Bố mẹ còn "mù tịt" về “cậu nhỏ” của bé

Thứ Sáu, 09/08/2019 09:37 AM (GMT+7)

Người lớn nghĩ mình biết tường tận mọi rắc rối “thầm kín” của con trẻ. Nhưng thực tế, nhiều bố mẹ còn mơ hồ về các bệnh trẻ dễ bị bỏ qua, trong đó có bao quy đầu.

bo-me-thieu-kien-thuc-gioi-tinh

Nhiều người lớn “mù tịt” kiến thức sinh sản

“Nhiều bố mẹ đã sinh đến 2 con nhưng "mù tịt" những kiến thức sơ đẳng liên quan đến sức khoẻ, sinh lý thông thường của trẻ. Hay có gia đình chỉ chú ý đến vùng kín bé gái mà bỏ qua của bé trai với suy nghĩ: con gái dễ mắc viêm nhiễm, con trai đơn giản hơn nhiều. Kiến thức của bố mẹ về bộ phận sinh dục nam vừa yếu vừa thiếu”. BS Nguyễn Thế Lương- Phó Giám đốc BV Thận Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Nam học Andos - phải thốt lên.

BS Lương kể, trong quá trình thăm khám cho các bé trai, trường hợp hay gặp nhất là trẻ bị viêm nhiễm ở bộ phận sinh dục do trẻ không được vệ sinh hằng ngày hoặc vệ sinh không đúng cách. Nhiều trẻ bao quy đầu cặn trắng đọng lại, có mùi hôi, viêm nhiễm. Thậm chí có những trẻ, cặn đã chuyển sang vàng, đóng hòn, đóng cục, dịch như bã đậu. Đặc biệt, có trường hợp cháu bé bị nhiễm khuẩn nặng, nhưng gia đình hoàn toàn không hay biết.

Bé trai T.T.A, 2,5 tuổi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được mẹ đưa tới khám với lý do: “cậu nhỏ” sưng to mấy hôm nay không rõ nguyên nhân. Quan thăm khám, BS Nguyễn Thế Lương phát hiện bao quy đầu chưa lộn chút nào, bít kín khiến quá trình vệ sinh không được làm sạch, nước tiểu đọng lại bên trong gây viêm nhiễm khiến “cậu nhỏ” tấy đỏ lên. “Khi ngứa trẻ có thói quen gãi, cấu nên tình trạng tổn thương, viêm nhiễm càng nặng”, BS Lương cho hay.

Đây mới là trường hợp hết sức bình thường ở trẻ mà người lớn không xử lý đúng cách. Chính BS Lương đã chứng kiến một ca biến chứng vì xử lý bao quy đầu không đúng cách. Bé Đ. N.M., 4 tuổi ở tỉnh Hưng Yên được gia đình đưa vào cấp cứu trong tình trạng nhiễm trùng “cậu nhỏ” khá nặng, sung vù, đau tức. Người mẹ kể: gia đình phát hiện M. hẹp bao quy đầu, gây khó khăn cho tiểu tiện. Tôi nghĩ cứ tự ở nhà lộn bằng tay cho bé là được nên đã dùng tay lộn ra. Thằng bé khóc kêu đau nhưng sốt ruột sợ để lâu mắc bệnh nên tôi ra sức dùng tay kéo, lộn. Nào ngờ lâu ngày “cậu nhỏ” bị tổn thương mà không biết, chỉ đến khi “cậu nhỏ” sưng vù có biểu hiện nhiễm trùng cả nhà mới hốt hoảng đưa bé đi vào viện.

Bệnh đơn giản dễ bỏ qua

Hẹp và bán hẹp bao quy đầu là một trong những tình trạng hay gặp nhất ở các bé trai. Việc xử lý “sự cố” không phức tạp nhưng cần làm sớm để cơ quan sinh dục trẻ được vệ sinh sạch sẽ. Nếu không được xử lý, các chất cặn bã tiết ra lưu lại trong bao quy đầu của trẻ lâu ngày, có thể lên tới hàng năm, sẽ gây ra hiện tượng viêm nhiễm, nhiễm trùng dương vật, nhiều trường hợp có biến chứng viêm ngược dòng lên bàng quang, thận sẽ đem lại hậu quả khó lường và để lại di chứng suốt đời cho trẻ.

“Ở hầu hết các bé trai, khoảng 3 tuổi, bao quy đầu có thể kéo lùi xuống một phần. Khi trẻ có dấu hiệu hẹp bao quy đầu bác sĩ tiến hành thăm khám và đưa ra hướng điều trị. Nếu trẻ ở mức độ nhẹ có thể nong, nặng hơn phải chích. Nếu trẻ có hiện tượng không tụt được bao quy đầu xuống hoàn toàn và thấy bé hay sờ bộ phận sinh dục thì bố mẹ nên đưa cháu đi khám để kiểm tra ngay lập tức bởi đây là hành vi bất thường ở trẻ và dấu hiệu trẻ có viêm nhiễm ở bộ phận sinh dục”, BS Lương cho hay.

Trường hợp hẹp bao quy đầu nặng có thể gây ra đau đớn khi đi tiểu, bí tiểu, nhiễm khuẩn đường niệu và nhiễm khuẩn vùng da dương vật. Đến tuổi trưởng thành không được điều trị hẹp bao quy đầu nguy cơ ung thư dương vật cao sẽ hơn người bình thường. Hẹp bao quy đầu có thể gây rất đau đớn khi cương dương vật và giao hợp, bao quy đầu có thể bị chảy máu nhẹ hoặc và viêm nhiễm. Ở trẻ nhỏ, hẹp và bán hẹp bao quy đầu sẽ gây lưu lại chất cặn bã, có thể trong thời gian dài, khiến dương vật bị viêm nhiễm.

BS Lương khuyến cáo, việc khám bộ phận sinh dục cho trẻ cần được tiến hành 6 tháng một lần, bác sĩ có thể kiểm tra mức độ bị nhiễm khuẩn dưới bao quy đầu. Trong một số trường hợp viêm nhiễm nặng, có thể sẽ tiến hành cắt bao quy đầu tuy nhiên ưu tiên hàng đầu là tiến hành bóc tách và nong để tránh các chấn thương tâm lý và biến chứng nhiễm trùng cho trẻ. Đặc biệt, bao quy đầu không nên bị kéo xuống với lực mạnh có thể gây ra chảy máu hoặc tổn thương, thậm chí gây ra sẹo. Sẹo sẽ gây ra sự khó khăn khi kéo bao quy đầu xuống và khó giữ vệ sinh bên trong bao quy đầu cũng như có thể gây đau cho trẻ khi quan hệ ở tuổi trưởng thành.

Duyen

Cùng chuyên mục

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự Chủ động phòng ngừa và điều trị vô sinh ở nam giới và nữ giới

Được làm cha, làm mẹ là mong mỏi bình dị, thiêng liêng của các cặp vợ chồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân...

Phóng sự Mang thai, nạo phá thai ở trẻ vị thành niên ngày càng tăng: Nguyên nhân và những hậu quả đáng tiếc

Do những nguyên nhân khác nhau, quan hệ tình dục sớm và tình trạng nạo, phá thai ở lứa tuổi VTN đang là vấn đề...