Bản tin "Thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật về y tế" số 8/2019

Thứ Năm, 02/01/2020 09:24 PM (GMT+7)

Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại Hà Nội; Hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật về y tế năm 2019; Sở Y tế Đắk Lắk tổ chức tập huấn công tác xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm năm 2019.

Ngày 16/10/2019 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương dự và phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có ông Kidong Park - Trưởng Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; Ông Nguyễn Sĩ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội; Ông Bùi Ngọc Chương, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội…

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết: Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng.

Sau 7 năm nghiên cứu, xây dựng, ngày 14/6/2019, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội khóa XIV thông qua. Việc ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cấp thiết để phòng, chống các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, phòng, chống tai nạn giao thông, bạo lực, tội phạm, góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia nhằm giới thiệu nội dung cơ bản của luật. Từ ngày 01/01/2020, 13 hành vi bị nghiêm cấm sẽ có hiệu lực, đặc biệt là hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn … bên cạnh đó, Luật quy định các biện pháp nhằm giảm mức tiêu thụ rượu, bia bằng việc quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ cũng như các biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia bằng các điều kiện kinh doanh, các địa điểm không được bán rượu, bia… Đây cũng là dịp để các Bộ, Ngành, địa phương có thể trao đổi, giải đáp, chia sẻ thông tin và thảo luật để đề xuất được những giải pháp nhằm triển khai luật đạt hiệu quả cao nhất.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.

Ngày 17/10/2019 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ths. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đã chủ trì Hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng kết quả pháp điển hệ thống QPPL về y tế năm 2019. Tham gia Hội nghị có sự tham gia của các đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ths. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nhấn mạnh vai trò của công tác pháp điển và hoạt động tích cực của Bộ Y tế trong triển khai công tác này, theo đó hiện nay Bộ Y tế đã hoàn thành được 09/14 đề mục (07 đề mục đã được Chính phủ thông qua, 02 đề mục đã được Bộ Tư pháp thẩm định), đang thực hiện pháp điển 02 đề mục, các đề mục còn lại dự kiến hoàn thành năm 2021. Ngoài ra, Bộ Y tế còn phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện pháp điển đối với các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo như Đề mục Giám định tư pháp, Thống kê, Viên chức…

Đồng chí Nguyễn Duy Thắng - Trưởng phòng pháp điển, Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp đã giới thiệu về Bộ pháp điển điện tử và hướng dẫn chi tiết về các thông tin, cách tra cứu, sử dụng Bộ pháp điển.

Tham dự Hội nghị, một số đại biểu có đã đề xuất Bộ Tư pháp cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, giới thiệu về Bộ pháp điển cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được biết để thuận tiện trong việc tra cứu, áp dụng pháp luật và liên kết Bộ pháp điển trên các Trang thông tin điện tử của đơn vị.

Ths. Trần Thị Trang đã kết luận kết thúc Hội nghị công tác pháp điển năm 2019 diễn ra thành công, qua đó đã giới thiệu, phổ biến và hướng dẫn được đầy đủ, chi tiết việc tra cứu, áp dụng Bộ pháp điển nói chung và kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật về y tế nói riêng cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành y tế. Đồng thời, để hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam (09/11) Bộ Y tế cũng đề nghị các cán bộ, công chức, viên chức cần tích cực sử dụng, ứng dụng Bộ pháp điển, kết quả pháp điển của Bộ Y tế trong thực hiện công việc của mình.

Ngày 29/10/2019, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức tập huấn công tác xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm năm 2019.

Tại buổi tập huấn, trên cơ sở phổ biến lại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, ngày 4/9/2018 của Chính phủ về Qui định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, báo cáo viên của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tổng kết những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc sau 1 năm thực hiện Nghị định trên.

Nghị định số 115/2018/NĐ-CP về cơ bản đã đáp ứng việc xử lí các hành vi không bảo đảm an toàn qui định tại Luật an toàn thực phẩm, với những ưu điểm như: tăng mức phạt đối với từng hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; không còn hình thức “phạt cảnh cáo”, góp phần tăng tính răn đe đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm tối đa các thủ tục hành chính trong đăng kí kinh doanh thực phẩm, tập trung vào công tác hậu kiểm … Tuy nhiên, qua quá trình triển khai còn gặp nhiều vướng mắc như việc áp dụng xử phạt hành chính đối với các gánh hàng rong, thức ăn lề đường, đặc biệt là hành vi không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của loại hình cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm; …

Trong thòi gian tới, các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục tập trung vào việc tuyên truyền, nâng cao kiến thức của các cá nhân, tổ chức kinh doanh thực phẩm về Nghị định 115, đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, góp phần tăng tính nghiêm minh của Luật An toàn thực phẩm.

Thanh Huyền