Béo bụng nguy hiểm như thế nào?

Thứ Ba, 29/05/2018 12:00 AM (GMT+7)

Béo phì được biết là không tốt cho sức khỏe nhưng béo bụng lại còn đáng sợ hơn, vì nó là một trong những dấu hiệu chính của Hội chứng chuyển hóa, dẫn đến các bệnh mãn tính nguy hiêm. Béo bụng còn khiến cho ngoại hình mất cân đối, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm như tim mạch, huyết áp, giảm trí nhớ...

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dược xem là béo bụng khi tỷ lệ số đo vòng eo/vòng bụng trên 0,90 với nam giới, hoặc trên 0,85 với nữ giới. Cụ thể hơn, theo hướng dẫn của Hiệp hội Đái tháo đường Quốc tế (IDF): đối với người châu Á, nếu số đo vòng eo trên 90cm ở nam giới, hoặc trên 80cm ở nữ giới, thì được xem là béo bụng.

Béo bụng hay kích thước vòng 2 lớn là tình trạng thường gặp ở nhiều người, nhất là đối với phụ nữ sau sinh và nam giới sử dụng nhiều bia, rượu. Đây là biểu hiện của sự tập trung các mô mỡ, thường là 2 loại: mỡ dưới da hoặc mỡ nội tạng. Trong đó, mỡ nội tạng là mô mỡ nằm xung quanh và bao bọc các cơ quan nội tạng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Các bác sĩ đầu ngành trên thế giới đã chỉ ra rằng, béo bụng không chỉ mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, gây nên những triệu chứng khó điều trị về lâu dài. Béo bụng nguy cơ gây nhiều bệnh nguy hiểm như:

Mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ

Vòng bụng càng to, càng tích tụ nhiều mỡ thì quá trình chuyển hóa trong cơ thể bị cản trở và nguy cơ gây rối loạn lipid máu cũng tăng cao. Hơn nữa, khi máu đã bị nhiễm mỡ quá nhiều thì gan cho dù hoạt động hết công suất cũng không thể nào loại bỏ hết mỡ dư thừa.

Và lượng mỡ tồn đọng này sẽ bám vào gan và gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ nếu để lâu không chữa có thể gây xơ gan, ung thư gan nguy hiểm cho sức khỏe.

Mất trí nhớ và bệnh Alzheimer

Điều này chỉ ra rằng những gì đang xảy ra trong đường ruột của bạn có ảnh hưởng lớn đến bộ não. Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy tỉ lệ eo/hông cao, cũng như sự hiện diện của chất béo nội tạng trong bụng nói chung, có liên quan đến dung lượng não thấp. Dung lượng não thấp có liên quan đến chứng mất trí nhớ nói chung và có thể là một yếu tố góp phần trong bệnh Alzheimer.

Giảm chức năng của phổi

So với những người bình thường thì những người có lượng mỡ ở vòng 2 quá lớn sẽ có khả năng hô hấp kém hơn. Về lâu dài, chức năng của phổi sẽ bị hạn chế, đường kính ống thở bị thu hẹp và có thể dẫn đến bệnh hen suyễn mãn tính. Đây là kết quả của một nghiên cứu tại Hà Lan, được công bố vào năm 2013 với sự tham gia của gần 300 người.

Bệnh tim mạch, đột quỵ

Một khi máu đã bị nhiễm mỡ thì lượng mỡ này sẽ bắt đầu bám vào thành mạch máu gây cản trở quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể. Cơ tim bị thiếu máu, hụt oxy nên hoạt động không còn hiệu quả, nhanh suy yếu và mắc bệnh. Nguy hiểm hơn, nếu các mảng bám trong thành mạch quá dày có thể gây ra tắc nghẽn hoàn toàn, lúc này nguy cơ đau tim và đột quỵ rất cao.

Bệnh tiểu đường

Béo bụng cũng là một trong những nguyên nhân cao gây ra bệnh tiểu đường loại 2. Đó là lý do nhiều chuyên gia phát biểu rằng độ lớn của vòng 2 hoàn toàn tỷ lệ thuận với nguy cơ tiểu đường.

