Bản tin "Thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật về y tế" số 8/2020

Thứ Tư, 02/12/2020 09:40 AM (GMT+7)

Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai một số văn bản pháp luật hướng dẫn Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia tại Hà Nội và Cần Thơ.

Để hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động chính sách về quy định điều trị trẻ em suy dinh dưỡng nặng cấp tính trongDự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến góp ý đối với báo cáo trên tại Hà Nội.

Ngày 22/9/2020, Bộ Y tế đã tổ chức họp góp ý Báo cáo đánh giá tác động chính sách về quy định điều trị trẻ em suy dinh dưỡng nặng cấp tính trongDự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Y tế với sự tham gia của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, đại diện các Bộ ngành, các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng, các tổ chức UNICEF, Save the Children, The Light tại Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: "Hiện nay ở Việt Nam vẫn đang có gần 2 triệu trẻ em bị SDD mạn tính và hằng năm có trên 233.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD cấp tính nặng. Thiệt hại do SDD gây ra đối với sức khoẻ và quá trình phát triển của trẻ nhỏ là vĩnh viễn và không khắc phục được, làm tăng nguy cơ tử vong và suy giảm khả năng phát triển thể chất cũng như trí tuệ của trẻ. Tuy nhiên hiện nay, các sản phẩm dinh dưỡng đặc trị đối với trẻ SDD cấp tính nặng vẫn chưa có một cơ chế tài chính chi trả trong khi đa số các em đều sinh ra từ các gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, sinh sống ở các vùng kinh tế khó khăn. Việc đưa quy định về chế phẩm dinh dưỡng điều trị trẻ em suy dinh dưỡng nặng cấp tính vào trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Nhà nước ta đối với trẻ em, đặc biệt là với Nhóm trẻ em bị yếu thế. Đồng thời là cơ sở pháp lý để quản lý các chế phẩm này, bảo đảm các cơ sở y tế phải tuân thủ đầy đủ các quy trình khám, chữa bệnh đối với trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính, bảo đảm cho trẻ em được hưởng quyền lợi thanh toán thuốc trong khám, chữa bệnh, sớm đưa nước ta thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ và để thực hiện cam kết của Việt Nam “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trình bày dự thảo Báo cáo tại cuộc họp,bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã đưa ra 03 phương án được đề xuất giả định để giải quyết vấn đề.

Phương án 1: Giữ nguyên như quy định hiện hànhKhông đưa quy định về sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em và nguồn bảo đảm chi trả cho điều trị trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính vào dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh.Phương án 2: Đưa sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em vào dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh, từ đó cho phép kê đơn đối với sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng cấp tính và đưa sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng cấp tính vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả, coi đây là sản phẩm tương đương thuốc điều trị.Phương án 3: Đưa sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em vào dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh, từ đó cho phép kê đơn đối với sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em và yêu cầu các địa phương phải bố trí ngân sách chi trả cho việc sử dụng các chế phẩm này cho trẻ em dưới 6 tuổi của địa phương.

Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đều thống nhất ý kiện lựa chọn Phương án 2, là phương án cho phép kê đơn đối với sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng cấp tính và đưa sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng cấp tính vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả, coi đây là sản phẩm tương đương thuốc điều trị nhằm bảo đảm tính bền vững và lâu dài. Cũng tại cuộc họp, đại viện Viện dinh dưỡng và các tổ chức quốc tế UNICEF, Save the Children cũng đã có những chia sẻ về những Kinh nghiệm quốc tế đối với các quy định về sản phẩm điều trị trẻ em suy dinh dưỡng nặng cấp tính. Bà Đỗ Hồng Phương, đại diện UNICEF cho biết Theo Tổ chức Y tế Thế giới, suy dinh dưỡng là mối đe dọa đơn lẻ nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Theo đó, có đến 45% trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do suy dinh dưỡng gây ra. Một số nước như Phiiphin, Indonexia, Campuchia đã đưa sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả. Các nước khác trong khu vực cũng đã bỏ ra một nguồn thuộc dòng ngân sách nhà nước để chi trả cho hoạt động này.

Kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định sản phẩm chuyên biệt điều trị dinh dưỡng, cần phải đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng ở Việt Nam đang là 233.000 trẻ em, đây là đối tượng cần được quan tâm điều trị nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Việc xây dựng các quy định về điều trị này là mục tiêu dài hạn, hướng tới tương lại giảm tỷ lệ trẻ em thấp còi, đạt được mục tiêu an sinh xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau.

Sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành, một số văn bản pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Chính phủ ban hành và có hiệu lực, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai một số văn bản pháp luật hướng dẫn Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia tại Hà Nội và Cần Thơ

Sáng ngày 28/9/2020 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản pháp luật, hướng dẫn luật phòng, chống tác hại của rượu, bia dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế.

 Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế; Bộ Công thương; đại diện các Bộ/Ban/ngành/đơn vị liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết:

Ngày 14/6/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong phòng, chống các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, phòng, chống tai nạn giao thông, bạo lực, tội phạm, góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia, đồng thời, đây cũng là đạo luật khó cả trong xây dựng và tổ chức thực hiện do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân. Vì vậy, ngay sau khi Luật được ban hành, Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương đã tích cực xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và xử lý các hành vi vi phạm. Việc ban hành các văn bản trên đã góp phần tạo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về phòng, chống tác hại cua rượu, bia.

Đồng chí Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, trên cơ sở kết quả của Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo, đại diện các Bộ, các sở ban ngành, cơ quan, tổ chức sẽ quán triệt các nội dung quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương về phòng, chống tác hại của rượu, bia và chủ động tổ chức thực hiện hiệu quả tại bộ, ngành,địa phương.

Tại Hội nghị, các báo cáo viên đã trình bày nội dung của Nghị định số 24/2020/NĐ-CPcủa Chính phủ; Chỉ thị số 19/CT-BYT của Bộ Y tế; nội dung liên quan đến kinh doanh rượu, bia tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 26/2019/TT-BCT của Bộ Công thương vànội dung về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến vi phạm về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP.

 Kết thúc Hội nghị, ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế trân trọng gửi lời cám ơn đến các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã phối hợp, hỗ trợ và đồng hành cùng Bộ Y tế trong quá trình xây dựng luật cũng như các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang là một vấn đề nóng hiện nay tại Việt Nam, để giải quyết kiến nghị của một số tổ chức nước ngoài gửi thư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về quản lý vấn đề trên, Bộ Y tế đã tổ chức họp

Ngày 29/9/2020 , Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, các cơ quan liên quan như: Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức cuộc họp nghiên cứu giải quyết kiến nghị của các tổ chức quốc tế về các chính sách liên quan đến quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.

Tham dự cuộc họp có đại diện các bộ, ngành liên quan, các đơn vị thuộc Bộ Y tế, các tổ chức quốc tế như Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá, Tổ chức Health Bridge, Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam, Liên minh Phòng chống lao và bệnh phổi, Tổng hội Y học Việt Nam. Chủ trì cuộc họp Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, nội dung kiến nghị của 3 tổ chức trên tập trung vào các luận điểm: coi các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là sản phẩm giảm hại, có thể dùng để hỗ trợ cai nghiện, bỏ thuốc lá; yêu cầu bảo đảm quyền của người tiêu dùng được tiếp cận và sử dụng sản phẩm này và đề nghị Việt Nam cho phép nhập khẩu, kinh doanh như một số quốc gia khác. Sau khi nghe các đại biểu cho ý kiến, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã thống nhất trả lời như sau:

- Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, là thành viên của Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá FCTC từ năm 2004. Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khích lệ, đến năm 2015 đã giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá 2% và đã được quốc tế ghi nhận là một điểm sáng.

- Các chính sách quản lý đối với các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ được cân nhắc trên cơ sở tham khảo chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với pháp luật và điều kiện thực tiễn của Việt Nam, phù hợp với Công ước khung FCTC mà Việt Nam là thành viên trên quan điểm bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ trẻ em là ưu tiên lớn nhất và cân nhắc về các ảnh hưởng, tác động đối với kinh tế - xã hội.

- Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và trân trọng cám ơn các tổ chức đã cung cấp thông tin liên quan đến quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

- Về cấp trả lời thư kiến nghị: Căn cứ nội dung kiến nghị và tính chất hoạt động của 03 tổ chức nêu trên, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao một đơn vị cấp Vụ thuộc Văn phòng Chính phủ có văn bản trả lời 03 tổ chức nêu trên trên cơ sở nội dung tham mưu của liên Bộ.

Phương Dung