Bản tin "Thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật về y tế" số 7/2020

Thứ Bảy, 17/10/2020 02:48 PM (GMT+7)

Họp Ban soạn thảo Dự án sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế; Góp ý dự thảo Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia; Góp ý dự thảo Đề cương báo cáo đánh giá tác động một số chính sách Dự án Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Ngày 17/9/2020, tại Hà Nội, Gs. Ts Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì họp Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật Bảo hiểm y tế. 

Tại cuộc họp, đại diện Vụ Bảo hiểm y tế đã trình bày các nội dung cơ bản về sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, những chính sách không điều chỉnh và những chính sách cần điều chỉnh trong dự thảo Luật. Theo đó, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trường của Đảng tại Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 31/12/2017 về việc Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng Khóa XIIvới các mục tiêu và giải pháp: trên 95% dân số tham gia BHYT; giảm chi tiền túi cho chi tiêu y tế xuống còn dưới 30%;Khám chữa bệnh do bảo hiểm y tế và người dân chi trả; chăm sóc sức khỏe ban đầu do bảo hiểm y tế, người dân và ngân sách nhà nước cùng chi trả; khuyến khích người dân khám chữa bệnh ở tuyến dưới; đa dạng các gói bảo hiểm y tế; tăng cường liên kết bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại.

Bên cạnh đó, Tổ Biên tập thường trực đã nêu ra một số vấn đề bất cập, tồn tại trong các quy định về bảo hiểm y tế hiện hành cũng như trong thực tế phát sinh khiến cho một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn như chưa bao phủ hết các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế trong xã hội, nhóm đối tượng theo hộ gia đình có quy định người có tên trong hộ khẩu là thành viên hộ gia đình; tất cả các thành viên trong hộ gia đình phải cùng tham gia để hưởng giảm trừ mức đóng; quy định mức giảm trừ không hợp lý (mức đóng của đối tượng này chỉ bằng mức đóng của người thuộc hộ nghèo, nhưng giảm trừ từ người thứ 4 trở đi chỉ còn bằng 50% mức đóng), ngoài ra nhóm đối tượng là người trên 80 tuổi hưởng chế độ tuất bị thay đổi về trách nhiệm đóng BHYT do sự thay đổi của Luật BHXH. Cac quy định về phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế, việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT, giám định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quy định về thông tuyến khám chữa bệnh cũng là những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật BHYT.

Từ những thực trạng và vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thực hiện Luật bảo hiểm y tế, Ban soạn thảo đã nêu ra các chính sách không điều chỉnh và những chính sách cần phải điều chỉnh trong Luật BHYT, cụ thể như sau:

Các chính sách không điều chỉnh đó là mức đóng tối đa vẫn được giữ nguyên là 6% mức tiền lương, mức lương cơ sở;áp dụng 03 mức hưởng BHYT theo nhóm đối tượng là 100% - 95% - 80% chi phí khám chữa bệnh BHYT; BHYT đối với người công tác trong quân đội, công an; Tổ chức hệ thống tổ chức thực hiện BHYT. Cách chính sách có sự điều chỉnh đó là: Tăng tỷ lệ tham gia BHYT ổn định, để đảm bảo bao phủ BHYT toàn dân bền vững, Điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT, Tạo thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ KCB BHYT, Nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành BHYT, Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ BHYT, Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chính xác, khả thi của các quy định trong văn bản Luật.

Ngày 06/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 956/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia, để có căn cứ thực hiện Quyết định của Thủ tướng, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia. Để hoàn thiện dự thảo quy chế trên, sáng ngày 18/9/2020, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp xin ý kiến góp ý đối với dự thảo Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia dưới sự chủ trì của Th.s Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Theo dự thảo Quyết định, Hội đồng Y khoa Quốc gia có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh theo Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25 tháng 10 năm 2017của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới để đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực y tế. Dự thảo Quyết định cũng đã quy định các nhiệm vụ, các tiêu chuẩn và nhiệm vụ của các chức danh Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng, các ban chuyên môn của Hội đồng, Văn phòng Hội đồng cũng như cơ cấu tổ chức của Hội đồng cũng như cơ chế tài chính của Hội đồng.

