Biến chứng võng mạc do tăng huyết áp ở người già và những điều cần lưu ý

Thứ Tư, 04/09/2019 09:53 AM (GMT+7)

Huyết áp tăng cao trong một thời gian dài là nguyên nhân chủ yếu gây võng mạc cao huyết áp.

 

bien-chung-vong-mac

Các biến chứng ở mắt do tăng huyết áp

Các biến chứng ở mắt do tăng huyết áp bao gồm tổn thương ở võng mạc, hắc mạc và thị thần kinh. Bệnh có thể để lại những tổn thương trầm trọng gây suy giảm thị lực nặng và không hồi phục.

Ngoài những biến chứng ở tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim, gây tổn thương ở não, thận, mạch máu, tăng huyết áp còn dẫn đến nhiều biến chứng ở mắt.

Bác sĩ CKII Phạm Văn Hoàng, Bệnh viện Mắt TP HCM cho biết, huyết áp tăng cao kéo dài hoặc tăng đột ngột sẽ làm tổn thương hệ thống mạch máu ở võng mạc. Thành mạch máu bị tổn thương khiến các thành phần của máu thoát ra khỏi mạch máu. Xuất huyết, dịch thoát ra trên võng mạc gây phù võng mạc, lipid thoát ra trên võng mạc tạo thành xuất tiết. Đồng thời, mạch máu co lại gây thiếu máu ở võng mạc, thần kinh thị giác. Tất cả những tổn thương này dẫn đến mờ mắt. Những dấu hiệu trên đây chỉ được phát hiện bằng cách soi đáy mắt.

Nếu huyết áp không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến nhiều tổn thương ở mắt. Ảnh: Lê Phương.Theo bác sĩ Hoàng, tăng huyết áp vừa phải thường không có triệu chứng rõ rệt ở mắt, chỉ trong trường hợp tăng huyết áp ác tính (trên 200/140mmHg) mới có dấu hiệu như nhức đầu, mờ mắt, sợ ánh sáng. Người trẻ tuổi thường không biết mình bị tăng huyết áp nên khi có những triệu chứng này, họ không nghĩ là do biến chứng của tăng huyết áp. Thông thường người bệnh chỉ cảm thấy triệu chứng không rõ ràng như đau ngực, thở ngắn, khó thở khi vận động, khó thở vào ban đêm và khó thở lúc hồi hộp.

Triệu chứng của bệnh võng mạc do tăng huyết áp

Dấu hiệu ban đầu của bệnh võng mạc do tăng huyết áp thường không có những triệu chứng rõ nét. Tuy nhiên, khi tình trạng bệnh trở nên thực sự nghiêm trọng sẽ xuất hiện một số triệu chứng cơ bản như:

– Tầm nhìn giảm

– Sưng mắt

– Đứt vỡ mạch máu

– Song thị (double vision) đi kèm với đau đầu…

Vì thế, khi gặp những triệu chứng trên kèm theo huyết áp liên tục tăng cao, cần đến ngay cơ sở y tế hoặc phòng khám uy tín để tránh sự thay đổi nhanh chóng và tiêu cực về thị lực. 

Tăng huyết áp và tổn thương ở mắt thường chia thành 4 giai đoạn

Giai đoạn I: Bệnh nhân bị tăng huyết áp kéo dài, chưa có triệu chứng gì, tim và thận chưa bị ảnh hưởng. Khám đáy mắt chỉ thấy có động mạch co nhỏ.

Giai đoạn II: Huyết áp cao hơn, chức năng tim thận vẫn còn tốt. Ngoài dấu hiệu động mạch võng mạc co nhỏ, còn có thêm dấu hiệu bắt chéo động tĩnh mạch mà chỉ có bác sĩ soi đáy mắt mới nhận biết được.

Giai đoạn III: Huyết áp khá cao và kéo dài, tim và thận đã bị suy giảm khá nặng, bệnh nhân bị khó thở khi gắng sức. Ở giai đoạn này, đã có tổn thương ở não, tim, võng mạc và suy thận. Soi đáy mắt sẽ có thêm xuất huyết, xuất tiết ở võng mạc.

Giai đoạn IV: Được xem là tăng huyết áp ác tính, huyết áp rất cao đi kèm với tổn thương nặng ở não, tim, thận và võng mạc. Khi soi đáy mắt, ngoài các dấu hiệu của giai đoạn III, sẽ có thêm phù gai thị.

