Bệnh sán lá gan lớn có lây từ người sang người?

Thứ Bảy, 16/03/2019 02:05 PM (GMT+7)

Ở Việt Nam, số các trường hợp mắc bệnh sán lá gan lớn đã tăng lên đáng kể trong 10 năm qua. Người bị nhiễm bệnh do ăn sống các loại rau mọc dưới nước (rau ngổ, rau rút/nhút, rau cần, cải xoong...) hoặc uống nước có ấu trùng sán chưa nấu chín. Hiểu thông tin về bệnh sẽ giúp phòng bệnh hiệu quả.

Bệnh sán lá gan lớn là bệnh lây truyền từ động vật sang người do ký sinh trùng là sán lá gan lớn Fasciola gây nên. Sán lá gan lớn có 2 loại: Fasciola hepatica và Fasciola gigantica.

Một số yếu tố được coi là làm gia tăng bệnh sán lá gan lớn như có sự phơi nhiễm gần giữa người và vật nuôi, nguồn nước ô nhiễm từ các lò mổ gia súc nhiễm bệnh, nhập khẩu nguồn gia súc từ các quốc gia có bệnh lưu hành không kiểm soát. Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu làm thay đổi mô hình phát triển loài ốc truyền bệnh cũng làm gia tăng nhiễm sán lá gan lớn.

Sán lá gan lớn lây truyền cho người thế nào?

Sán lá gan lớn không thể lây truyền trực tiếp từ người sang người. Vật chủ chính của sán lá gan là động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu. Vật chủ trung gian truyền bệnh là loài ốc họ Lymnae.

photo1544785391249-1544785391485-crop-15447854033851403961822

Trứng từ phân của người nhiễm sán lá gan hoặc từ động vật xuống nước, nở ra ấu trùng và ký sinh trong ốc, phát triển thành ấu trùng đuôi rời khỏi ốc và bám vào các loài rau mọc dưới nước tạo các nang trùng hoặc bơi tự do trong nước. Người hoặc trâu bò ăn phải thực vật thủy sinh hoặc uống nước lã có ấu trùng bị nhiễm sán lá gan sẽ bị nhiễm loại ký sinh trùng này.

Ấu trùng sán lá gan lớn vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ xuyên qua thanh tá tràng và vào khoang phúc mạc đến gan, xâm nhập nhu mô gan gây tổn thương gan. Sán lá gan lớn có thể xâm nhập trong đường mật, sán lá gan trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh sau nhiều năm.

Vì vậy có thể không phổ biến, nhưng người ăn các loại gan bò, trâu, cừu không nấu chín cũng có thể bị nhiễm sán lá gan lớn.

Dấu hiệu, triệu chứng của bệnh sán lá gan lớn ở người

Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh sán lá gan lớn thường không đặc hiệu, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển và vị trí ký sinh cũng như số lượng ấu trùng xâm nhập cơ thể người.

Một số người nhiễm sán lá gan không có biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng. Một số người có thể có dấu hiệu triệu chứng sớm hơn sau khi nhiễm trùng, khi ấu trùng sán lá gan lớn xâm nhập khoang bụng và vào gan. Các biểu hiện có thể xảy ra trong giai đoạn cấp tính bắt đầu sau 4-7 ngày sau khi nhiễm ký sinh trùng và kéo dài trong vài tuần.

Một số người có thể có dấu hiệu triệu chứng trong giai đoạn nhiễm trùng mạn tính khi ấu trùng ở trong đường mật. Nếu có các triệu chứng sẽ xuất hiện sau vài tháng đến vài năm kể từ khi bị sán lá gan lớn do hậu quả của viêm đường mật.

Trong cả giai đoạn nhiễm trùng cấp tính và mạn tính, dấu hiệu triệu chứng thường gặp là sốt, mệt mỏi, đầy bụng, khó tiêu, đau bụng, vàng da, vàng mắt. Các biểu hiện nặng, biến chứng như tắc mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa, vỡ gan, tràn dịch đa màng...

