Cách phòng nhiễm giun, sán cho trẻ

Thứ Bảy, 23/05/2020 09:00 AM (GMT+7)

Nhiễm giun sán là một tình trạng khá phổ biến ở nước ta. Khi bị nhiễm giun sán, trẻ thường gầy gò, ốm yếu, xanh xao, bụng to bè, chậm lớn, biếng ăn, dễ nôn mửa. Ngoài ra, bé thường xuyên đau bụng quanh rốn, bị rối loạn tiêu hóa, đi phân lỏng.

Nếu không phát hiện bệnh và tẩy giun cho bé kịp thời, hậu quả để lại rất nguy hiểm. Vì vậy, việc chủ động phòng tránh giun sán, bảo vệ sức khỏe cho trẻ là rất cần thiết. Phụ huynh hãy ghi nhớ những biện pháp sau đây để phòng tránh nhiễm giun sán cho con.

1. Rèn luyện cho trẻ thói quen giữ vệ sinh cá nhân

Giữ vệ sinh thân thể là để bảo vệ sức khỏe trẻ, không để giun sán có cơ hội xâm nhập. Phụ huynh cần dạy con rửa tay trước khi ăn, sau khi vui chơi, sau khi đi vệ sinh, không đi chân đất, không dùng tay tiếp xúc vật bẩn, tránh cho tay bẩn vào miệng. Không cho trẻ cắn móng tay vì đầu ngón tay và phần da dưới móng tay là nơi thường xuyên tiếp xúc với các chất bẩn, khiến các loại vi khuẩn, nấm mốc, trứng giun sán… có cơ hội phát triển mạnh. Cha mẹ hãy hướng dẫn và giúp trẻ vệ sinh đúng cách như thường xuyên tắm gội, cắt móng tay, móng chân, rửa mặt sạch sẽ và dùng khăn mặt riêng để lau.

2. Thường xuyên vệ sinh đồ dùng của trẻ

Đồ chơi, quần áo, vật dụng cá nhân... của bé có thể là nơi trứng giun sán ký sinh. Trẻ cầm nắm, chơi đùa hay cho vào miệng khiến giun sán dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Đồ dùng của trẻ cần được tẩy rửa sạch sẽ và khử trùng thường xuyên ít nhất mỗi tuần một lần bằng dung dịch chuyên dụng.

3. Giữ vệ sinh ăn uống

Cho trẻ ăn những thực phẩm đảm bảo vệ sinh và nấu kỹ khi cho trẻ ăn. Không ăn thức ăn ôi thiu, không ăn đồ tái. Che đậy thức ăn không để chuột, gián bò vào. Trước khi ăn, nên nấu nóng lại, kể cả đồ ăn để trong tủ lạnh. Khi đến trường, mẹ nhắc nhở con uống nước chín, nước sạch để tránh nhiễm trứng giun. Hạn chế cho trẻ ăn các món ăn vặt đường phố vì chúng có thể không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dễ khiến bé mắc các bệnh đường tiêu hóa.

4. Tẩy giun định kỳ

Cha mẹ rất khó bên cạnh để bảo vệ con mọi lúc mọi nơi. Để tăng cường phòng bệnh, phụ huynh có thể lưu ý cho bé và các thành viên trong gia đình uống thuốc tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần. Tẩy giun đồng loạt cho cả nhà góp phần giảm tình trạng lây nhiễm chéo.

Phương Linh

Trần Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Dấu hiệu và cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết

Ở Việt Nam, tình trạng mắc sốt xuất huyết không ổn định, các đợt cao điểm thường vào khoảng tháng 6 đến...

Vì sao cần tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ trong 24h sau sinh?

Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao. Một trong những đường lây truyền nguy hiểm nhất của...

Tập huấn và nâng cao năng lực cho cán bộ an toàn vệ sinh thực phẩm

Vấn đề vệ sinh thực phẩm phải luôn được quan tâm không chỉ của các cán bộ mà còn toàn dân.

Kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập tỉnh Thanh Hóa

Hiện nay, các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập tỉnh Thanh Hóa xuất hiện nhiều và cần chú ý về chất...