Các bệnh tiêu hóa người già hay gặp và cách phòng chống

Thứ Hai, 20/05/2019 12:56 PM (GMT+7)

Người già do hệ miễn dịch và tiêu hóa hoạt động kém hơn, đặc biệt là vào thời tiết nắng nóng rất dễ tạo điều kiện cho các yếu tố gây Tiêu chảy hoành hành.

nguoi-cao-tuoi-benh-tieu-hoa

Trong các vấn đề tiêu hóa ở người già, bệnh lý răng miệng ít được quan tâm hơn cả. Nhiều người cao tuổi cho rằng bộ răng đơn thuần chỉ mang tính thẩm mỹ, khi mất răng họ thường tìm cách thay đổi thức ăn để dễ nuốt hơn như chan canh, ăn cơm nát, tăng chất lỏng... Trong trường hợp này, thức ăn không được nghiền nát và tiêu hóa dưới tác dụng của hệ thống nước bọt mà bị đổ thẳng vào dạ dày cùng nước canh, khiến lượng dịch vị (đã giảm do tuổi tác) không đủ để tiêu hóa. Môn vị sẽ không mở để hỗn dịch xuống hành tá tràng. Lúc này, thức ăn bị ứ trệ gây chướng bụng, ậm ạch, khó tiêu, tạo điều kiện cho vi khuẩn và acid gây viêm tại chỗ.

Nghiên cứu của các nhà lão khoa cho thấy: Khi vào độ tuổi ngoài 50, trung tâm báo khát ở não kém hiệu quả nên phần nhiều người cao tuổi uống không đủ lượng nước cần thiết trong ngày. Ngoài những biểu hiện mệt mỏi thường thấy như da khô, tim đập nhanh, ngủ kém, hệ thống tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng toàn diện: miệng khô đắng gây kém hứng thú khi đến bữa, lượng dịch vị thiếu hụt khiến bệnh nhân thích ăn món có nước.

Khi chúng ta ăn rau thì lượng nước khá cân bằng nhưng khi thức ăn có đạm, lượng dịch tiêu hóa hay nước giúp chuyển hóa đòi hỏi nhiều hơn gấp 3 lần (trứng, cá, thịt màu trắng...) thậm chí gấp 5 lần (thịt bò, thịt chó, rượu...). Như vậy, sau các bữa ăn thịnh soạn, người cao tuổi thường thiếu nước trầm trọng hơn; họ luôn kêu nóng trong. Nhưng khi đi khám bệnh thì các xét nghiệm cho kết quả bình thường khiến các bác sĩ lúng túng trong điều trị: cho đơn thuốc với một vài thứ bổ gan và vitamin nhóm B tổng hợp, khiến bệnh nhân càng có cảm giác nóng hơn. Theo thời gian, một số người mất hứng thú với thức ăn chứa protit; lâu dần cơ thể suy nhược hoặc tăng nặng.

Khi cơ thể thiếu nước, đại tràng sẽ tăng cường tái hấp thu lượng nước khiến phân bị khô, gây táo bón và sự đình trệ lâu dài, khiến cơ thể bị ngộ độc gây đau đầu, mất ngủ, lão hóa nhanh... Các nhà ung thư học cho biết, một trong các nguyên nhân gây ung thư dạ dày, đại tràng là sự tích tụ chất cặn bã và nhiễm khuẩn kéo dài. Quá trình táo bón khiến người già phải rặn nhiều làm giãn các búi tĩnh mạch tại trực tràng, gây trĩ nội và trĩ ngoại.

Ở người cao tuổi, đau bụng là một triệu chứng không đặc hiệu khó chẩn đoán. Một số trường hợp ít có biểu hiện đau nhưng khi soi dạ dày đã có xuất hiện hình thái ung thư. Một số người bệnh có đau bụng dọc khung đại tràng, xét nghiệm và điều trị nhiều nơi không đỡ nhưng thực ra nguyên nhân lại là thoái hóa cột sống gây rối loạn hoạt động thần kinh tương ứng.

Bệnh lý tiêu hóa không phải là nguyên nhân tử vong hàng đầu nhưng sẽ làm giảm chất lượng sống của người cao tuổi. Bệnh cần được chẩn đoán, điều trị và dự phòng kịp thời bằng quá trình hỏi bệnh tỉ mỉ, thăm khám kỹ kết hợp với các phương tiện y học đương đại.

Các bệnh tiêu hóa người già hay gặp

Người già do hệ miễn dịch và tiêu hóa hoạt động kém hơn, đặc biệt là vào thời tiết nắng nóng rất dễ tạo điều kiện cho các yếu tố gây Tiêu chảy hoành hành. Tiêu chảy cấp hoặc mạn đều gây mất nước, mất điện giải khiến cơ thể suy kiệt nhanh chóng. Ngoài ra, chất lượng cuộc sống của người bệnh cũng bị giảm sút do cơ thể mệt mỏi, đau đớn, ăn uống kém ngon, lúc nào cũng lo lắng về bệnh tật dẫn đến đau đầu, mất ngủ triền miên, mất hứng thú với cuộc sống, mất tập trung, dễ cáu gắt.

