Bản tin "Thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật về y tế" số 9/2020

Thứ Năm, 10/12/2020 04:31 PM (GMT+7)

Bộ Y tế tổ chức họp góp ý Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia và Văn phòng Hội đồng; Hội thảo góp ý Luật chuyên đề khám bệnh, chữa bệnh từ xa

Ngày 06/7/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 956/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia, để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Hội đồng, Bộ Y tế tổ chức họp góp ý Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia và Văn phòng Hội đồng

Ngày 14/10/2020 tại trụ sở Bộ Y tế, dưới sự chủ trì của GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp góp ý Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia và Văn phòng Hội đồng.

Tham dự có GS.TS.Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế; Đại diện một số Bộ, ngành; Tổ chức Y tế Thế giới và các đơn vị liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp, GS.TS.Trần Văn Thuấn cho biết: Hội đồng Y khoa Quốc gia có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh.

Hội đồng có nhiệm vụ xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp cho các chức danh hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; tham gia giám sát, đánh giá việc tuân thủ chuẩn năng lực nghề nghiệp của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; xây dựng và thử nghiệm Bộ ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực hành nghề; xây dựng tiêu chuẩn của cơ sở tổ chức đánh giá năng lực hành nghề; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về đánh giá năng lực hành nghề.

Tại cuộc họp, Ths. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế trình bày dự thảo Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia và Văn phòng Hội đồng.

Theo dự thảo, Về cơ cấu tổ chức, Hội đồng gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên là các chuyên gia trong lĩnh vực y tế đạt tiêu chuẩn về uy tín, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực chuyên môn của Hội đồng. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế kiêm nhiệm; có 1 Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng hoạt động chuyên trách. Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng.

Ủy viên Hội đồng có từ 27-29 thành viên, trong đó có đại diện Tổng Hội Y học Việt Nam và một số chuyên ngành y tế; một số cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe; một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế về đào tạo, khám bệnh, chữa bệnh, pháp chế; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ban chuyên môn của Hội đồng giúp Hội đồng thực hiện các nhiệm vụ theo từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể. Thành viên của Ban chuyên môn là thành viên Hội đồng và chuyên gia đạt tiêu chuẩn về uy tín, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của mỗi Ban, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Văn phòng Hội đồng giúp việc cho Hội đồng trong triển khai các hoạt động hành chính, tổ chức, nhân sự, tài chính thuộc chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng…

Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế đồng ý với Ban soạn thảo về dự thảo Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia. Đồng thời Thứ trưởng Trần Văn Thuấn giao Vụ Pháp chế làm đầu mối tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự để sớm trình Lãnh đạo Bộ xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thực hiện Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, Vụ Pháp chế được giao chủ trì xây dựng Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Nhằm để hoàn thiện dự thảo Luật, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo góp ý Luật chuyên đề khám bệnh, chữa bệnh từ xa tại Vĩnh Phúc

Ngày 16/10/2020 tại Vĩnh Phúc, dưới sự chủ trì của Ths. Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chuyên đề về quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Tham dự Hội thảo có Ông Lương Anh Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế và đại diện một số Bệnh viện tại khu vực phía Bắc.

Tại Hội thảo, Ths. Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết Đề án Khám chữa bệnh từ xa đã được ban hành tại Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 với 2 mục tiêu căn bản, đó là Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.Tuy nhiên, mô hình khám bệnh, chữa bệnh từ xa giữa người hành nghề và người bệnh chưa được quy định trong Luật cũng như chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Do vậy, cần thiết phải quy định cụ thể tại dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tại Hội thảo, bà Hoàng Thị Thu Hương, Chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đã trình bày dự thảo Luật về KCB từ xa và nêu ra một số vấn đề cần được thảo luận như các trường hợp KCB từ xa, điều kiện của cơ sở KCB từ xa, quy chế chuyên môn, quy định chuyên môn kỹ thuật, trách nhiệm pháp lý cũng như cơ chế tài chính, cơ chế thanh toán BHYT.

Sau khi nghe các đại biểu đóng góp ý kiến, ThS Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Thống nhất phải đưa ra định nghĩa chung về khám chữa bệnh từ xa trên cơ sở góp ý của các chuyên gia một cách khái quát nhất. Trong Luật quy định mang tính định khung nhưng phải bảo đảm nguyên tắc về phạm vi, hình thức cung cấp, điều kiện việc khám, chỉ định và kê đơn.

Cuối cùng, để phù hợp với quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Khi trình Luật phải trình cùng với văn bản quy định chi tiết, do đó, cần phải xây dựng các văn bản hướng dẫn quy đinh chi tiết như: Điều kiện về công nghệ thông tin, quy chế chuyên môn, xuất trình và ghi nhận các thông tin người bệnh, thẻ bảo hiểm y tế, tài chính bao gồm: chi phí chung cho hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, giá và các vấn đề thanh toán, xây dựng cơ cấu giá, phần bảo hiểm cần phải cân nhắc đánh giá thêm khi quy định văn bản hướng dẫn.

Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Y tế được giao tại Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, Bộ Y tế đã tổ chức họp góp ý dự thảo Thông tư quy định về giấy xác định nguyên nhân tử vong, cấp giấy báo tử và thống kê tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Hà Nội

Ngày 22/10/2020, tại Hà Nội, Ts Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp góp ý dự thảo Thông tư quy định về giấy xác định nguyên nhân tử vong, cấp giấy báo tử và thống kê tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tham dự cuộc họp có đại diện Bộ Công an, Bộ Tư pháp, một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Tại cuộc họp, Ths. Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế trình bày dự thảo Thông tư quy định việc cấp và báo cáo thống kê Giấy báo tử, Giấy chứng nhận y tế về nguyên nhân tử vong; Ths. Hoàng Thanh Hương - Trưởng phòng Thống kê Vụ Kế hoạch Tài chính trình bày về Mẫu giấy xác định nguyên nhân tử vong và hướng dẫn cách ghi mẫu.

Sau khi lắng nghe ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự cuộc họp, Ts. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã thống nhất một số nội dung tại dự thảo Thông tư như sau:

- Về Tên gọi của Thông tư là Thông tư quy định về xác định nguyên nhân tử vong, cấp giấy báo tử và thống kê tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

- Về Phạm vi điều chỉnh của Thông tư sẽ sử dụng khái niệm cơ sở khám bệnh chữa bệnh, tuy nhiên sẽ chỉ áp dụng đối với các cơ sở cụ thể. Đối với phạm vi các trường hợp tử vong tại cơ sở khám bệnh chữa bệnh phải có trách nhiệm xác định nguyên nhân tử vong, chết ở ngoài không có thống kê được nên không thuộc phạm vi áp dụng.

- Về thẩm quyền ký giấy xác nhận nguyên nhân tử vong và giấy báo tử sẽ quy định cho Thủ trưởng, người chịu trách nhiệm chuyên môn theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.

- Dự thảo Thông tư sẽ ghi đầy đủ các loại giấy tờ xác định nhân thân

- Thống nhất quy định theo Luật khám bệnh chữa bệnh là người bệnh, người tử vong.

Phương Linh/Đình Nam/Xuân Sơn/Hiếu

Thanh Huyền