Bản tin "Thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật về y tế" số10/2020

Thứ Sáu, 18/12/2020 03:47 PM (GMT+7)

Hội thảo góp ý dự án Luật Chuyển đổi giới tính và văn bản quy định chi tiết thi hành Luật tại Hà Nội; Hội thảo đánh giá vướng mắc, bất cập của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Hội nghị Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.

Nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính và văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật trên tại Hà Nội

Ngày 03/11/2020, tại Hà Nội, Ths. Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế chủ trì Hội thảo góp ý dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính và văn bản quy định chi tiết thi hành Luật trên tại Hà Nội

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các bài trình bày về dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính và các văn bản quy định chi tiết, nội dung xác định, tư vấn tâm lý cho người chuyển đổi giới tính và nội dung can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trong dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính của đại diện Vụ Pháp chế, Viện tâm lý học Việt Nam và Bệnh viện Việt Đức.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã có những đóng góp ý kiến xung quanh việc quy định về độ tuổi điều trị nội tiết tố hay can thiệp y học của người chuyển đổi giới tính, các quy định về hành vi bị nghiêm cấm cũng như việc quy định người chuyển đổi giới tính phải đang độc thân, việc xác định tâm lý trước khi chuyển đổi giới tính cũng là một trong những vấn đề đại biểu tham dự hội nghị quan tâm.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu là đại diện của các đơn vị thuộc Bộ, một số bệnh viện, những người đại diện cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới, Ths Đinh Thị Thu Thủy cho biết Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính dành cho các bạn trong cộng đồng và phải bảo đảm sự thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Bên cạnh đó, độ tuổi được sử dụng hooc môn và tình trạng hôn nhân độc thân đang có nhiều quan điểm khác nhau và sẽ tiếp tục trao đổi, nghiên cứu, xin ý kiến và thu thập thêm các bằng chứng để đưa ra quy định phù hợp.

Bộ Y tế tổ chức hội thảo đánh giá vướng mắc, bất cập của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác

Ngày 10/11/2020 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo đánh giá vướng mắc, bất cập của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

Tham dự Hội thảo có đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và một số Bộ, ngành khác, Đại diện Lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Y tế, các Hội nghề nghiệp, các trường Đại học Y dược trên cả nước và một số chuyên gia về lĩnh vực này.

 Phát biểu tại Hội nghị, PGs. Ts. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 đã tạo hành lang pháp lý để những người bệnh có nhu cầu được ghép mô, bộ phận cơ thể người có cơ hội được ghép mô, bộ phận cơ thể người và những người có nhu cầu hiến bộ phận cơ thể người và hiến xác phục vụ các mục đích nghiên cứu khoa học và điều trị bệnh cho những người bệnh khác. Tuy nhiên, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác vẫn còn nhiều bất cập phải chỉnh sửa. Điển hình là quy trình, thủ tục, đăng ký hiến mô, ghép tạng. Về việc chẩn đoán chết não, ở các quốc gia trên thế giới chỉ cần 2 bác sĩ gồm bác sĩ thần kinh và bác sĩ hồi sức để đánh giá.

Tại Hội thảo, Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, đã có những bài tham luận phân tích về các vấn đề hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và báo cáo đánh giá thi hành Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và đề xuất nội dung chính sách pháp luật để thực hiện đánh giá tác động chính sách Dự án Luật.

Sau khi lắng nghe các bài tham luận cũng như các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội thảo, Chủ trì Hội thảo kết luận và đề xuất sửa đổi một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh: bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với vấn đề về máu và tế bào gốc

Thứ hai, rà soát, bổ sung, giải thích rõ ràng một số khái niệm như mô, chết não, ngừng tim, danh sách chờ ghép,…

Thứ 3, về độ tuổi hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác: Xem xét trường hợp người dưới 18 tuổi được hiến mô, bộ phận cơ thể người khi chết não và được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp.

Thứ 4, Thủ tục đăng ký, hình thức đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người

Thứ 5, vấn đề về hiến, lấy xác: Cần có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đăng ký hiến xác, vận chuyển, bảo quản, sử dụng xác người hiến.

Thứ 6, Vấn đề về xác định chết não: Tiêu chuẩn lâm sàng, cận lâm sàng xác định chết não; giảm thời gian xác định chết não (6 giờ); chuyên gia xác định chết não

Thứ 7, quy định về Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia: bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức hệ thống điều phối bộ phận cơ thể người, về mạng lưới điều phối, về yêu cầu, phối hợp giữa cơ sở y tế - Trung tâm.

Ngày 04/12/2020, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực y tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại Hà Nội

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, đặc biệt là ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp về y tế nói riêng. Để lắng nghe kiến nghị của các doanh nghiệp cũng như tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trợ giúp pháp lý do Ts. Nguyễn Huy Quang Vụ trưởng Vụ Pháp chế chủ trì.

Tại Hội nghị, Ths Đỗ Trung Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã trình bày tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực y tế trong thời gian qua và đề xuất bổ sung các kiến nghị của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đại diện Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý Dược và Vụ trang thiết bị và công trình y tế cũng có những trao đổi về các hướng giải quyết kiến nghị thuộc các lĩnh vực phụ trách. Qua đó, Cục An toàn thực phẩm cho biếtsẽ tiếp thu các kiến nghị liên quan đến sửa đổi Thông tư số 48/2015/TT-BYT, Thông tư số 24/2019/TT-BYT, bổ sung nội dung về đăng ký phụ gia thực phẩm mới tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và có kiến nghị đối với Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN. Đại diện Cục An toàn thực phẩm cũng giải trình một số nội dung kiến nghị liên quan đến Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT, Quyết định số 38/2008/QĐ-BYT, Thông tư số 52/2015/TT-BYT, Thông tư số 43/2014/TT-BYTvà Thông tư số 18/2018/TT-BYT.

Cũng tại Hội nghị, đại diện Cục Quản lý Dược đã trình bày báo cáo về các nội dung sửa đổi lĩnh vực Dược tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là các vấn đề liên quan Giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm, chấp nhận hiệu lực giấy chứng nhận GMP đã được gia hạn trong bối cảnh Covid-19, cập nhật thông tin các cơ sở sản xuất tá dược, vỏ nang để công bố, các giấy tờ pháp lý bản điện tử trong hồ sơ đăng ký thuốc, duy trì hiệu lực các giấy đăng ký lưu hành thuốc đến 31/12/2021, các vấn đề theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BYT và Thông tư số 06/2011/TT-BYT.

Sau khi lắng nghe kiến nghị của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực y tế, Ts. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã thống nhất một số nội dung cần phải sửa đổi trong các văn bản của các lĩnh vực liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế.

Phương Dung