789

Bị zona rồi có bị thủy đậu không? Biện pháp phòng tránh bệnh zona hiệu quả nhất

Thứ Hai, 24/02/2020 03:02 PM (GMT+7)

Thủy đậu là một bệnh mà mỗi người sẽ chỉ bị mắc một lần duy nhất trong đời.

thuy-dau

Bị zona rồi có bị thủy đậu không?

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương, thủy đậu là một bệnh gây ra bởi virus Varicella Zoster (virus Herpes Zoster/VZV). Thủy đậu là một bệnh mà mỗi người sẽ chỉ bị mắc một lần duy nhất trong đời. Sau khi điều trị khỏi bệnh thủy đậu, mặc dù cơ thể người bệnh đã sinh ra các miễn dịch với bệnh nhưng virus varicella zoster thì sẽ đi sâu vào các rễ thần kinh hạch và tồn tại ở đó trong trạng thái giống như “ngủ đông”.

Zona thần kinh (dân gian thường gọi là bệnh giời leo) là một bệnh lý cũng có tác nhân gây bệnh là virus varicella zoster giống như thủy đậu. Tuy nhiên, bệnh này lại là kết quả của sự tái hoạt động của virus này ở những người đã từng mắc bệnh lý thủy đậu trước đó. Đặc trưng của lần hoạt động gây bệnh zona của virus varicella zoster là nó sẽ chạy dọc theo các dây thần kinh cảm giác vào da, từ đó sinh ra các phát ban (mụn nước) gây đau.

Như vậy, chỉ những người từng mắc thủy đậu thì mới có khả năng mắc bệnh zona. Trả lời cho câu hỏi bị zona rồi có bị thủy đậu không? Các bác sĩ chỉ ra rằng sau khi mắc zona thì người bệnh sẽ không bị mắc bệnh thủy đậu lại nữa.

Ngoài ra, người bệnh cần biết rằng, nếu người đang mắc bệnh zona mà tiếp xúc trực tiếp với người chưa từng bị bệnh thủy đậu trước đó (hoặc chưa tiêm phòng thủy đậu) thì sẽ khiến người này bị mắc bệnh thủy đậu.  Đối với những người có hệ miễn dịch kém (dù đã tiêm phòng thủy đậu) thì việc bị lây nhiễm virus Varicella Zoster từ người bệnh zona sẽ cao hơn.

Những yếu tố gây bệnh zona thần kinh

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra đích xác nguyên nhân vì sao virus Varicella Zoster tồn tại trong cơ thể người từng mắc bệnh thủy đậu có thể tái hoạt lại và gây bệnh zona.

Trong một số tài liệu nghiên cứu, các nhà khoa học đã đặt ra một số khả năng có thể tác động đến việc kích hoạt loại virus này hoạt động bao gồm: Người bệnh bị stress, căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, hệ miễn dịch suy yếu do yếu tố tuổi tác, mắc bệnh hoặc dùng thuốc điều trị trong thời gian dài, người bị ung thư và đang điều trị bằng xạ trị, vùng da người bệnh bị tổn thương…

Sự xuất hiện ra thành triệu chứng trên da của bệnh zona sẽ tùy thuộc vào việc dây thần kinh nào bị ảnh hưởng bởi virus Varicella Zoster. Các triệu chứng mà người bệnh sẽ gặp phải bao gồm:

Có cảm giác đau ở một phía cơ thể, da trở lên nhạy cảm hơn, ngứa ngáy, rát bỏng, đau nhói, đau rát dai dẳng…

Nổi ban đỏ, mụn nước, sưng tấy, tụ mủ, mụn nước vỡ gây đóng vảy trong 10-12 ngày.

Khi vảy bong ra sau 2-3 tuần nó sẽ để lại sẹo trên vùng da bệnh zona thần kinh.

Sau khi vùng da hết mụn nước, người bệnh vẫn có thể có cảm giác đau tại chỗ trong một thời gian nữa.

Trong thực tiễn nghiên cứu, khả năng lây nhiễm zona được biểu hiện như sau:

Người bình thường chưa từng mắc bệnh thủy đậu nếu tiếp xúc da với người bị bệnh zona có thể gây mắc bệnh thủy đậu.

Nếu người đã từng mắc bệnh thủy đậu thì khi tiếp xúc với người bệnh zona cũng sẽ không bị nhiễm zona từ người bệnh.

Các mụn nước đã khô của người bệnh zona thì không còn khả năng lây nhiễm sang người khác.

Zona thần kinh thường chỉ xảy ra một lần trong đời và không tái phát. Tuy nhiên, một số nghiên cứu mới cũng chỉ ra rằng có khoảng hơn 6% người bệnh mắc zona vẫn có thể bị tái phát bệnh này thêm 1 hoặc 2 lần nữa trong đời.

Điều này chỉ ra rằng, người từng bị thủy đậu hoặc từng bị zona (nhất là với nhóm đối tượng trên 50 tuổi) thì vẫn cần thiết phải sử dụng các biện pháp ngừa bệnh zona. Liệu pháp đang được áp dụng nhiều nhất vẫn là tiêm vắc xin phòng tránh và thực hiện các nguyên tắc khác trong sinh hoạt.

Cách phòng tránh bệnh zona thần kinh

Zona là bệnh da liễu phổ biến và có thể lây nhiễm nếu tiếp xúc trực tiếp với dịch trong mụn nước. Bệnh có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, thậm chí là biến chứng đến tai, mắt, dây thần kinh nếu không được chữa trị đúng và kịp thời.

Một số lưu ý để phòng tránh bệnh zona được khuyến cáo là:

Thực hiện tiêm chủng ngừa bệnh thủy đậu cho trẻ em (Thường được kết hợp trong mũi sởi – quai bị – rubella). Đối với người lớn có thể tiêm chủng vắc xin ngừa thủy đậu ( có hai loại vắc xin phổ biến hiện nay là ZOSTAVAX và vắc xin SHINGRIX).

Cách ly người mắc bệnh thủy đậu và người mắc bệnh zona, tránh tiếp xúc những nơi đông người cho tới khi các nốt mụn nước trên da đã khô để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm qua tiếp xúc da.

Người có tiền sử hoặc đang điều trị các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch như ung thư, HIV, đang trong thời gian điều trị hóa chất không nên tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh zona.

Không dùng chung đồ dùng cá nhân với bệnh nhân zona thần kinh.

Không sử dụng chung khăn mặt, khăn tắm, cốc chén… và các đồ dùng sinh hoạt cá nhân khác với người mắc bệnh.

Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc, cầm nắm ở cầu thang, thang máy, tay nắm cửa…

Luôn giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát.

Ngô Thị Hồng Duyên

Cùng chuyên mục

Nhân ngày tránh thai thế giới 26/09, cùng tìm hiểu về màng phim tránh thai

Màng phim tránh thai VCF (còn gọi là film tránh thai hay màng tránh thai) là lựa chọn biện pháp tránh thai. Nhưng màng phim...

Để cuộc nói chuyện về giới tính với con trở nên tinh tế

Giáo dục giới tính cho trẻ giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, có khả năng tránh khỏi nhiều nguy cơ xấu. Song trong...

Những sai lầm của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ

Xung quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ, bản thân cha mẹ vẫn có những hiểu nhầm, từ đó việc làm thế nào...

Con xuất hiện xu hướng đồng tính, phụ huynh cần làm gì?

Mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tính dục. Các...