Ngoài ra, một người bị bệnh sán lá gan lớn có thể gặp các dấu hiệu khác nhưng hiếm hơn như đau nhiều khớp, ho, khó thở, ban dị ứng... hoặc các triệu chứng biểu hiện sự tổn thương tổ chức nơi sán lá gan lớn ký sinh lạc chỗ như dưới da, lách, đại tràng...

Chẩn đoán bệnh?

Người có các dấu hiệu, triệu chứng đã nêu ở trên được khám, chẩn đoán bằng xét nghiệm máu, siêu âm gan và chụp cắt lớp vi tính.

Xét nghiệm công thức máu có số lượng bạch cầu tăng hoặc bình thường, thường thấy tỷ lệ bạch cầu ái toan tăng, xét nghiệm men gan, bilirubin có thể tăng. Siêu âm gan có cho thấy gan to, có tổn thương gan là những ổ âm hỗn hợp hình tổ ong. Trong một số trường hợp, cần chụp cắt lớp vi tính để chẩn đoán phân biệt với ung thư gan.

Xét nghiệm để chẩn đoán sán lá gan là xét nghiệm phát hiện kháng thể kháng sán lá gan lớn (chủ yếu bằng kỹ thuật ELISA).

Xét nghiệm phân hoặc dịch mật tìm trứng sán lá gan.

Bệnh có thể điều trị được không?

Bệnh sán lá gan lớn là bệnh có thể điều trị được. Thuốc điều trị bệnh sán lá gan lớn hiện nay là triclabendazole. Đây là loại thuốc uống, thường chỉ uống 1 hoặc 2 liều nếu có chỉ định. Hầu hết các trường hợp có đáp ứng tốt với điều trị.

Thuốc này hiện không dùng cho phụ nữ mang thai, đang cho con bú, có tiền sử dị ứng với thành phần của thuốc. Thuốc dung nạp tốt và tác dụng ngoại ý không đáng kể.

Người bệnh được điều trị bệnh sán lá gan lớn cần được tư vấn, khám và theo dõi tại cơ sở khám chữa bệnh, đánh giá kết quả điều trị sau 3 tháng, 6 tháng. Hiện nay, đã có bằng chứng về sán lá gan lớn kháng thuốc điều trị triclabendazole.

Nhiễm sán lá gan lớn ở người có thể dự phòng?

Nhiễm sán lá gan lớn liên quan đến thói quen và tập quán ăn uống của người dân, vì vậy, phòng bệnh là hết sức quan trọng và cần thiết.

Để phòng tránh nhiễm sán lá gan lớn, tất cả mọi người dân không ăn sống các loại rau mọc dưới nước, không uống nước lã.

Người nghi ngờ nhiễm sán lá gan lớn phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hiện nay, chưa có vắc-xin dự phòng nhiễm sán lá gan lớn.

Phạm Huyền

Cùng chuyên mục

Ăn đậu phụ có làm giảm ham muốn tình dục ở nam giới

Đậu phụ là một nguồn thực phẩm phong phú về dinh dưỡng, chứa nhiều protein, canxi, sắt… Vậy ăn đậu phụ...

Quan niệm sai lầm về đặt vòng tránh thai

Nếu đang tìm kiếm một biện pháp bảo vệ an toàn, thuận tiện và lâu dài để tránh mang thai, thì vòng tránh thai có...

Nam giới có thể dùng thuốc tránh thai dành cho nữ giới không?

Thuốc tránh thai của nữ thường chứa các hormone estrogen và progestin, có tác dụng ngăn chặn sự rụng trứng và...

Kết hợp thuốc tránh thai hằng ngày và thuốc tránh thai khẩn cấp để tăng hiệu quả tránh thai?

Nhiều người đang sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày, nhưng sau khi phát sinh quan hệ tình dục, để yên tâm hơn lại...