Nghẹn

Nói chung, lớp cơ của hệ tiêu hóa khi về già đều ít hay nhiều teo đi và do vậy giảm sức co bóp. Bình thường, các thớ cơ vòng ở thực quản luôn luôn ở tình trạng co nhẹ (có trương lực) khiến ống này kín mít, nhưng khi làm động tác “nuốt” thì đoạn trên thực quản mở ra để nhận thức ăn và ngay sau đó co lại để đẩy thức ăn xuống đoạn dưới (đã kịp mở ra chờ đón); cứ vậy, thức ăn bị đẩy xuống dạ dày chỉ hết vài ba giây đồng hồ.

Nhưng ở người già, đoạn thực quản vừa giãn (hay vừa co) thì “trơ” ra, phải mất thời gian lâu hơn mới phục hồi để co (hay giãn) tiếp được, nhất là sự phối hợp co - giãn của đoạn trên với đoạn dưới mất nhịp nhàng làm người già dễ bị nghẹn. Đừng quá lo lắng, chỉ cần tạm ngừng ăn một phút, có thể nuốt một ngụm nước nhỏ. Khi ăn tiếp, cần nhai kỹ, tập trung ý thức nuốt cho dứt khoát.

Tuy nhiên nếu nghẹn xảy ra liên tiếp, nhiều lần, cần gặp thầy thuốc, vì rất có thể từ nguyên nhân khác. Cũng do giảm trương lực cơ thực quản, nhiều cụ già mắc chứng “trào ngược” dịch dạ dày lên thực quản. Tuy nhiên, thủ phạm hay tòng phạm của chứng này còn có thể do dạ dày co bóp bất thường và cơ vòng ngăn dạ dày với thực quản lỏng lẻo.

Viêm loét dạ dày, tá tràng:

Khi độ toan ở dịch vị giảm (do tuổi cao), vi khuẩn HP sẽ gây viêm loét dạ dày. Ngoài ra, người cao tuổi có thể bị bệnh dạ dày do tác dụng phụ của một số thuốc người cao tuổi hay dùng như thuốc xương khớp, thuốc tim mạch…

Sa dạ dày:

Nếu dạ dày co bóp kém có thể làm dạ dày sa xuống thấp ở các mức độ từ nhẹ tới nặng. Sa sạ dày sẽ làm thức ăn tồn lưu rất lâu trong dạ dày khiến người già cảm thấy nặng bụng.

Sỏi mật:

Từ tuổi 40, túi mật đã bắt đầu có dấu hiệu “già”, túi mật teo đi (chứa được ít mật), các cơ ở vách túi mật kém sức co bóp (đẩy không hết mật xuống ruột), ngoài ra gan cũng kém sản xuất mật, lượng mật còn sót lại dễ tạo sỏi. Do vậy, người già dễ mắc bệnh sỏi mật hơn người trẻ.

Táo bón:

Táo bón là một bệnh gây nên nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe, đặc biệt táo bón ở người cao tuổi. Lý do thường gặp nhất là do chức năng và hệ men tiêu hóa của đường ruột giảm sút, do ít vận động và đặc biệt là do người cao tuổi ít ăn rau. Táo bón rất dễ gây nên bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn cho nên mỗi lần đi ngoài người cao tuổi rất sợ vì phải rặn mạnh sẽ gây đau và chảy máu. Chính vì các lý do đó mà táo bón càng ngày càng nặng thêm gây đau quặn bụng, nhất là vùng bụng dưới và 2 hố chậu… 

Các biện pháp dự phòng

Có thể dự phòng rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi bằng một số biện pháp như tuân thủ một chế độ ăn hợp lý. Cụ thể: Hạn chế mỡ động vật, thay bằng dầu thực vật; Không nên ăn quá nhiều các loại thịt đỏ khó tiêu như thịt bò, thịt trâu; Nên ăn quả tươi như đu đủ, chuối, cam, rau xanh, ngũ cốc, hạt vừng, lạc; Ăn thêm những loại đạm dễ tiêu như tôm cá, thịt lợn và chất béo như dầu thực vật.

Thức ăn nên chế biến kỹ đảm bảo vệ sinh và độ chín cần thiết. Không nên ăn những thức ăn chế biến dưới dạng tái, gỏi bởi vì những loại thức ăn này rất dễ gây chướng bụng đầy hơi. Không nên ăn dồn ép mà nên chia nhỏ bữa sao cho số lượng vừa đủ, đảm bảo đều đặn hàng ngày. Tránh ăn những thức ăn lạ mà cơ thể chưa quen. Thức ăn luôn đảm bảo nóng sốt sẽ giúp cho quá trình tiêu hóa và hấp thu được dễ dàng. Không uống rượu bia hoặc các chất uống có cồn khác.

Ngoài ra, việc tập luyện thể dục nhẹ nhàng, tăng cường vận động phù hợp với sức khỏe, khí công dưỡng sinh… cũng là những biện pháp tốt giúp cho việc tiêu hóa ở người cao tuổi được dễ dàng.

Khi thấy có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm.

Duyen

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...