Các nước xử phạt phụ huynh không cho con tiêm phòng như thế nào?

Thứ Hai, 15/04/2019 01:17 PM (GMT+7)

Việc không cho trẻ em tiêm phòng vắc-xin đầy đủ có thể dẫn đến việc trẻ em và các bạn cùng trang lứa cũng như người thân xung quanh có thể mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khiến cộng đồng đối diện với nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

tien-vac-xin-cho-tre

Trong khi trào lưu anti vắc-xin đang rộ lên trên quy mô toàn cầu, thì quan điểm số đông trong xã hội lại cho rằng việc không cho trẻ em đi tiêm chủng cũng tương đương với một dạng bạo hành, và những phụ huynh anti vắc-xin cần phải bị xử phạt. Bởi lẽ, việc không cho trẻ em tiêm phòng đầy đủ có thể dẫn đến việc trẻ em và các bạn cùng trang lứa cũng như người thân xung quanh có thể mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khiến cộng đồng đối diện với nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Vắc-xin là thành tựu y học quan trọng. Nó giúp kiểm soát dịch bệnh, phòng bệnh cho con người. Vắc-xin là phương pháp tương đối an toàn và hiệu quả để phòng tránh nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như viêm gan, ho gà, uốn ván, sởi, thủy đậu, Rubella, bại liệt, quai bị... Thấy rõ được tầm quan trọng của vắc-xin, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra quy định về việc tiêm vắc-xin nhằm bảo vệ sức khỏe của từng người dân và cả cộng đồng. Để có được các loại vắc-xin tiêm chủng phòng bệnh như các nước trên thế giới đang sử dụng hiện nay, các nhà nghiên cứu đã phải đổ rất nhiều công sức suốt nhiều năm trời. Hiệu quả của vắc-xin trong phòng bệnh cũng đã được cả thế giới ghi nhận.

Có điều tồn tại như lẽ tất nhiên không có thứ gì là tuyệt đối an toàn cả, vậy nên việc tiêm vắc-xin vẫn có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Đó là những phản ứng khi trẻ vừa tiêm chủng xong như: sốt nhẹ, quấy khóc, tấy nhẹ chỗ tiêm...với tỷ lệ xác suất xảy ra phản ứng sau tiêm chủng rất nhỏ, trong khi những nguy hại đến từ việc không tiêm phòng thì lớn hơn nhiều lần. Thế nhưng rất nhiều người đã lấy cớ tiêm vắc-xin thì trẻ sẽ gặp những phản ứng này, để tạo nên một làn sóng anti vắc-xin, tẩy chay việc tiêm phòng cho trẻ nhỏ. Vậy nhưng, họ đâu có hiểu rằng điều đó đang tước đoạt đi cơ hội phòng bệnh cho con và khi trẻ mắc bệnh thì đứa con của họ sẽ là người lãnh hậu quả đầu tiên.

Làn sóng anti vắc-xin lan rộng đã là một trong các nguyên nhân khiến dịch bệnh truyền nhiễm quay trở lại trên toàn cầu. Vấn đề anti vắc-xin tại châu Âu đang khiến các nhà chức trách hết sức đau đầu, nhất là trong bối cảnh dịch sởi đang bùng phát một cách mạnh mẽ trên diện rộng. Úc cũng đang phải đương đầu với vấn đề này. Các ca sởi ở Mỹ cũng gia tăng nhanh chóng. Vì vậy, mới đây Úc, Mỹ cùng với một số quốc gia châu Âu đã bắt đầu áp dụng các hình thức xử phạt đối với những phụ huynh không cho con mình đi tiêm phòng. Bên cạnh đó, tại Úc, những ngôi trường cho phép những đứa trẻ không tiêm phòng đi học cũng sẽ bị xử phạt. Đây là một động thái có phần mạnh tay đối với những người thuộc nhóm anti vắc- xin, nhưng có lẽ đó là nỗ lực đối phó cần thiết trong bối cảnh các dịch bệnh nguy hiểm như sởi đang có nguy cơ bùng phát cao. Hiện tại, Úc đang cố gắng đưa tỉ lệ trẻ em được tiêm phòng trở lại con số 95%.

Cơ chế xử phạt cho hành vi không đưa trẻ đi tiêm chủng tại một số quốc gia như sau:

Mới đây nhất, Italia đã ban hành đạo luật có tên là Lorenzin. Theo đó, những trẻ em dưới 6 tuổi không tiêm vắc-xin sẽ không được đến trường. Phán quyết này được đưa ra sau khi quốc gia này kết thúc nhiều tháng tranh luận trên bình diện quốc gia về vấn đề tiêm chủng bắt buộc. Đạo luật này đưa ra sau khi số bệnh nhân mắc sởi tăng đột biến ở Italia.Phụ huynh có thể bị phạt 500 euro nếu họ cho con từ 6-16 tuổi đi học mà không tiêm vắc-xin đầy đủ cho con, còn trẻ dưới 6 tuổi sẽ không được đi học mầm non khi cha mẹ không tuân thủ điều này. Đồng thời phụ huynh phải chứng minh con của mình đã được tiêm phòng trước khi cho chúng nhập học tại trường

Úc cũng đang xem xét việc cấm những đứa trẻ không được tiêm phòng tới trường, cũng như tới các trung tâm trông trẻ, đồng thời phạt những ngôi trường để trẻ không tiêm phòng đi học với mức phạt khoảng 24.000 USD. Bên cạnh đó, những gia đình không cho trẻ em tiêm phòng cũng sẽ không được hưởng một số phúc lợi y tế khác.