Các thành viên tham dự cuộc họp đã có nhiều góp ý để hoàn thiện dự thảo Quyết định trên, theo đó, dự thảo Quy chế sẽ bổ sung 01 chương về mối quan hệ công tác giữa Hội đồng với Bộ Y tế và với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, bố cục của quy chế bao gồm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, tiêu chuẩn nhân sự và hoạt động của Hội đồng. Về vơ cấu tổ chức sẽ xin ý kiến Ban Cán sự bao gồm 01 chủ tịch, 05 Phó Chủ tịch và 29 thành viên Hội đồng và quy định rõ dự kiến về cơ cấu thành viên của Hội động. Về tài chính, tài sản và tổ chức thực hiện hoạt động của Hội đồng thì Bộ Y tế bảo đảm chi thường xuyên các nhiệm vụ chuyên môn của Hội đồng, Văn phòng Hội đồng và giao cho Phó Chủ tịch thường trực là chủ tài khoản.

Chiều ngày 18/9/2020, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp góp ý dự thảo Đề cương báo cáo đánh giá tác động một số chính sách Dự án Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người do Ths Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế chủ trì.

Sau 13 năm được ban hành, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 đã tạo hành lang pháp lý để những người bệnh có nhu cầu được ghép mô, bộ phận cơ thể người có cơ hội được ghép mô, bộ phận cơ thể người và những người có nhu cầu hiến bộ phận cơ thể người và hiến xác phục vụ các mục đích nghiên cứu khoa học và điều trị bệnh cho những người bệnh khác. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy một số bất cập từ quy định của Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 đã có những bất cập nhất định. Từ thực tế trên, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Đề cương báo cáo đánh giá tác động một số chính sách Dự án Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người để từ đó đưa ra những giải pháp hoàn thiện các chính sách đó.

Tại cuộc họp, Ths. Trần Thị Trang đã nêu ra một số vấn đề cần xác định chính sách trong dự án Luật trên bao gồm: Tiêu chuẩn xác định chết não và Hội đồng xác định chết não cụ thể quá, Hội đồng có cần không? Tặng nguồn hiến từ người cho sống sang người cho chết não có thể sửa thành tăng nguồn hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người. (có thể vẫn giữ nguyên như hiện hành); Kiểm soát chặt chẽ việc mua bán mô bộ phận cơ thể người có thể sửa thành tăng cường cơ chế pháp lý để phòng, ngừa việc mua bán mô, bộ phận cơ thể người; Có cần để một chính sách riêng về độ tuổi hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người không? Xem xét có chính sách về bảo đảm quyền lợi cho người hiến; chính sách về tài chính, kinh phí lấy, ghép tạng không? Có cần phải điều chỉnh về cơ sở lấy, ghép tạng không? Vấn đề về điều phối, mã hóa thông tin người hiến tặng?

Qua ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự cuộc họp, các chính sách cần đánh giá trong dự án Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác bao gồm: Đối với chính sách về tiêu chuẩn và Hội đồng xác định chết não sẽ rà soát điều chính lại thành chính sách về tiêu chuẩn/ điều kiện xác định chết não, trong đó sẽ có tiêu chuẩn và Hội đồng xác định chết não; chính sách tăng cường, phát triển nguồn hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người; bảo đảm quyền cho người hiến mô, bộ phận cơ thể người; bảo đảm tài chính cho việc hiến, mô, bộ phận (chi phí, cơ cấu, quyền lợi cho người hiến); ứng dụng tế bào gốc trong điều trị và hiến máu, quản lý chế phẩm máu.

Thắm/Phương Liên/Đình Nam/Tiến Dương/Xuân Sơn/Trung Đoàn/Anh Tú

Ngô Thị Hồng Duyên