Do chất béo xấu có khả năng gây ức chế một loại men xúc tác quan trọng trong quá trình sản xuất insulin đồng thời lại gây rối loạn đường huyết. Do đó, bụng bạn càng béo, càng chứa nhiều mỡ thì khả năng mắc bệnh tiểu đường càng cao.

Nguy cơ ung thư vú

Không chỉ đối với nữ giới mà ngay cả nam giới nếu bị béo bụng vẫn có thể mắc ung thu vú dễ dàng hơn. Bởi hàm lượng chất béo trong cơ thể càng cao thì lượng estrogen trong cơ thể càng nhiều khả năng mắc ung thư vú cũng tăng hơn. Ngoài ung thư vú thì phụ nữ béo bụng còn đối mặt với nguy cơ ung thư buồng trứng khá cao nữa đấy.

Thoái hóa động mạch

Một nghiên cứu khác năm 2012 cho thấy mối tương quan đáng kể giữa béo bụng và tỉ lệ xơ vữa, cứng động mạch cao. Các nhà khoa học đã nghiên cứu cả hai nhóm là những người béo phì, béo bụng với những người khỏe mạnh và phát hiện cứ mỗi sự gia tăng 0,1 trong tỷ lệ vòng eo với chiều cao, thì động mạch trở nên tồi tệ hơn. Khuynh hướng này đặc biệt rõ ràng ở những người dư thừa mỡ bụng. Thoái hóa động mạch có thể dẫn tới đột quỵ hoặc các hình thức bệnh tim khác.

Điều hòa đường huyết kém

Mỡ nội tạng - một loại chất béo tìm thấy ở người béo bụng - sản xuất một số hoóc môn có thể tàn phá hệ thống trao đổi chất của bạn. Những hoóc môn này có thể gây ra những thay đổi đối với các thụ thể insulin trong cơ thể bạn, nghĩa là insulin bắt đầu trở nên ít hiệu quả trong việc điều hòa lượng đường trong máu. Đây là một trong những nguyên do gây ra bệnh tiểu đường.

Giảm sức đề kháng của xương

Một nghiên cứu về cơ xương khớp tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM kể từ năm 2014 cho thấy: Phụ nữ trên 40 tuổi mà béo bụng, thừa cân sẽ có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối cao gấp 6 lần so với những người có vòng eo thon gọn. Trước đó, nhiều nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng chỉ cần tăng từ 5 – 10 kg so với số cân nặng trước đó là bạn đã có thể tăng thêm 50% nguy cơ bị thoái hóa khớp gối.

Giảm chức năng sinh lý

Theo các báo cáo khoa học, nam giới bị béo bụng sẽ có mức testosterone thấp hơn 50% so với nam giới bình thường, từ đó làm giảm ham muốn và chất lượng cuộc "ân ái". Có khá nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh bởi lý do người chồng bị béo bụng.

Nếu lượng mỡ quá cao sẽ khiến cho khả năng di truyền của tinh trùng giảm, tỉ lệ tinh trùng lúc này chỉ còn 2/3 so với người bình thường.

Ở phụ nữ, nếu vòng 2 quá lớn sẽ khiến cho trứng rụng bất thường, lượng trứng nhỏ, chưa chín. Không chỉ vậy, khả năng viêm nhiễm buồng trứng cũng cao hơn, làm giảm khả năng sống của trứng và phôi thai.

Việc bạn có xu hướng tích trữ mỡ ở đâu chủ yếu do gen quyết định nhưng nếu bạn có mỡ bụng dư thừa vẫn có cách để giảm thiểu rủi ro. Theo các chuyên gia, tập thể dục là cách tốt nhất để loại bỏ mỡ nội tạng, thậm chí còn tốt hơn so với hạn chế năng lượng (tất nhiên, tập luyệt kết hợp với chế độ ăn lành mạnh luôn là lý tưởng nhất). Nên tập thể dục nửa giờ tới một giờ vào các ngày trong tuần, và với quyết tâm, bạn có thể thu nhỏ vòng bụng, giảm thiểu các vấn đề liên quan tới sức khỏe lâu dài.

 

 

 

System

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....