất cả các sản phẩm thuốc lá.

Bộ Y tế tổ chức Hội thảo về “Quản lý CFS mỹ phẩm trong bối cảnh hiện nay và đề xuất giải pháp”

Sáng 14/7, Vụ Pháp chế và Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức Hội thảo về “Quản lý CFS mỹ phẩm trong bối cảnh hiện nay và đề xuất giải pháp” nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý liên quan đến Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) mỹ phẩm.

Hoạt động này nhằm thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2020.

Tại cuộc Hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp nêu đề xuất Bộ Y tế nghiên cứu xem xét ban hành quy định cắt giảm yêu cầu CFS trong quá trình công bố mỹ phẩm nhập khẩu để thúc đẩy phát triển ngành mỹ phẩm. Triển khai công tác quản lý mạnh hơn theo hướng hậu kiểm để đảm bảo sản phẩm thực tế bán trên thị trường an toàn cho người sử dụng, tập trung hậu kiểm vào nhóm có thể gây mất an toàn cao hơn. Đồng thời, nghiêm khắc xử lý các hành vi vi phạm, tăng chế tài xử lý liên quan đến an toàn và chất lượng sản phẩm.

Các tham luận tại hội thảo của đại diện Eurocham, Amcham và Hiệp hội mỹ phẩm ASEAN cũng cho biết, việc xin chứng nhận CFS ở một sốnước không phải các cơ quan quản lý nhà nước cấp, mà họ giao cho các tổ chức hội bên dưới cấp hay doanh nghiệp dịch vụ cấp chứ nhà nước không quản lý. Đơn cử như ở Nhật Bản, Hàn Quốc đã không còn yêu cầu CFS với mỹ phẩm, họ phân làm 2 loại, thông thường và đặc biệt. CFS do doanh nghiệp tự công bố chỉ cần xác nhận của tổ chức hiệp hội. Nhưng họ có những quy định riêng về chính sách hậu kiểm đảm bảo cho người tiêu dùng.

Đánh giá về một số tác động chính sách CFS với mỹ phẩm, đại diện Bộ Y tế cho biết: Mỗi nước có một mẫu CFS khác nhau, một số quốc gia không có thông tin nhà sản xuất mà chỉ có thông tin công ty chịu trách nhiệm đưa sản ra thị trường. Một số mẫu CFS không có tên, chữ ký cũng như dấu của cơ quan, tổ chức CFS. Quy định này là một bất cập hiện nay của các doanh nghiệp khi phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc xin cấp CFS để hoàn thiện hồ sơ nhập khẩu mỹ phẩm vào Việt Nam. Bên cạnh đó, việc bỏ quy định về yêu cầu CFS trong hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm và thực hiện kiểm soát chất lượng bằng hình thức hậu kiểm, nhà nước sẽ không phải bố trí nhân lực (tiền lương, thời gian) để kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ và tính pháp lý của CFS như hiện nay. Do loại bỏ yêu cầu giấy chứng nhận lưu hành tự do trong hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm nên thủ tục hành chính về công bố sản phẩm mỹ phẩm sẽ đơn giản hơn và tiến hành nhanh hơn.

Tuy nhiên, việc không có giấy chứng nhận CFS có thể tăng nguy cơ mỹ phẩm nhập khẩu không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Do vậy, việc bãi bỏ CFS sẽ dẫn đến “khả năng phát sinh chi phí để khám chữa bệnh do sử dụng sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng”.Ngoài ra, việc bãi bỏ CFS trong hồ sơ công bố mỹ phẩm mà không có tài liệu nào chứng minh sản phẩm đó đã thông qua những phương pháp kiểm tra đánh giá của cơ quan chuyên môn tại nước xuất khẩu và đã được cho phép sản xuất, buôn bán và tiêu dùng tại đất nước đó sẽ rất khó bảo đảm chất lượng các sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu...

Kết luận tại Hội thảo, Th.s Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục lấy thêm ý kiến của các doanh nghiệp cũng như tiếp tục tổ chức đánh giá tác động chính sách về CFS đối với mỹ phẩm, rà soát, kịp thời cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không hợp lý, đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhưng đồng thời vẫn phải bảo đảm chất lượng các sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu và bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người dân.

Thắm/Phương Liên/Đình Nam/Tiến Dương/Xuân Sơn/Trung Đoàn/Anh Tú

Trần Thanh Tùng