Theo CNN, tất cả các bang ở Mỹ yêu cầu trẻ em không đến trường bao gồm cả trường mầm non nếu không được tiêm chủng. Động thái mới nhất, sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố tại hạt Rockland, Mỹ, theo đó trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi chưa tiêm phòng sởi sẽ không được tới các khu vực công cộng, kể cả trường học. Lệnh cấm nhằm tăng tỷ lệ trẻ được tiêm chủng và phát huy tác dụng tăng cường miễn dịch ở cộng đồng. Dịch sởi đã bùng phát tại 5 bang của nước Mỹ. Từ đầu năm đến nay Mỹ đã ghi nhận hơn 300 trường hợp nhiễm sởi, riêng ở Rocland có tới 157 ca, tỷ lệ tiêm chủng ở mức rất thấp. Giới chức y tế Mỹ cho biết, các chiến dịch tiêm chủng đã khởi động, nhưng vẫn có tới 27% trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi chưa đi tiêm phòng.

Tại Pháp, từ năm 2018, việc tiêm 11 loại vắc-xin cho trẻ nhỏ là bắt buộc. 3 loại vắc-xin: bạch hầu, uốn ván và bại liệt đã bắt buộc từ trước, nhưng từ năm 2018 có thêm 8 loại vắc-xin phòng: ho gà, sởi, quai bị, Rubella, viêm gan b, cúm, viêm phổi và viêm màng não C đưa vào diện bắt buộc phải tiêm. Tuy nhiên mức phạt đối với những phụ huynh không chịu chấp hành vẫn chưa được thông qua.

Còn tại Slovenia cũng có luật chống bệnh truyền nhiễm với các khoản phạt tiền nếu không thực hiện đúng. Theo đó, mỗi trẻ em không được tiêm chủng thì phụ huynh bị phạt từ 41 euro đến 417 euro.

Tại Đức, những người quản lý trường mầm non có trách nhiệm báo cáo những bậc phụ huynh không cho con mình tiêm phòng đầy đủ. Những phụ huynh này sẽ phải nộp phạt cho bộ y tế với mức phạt lên tới hàng nghìn euro.

Không tiêm vắc-xin, cha mẹ đặt con vào 'cửa tử'

Thống kê của Bộ Y tế cho biết, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe của nhân dân. Hơn 30 năm triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, hàng trăm triệu liều vắc-xin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ với nhiều loại vắc-xin được sử dụng. Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi,... đã giảm hàng trăm đến hàng nghìn lần so với trước đây.

Ấy vậy mà vẫn có nhiều bậc phụ huynh vì nghe những thông tin bài trừ vắc-xin đã cả tin không cho con em mình tiêm phòng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết: “Việc không tìm hiểu kỹ mà chỉ nghe các thông tin, đọc các bình luận cực đoan, thêu dệt về nguy cơ của vắc xin khiến nhiều phụ huynh lo sợ không tiêm vắc xin cho con. Việc này không những ảnh hưởng đến cá nhân họ, nguy hiểm hơn còn ảnh hưởng đến cộng đồng, ảnh hưởng tất cả các loại vắc xin khác. Nó ảnh hưởng đến tầm nhìn, chiến lược quốc gia thanh toán các bệnh, giảm tỉ lệ bệnh, muốn cho sức đề kháng của người dân mạnh lên với các bệnh có vắc xin ngăn ngừa cũng không thực hiện được".

Liên quan đến việc nhiều phụ huynh cho rằng, tiêm vắc xin vẫn có thể bị bệnh, bác sĩ Trương Hữu Khanh lý giải: “Tỉ lệ tiêm vắc xin mà vẫn bị bệnh là rất ít. Nếu tiêm mà bị mắc thì tình trạng bệnh cũng nhẹ hơn bởi bản thân người được tiêm vắc xin đã có sức đề kháng sẵn với bệnh. Các trường hợp bị mắc có thể do tiêm vắc xin không đủ liều. Nhiều phụ huynh quá chăm chăm vào 1% tác dụng phụ của nó mà bỏ qua 99% tác dụng tuyệt vời của vắc xin”.

PGS.TS Nguyễn Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) cho hay: “Những năm qua, số lượng bệnh nhân viêm não Nhật Bản đã giảm đi hàng nghìn lần là nhờ thành quả của chiến dịch tiêm vắc xin. Trước kia, số ca bệnh chiếm hơn 60% ca bệnh viêm não do vi rút giờ chỉ còn hơn 10%. Tiêm vắc xin là cách duy nhất để phòng tránh. Chính vì thế, việc các bà mẹ tham gia các hội nhóm và anti vắc xin không chỉ với vắc xin viêm não Nhật Bản mà còn với tất cả các loại vắc xin khác là một quyết định vô cùng nguy hiểm cho không những con của họ mà là cho cả cộng đồng”.

Ông Phu cũng chia sẻ, bản thân ông cũng từng phải thuyết phục rất nhiều lần một người cháu nhất định không cho con ăn thêm sữa ngoài. Dù sữa mẹ không đủ và đứa trẻ đã bị suy dinh dưỡng độ 2, 3. “Tôi được biết có những hội nuôi con bằng sữa mẹ và có nhóm đối nghịch là nhóm anti nuôi con bằng sữa ngoài. Những thái độ, hành động cực đoan là điều cực kỳ nguy hiểm”, ông Phu cho biết.

“Các hội nhóm trên các diễn đàn “ăn vào rễ” của nhiều bạn trẻ. Họ có kiến thức, có điều kiện vật chất nhưng lại suy nghĩ và hành động quá cực đoan. Chính vì thế, để thay đổi những bà mẹ “cuồng” hội anti vắc xin chỉ có thể bằng cách thuyết phục, giúp họ nhận ra lợi ích với con họ từ tiêm vắc xin”, vị này nhấn mạnh.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...