"Các tổn thương ở võng mạc càng ở giai đoạn nặng thì nguy cơ bị tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, tử vong càng cao. Nếu tăng huyết áp được kiểm soát tốt thì tổn thương ở võng mạc sẽ hồi phục. Một số bệnh nhân bị tổn thương võng mạc giai đoạn IV sẽ tổn thương vĩnh viễn ở thần kinh thị giác và hoàng điểm", bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Tăng huyết áp sẽ làm cho người bệnh có nguy cơ cao mắc các bệnh khác ở võng mạc như tắc động mạch trung tâm hoặc động mạch nhánh võng mạc, tắc tĩnh mạch trung tâm hoặc tĩnh mạch nhánh võng mạc, phình động mạch võng mạc. Những biến chứng này có thể sẽ dẫn đến các biến chứng trầm trọng khác ở võng mạc như xuất hiện tân mạch ở võng mạc, xuất huyết pha lê thể và màng trên võng mạc. Ở người đã bị bệnh võng mạc do tiểu đường, tăng huyết áp sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn. Phù gai thị kéo dài sẽ làm teo thần kinh thị giác, do đó mắt mờ rất nhiều.

Bệnh có thể để lại những tổn thương trầm trọng gây suy giảm thị lực nặng và không hồi phục. Kiểm soát huyết áp là phương pháp điều trị duy nhất. Nếu có các biến chứng khác ở mắt thì việc điều trị sẽ do bác sĩ chuyên khoa phụ trách. Chỉ có kiểm soát tốt huyết áp mới phòng ngừa được các tổn thương các mạch máu của mắt, cũng như các cơ quan khác như tim, thận và não.

Đặc điểm tổn thương võng mạc tăng huyết áp

– Co động mạch: Là đáp ứng sinh lý với tăng huyết áp động mạch. Co mạch có thể khu trú hoặc lan tỏa làm cho các động mạch có vẻ cứng thẳng, chia nhánh vuông góc tạo ra hình ảnh thưa thớt của hệ mạch võng mạc.

– Xơ cứng động mạch: Khi có sự già cỗi của lớp collagen thì thành động mạch sẽ dày lên và cứng làm hẹp động mạch lại. Ánh động mạch biến đổi trông như sợi dây đồng. Động mạch kém đàn hồi, bị hyaline hóa tạo nên hình ảnh sợi dây bạc, cuối cùng có một bao trắng che lấp cột máu.

– Bắt chéo động – tĩnh mạch: Chỗ bắt chéo động – tĩnh mạch được bọc bởi một bao xơ chun chung. Khi có quá trình xơ cứng thành mạch thì động mạch sẽ đè bẹp tĩnh mạch.

– Xuất huyết võng mạc: Là những xuất huyết nông có hình ngọn nến nằm dọc theo các sợi thần kinh quanh những mạch máu lớn gần đĩa thị. Có thể là những xuất huyết sâu hơn hình chấm hoặc tròn ở khắp võng mạc.

– Xuất tiết bông: Hay gọi là xuất tiết mềm là những đám trắng bờ không rõ nằm nông che lấp các mạch máu hay nằm gần những mạch máu lớn

– Xuất tiết cứng: Là những đám màu vàng nằm sâu, ranh giới rõ thường ở cực sau. Chúng có thể sắp xếp theo hình nan hoa lan tỏa ra quanh hoàng điểm tao thành sao hoàng điểm. Đôi khi chúng tập trung lại tạo nên một đám thâm nhiễm lớn.

– Phù đĩa thị: Bờ đĩa thị mờ, ranh giới không rõ, hơi nhô lên có màu trắng. Các tĩnh mạch giãn ngoằn ngoèo, cương tụ kèm theo giãn mao mạch, đôi khi có xuất huyết trước đĩa thị.

Điều trị bệnh võng mạc do tăng huyết áp

Để giảm tối đa nguy cơ bị bệnh võng mạc và các biến chứng võng mạc do tăng huyết áp cần kiểm soát huyết áp kết hợp với thuốc, tạo thói quen sống lành mạnh.

Thói quen sống lành mạnh gồm có tập thể dục thường xuyên, giảm lượng muối mà cơ thể hấp thụ, hạn chế caffein, đồ uống có cồn, ăn nhiều trái cây, rau xanh giúp huyết áp khỏe mạnh ổn định.

Ngoài ra cần bỏ thói quen hút thuốc lá, cần giảm cân hợp lý để phòng ngừa tăng huyết áp.

Khi bác sĩ có can thiệp vào bệnh huyết áp cao bằng các loại thuốc cần uống theo chỉ định và đi khám định kỳ, kiểm soát nghiêm túc huyết áp để tránh gây tổn thương đến mắt, dẫn đến nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn

Duyen

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...