Cần sự đầu tư thích đáng cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Thứ Hai, 17/02/2020 09:56 AM (GMT+7)

Các chuyên gia nhận định, tốc độ già hóa nhanh, tỷ trọng người cao tuổi ngày càng tăng đặt ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam. Nếu không có những chính sách, bước đi phù hợp, Việt Nam rất dễ rơi vào viễn cảnh “già trước khi giàu”.

gia-hoa-dan-so-2-copy-15816861481511905246507

Cần chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để thích ứng với già hóa dân số. Ảnh minh họa

Tốc độ già hóa của Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất thế giới

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), dân số toàn cầu đang già hóa, dân số trên 65 tuổi tăng nhanh nhất trong tất cả các nhóm dân số. Năm 2019, cứ 11 người thì có 1 người trên 65 tuổi (chiếm 9%). Đến năm 2050, tỷ lệ này tăng lên cứ 6 người thì có 1 người trên 65 tuổi (16%).

Bên cạnh đó, năm 2018, lần đầu tiên số người trên 65 tuổi vượt số trẻ em dưới 5 tuổi; số người trên 80 tuổi dự báo tăng gấp 3 lần, từ 143 triệu người năm 2019 lên 426 triệu người năm 2050. Già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu học lớn nhất trên hành tinh hiện nay.

Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 với tỷ trọng nhóm dân số trên 65 tuổi trở lên là 7%. Kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy, nhóm dân số này là 7,7%. Các nhà nhân khẩu học trong nước và quốc tế đều nhận định rằng, Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Nếu như ở các nước phát triển, quá trình chuyển đổi từ già hóa dân số sang dân số già phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm thì ở Việt Nam, dự báo con số này chỉ khoảng 17-20 năm.

Theo đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khoảng 70% người cao tuổi Việt Nam sống ở nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; trên 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa đầy 30% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội. Bên cạnh đó, theo các bác sĩ, đa phần người cao tuổi phải đối mặt với gánh nặng "bệnh tật kép", chủ yếu là các bệnh mãn tính không lây nhiễm như: Đái tháo đường, đột quỵ, tắc nghẽn mạch phổi, thoái hóa khớp, sa sút trí tuệ… phải điều trị lâu dài, thậm chí suốt đời.

Ngày 13/2, tại buổi làm việc với các chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, già hóa dân số cũng như công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là một trong những thách thức lớn mà Chính phủ Việt Nam đang phải đối mặt.

Các chuyên gia nhận định, tốc độ già hóa nhanh, tỷ trọng người cao tuổi ngày càng tăng đặt ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam từ vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe đến an sinh xã hội, việc làm cho người cao tuổi cũng như thiết kế cơ sở hạ tầng, xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi. Do đó, nếu không có những chính sách, bước đi phù hợp, Việt Nam rất dễ rơi vào viễn cảnh "già trước khi giàu".

Cần đầu tư thích đáng và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú, trước những thách thức của vấn đề dân số nói chung và già hóa dân số nói riêng, năm 2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 137/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, giao các bộ, ngành xây dựng các Đề án để cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết 21. Trong đó Bộ Y tế, trực tiếp là Tổng cục Dân số đang khẩn trương hoàn thiện Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 để trình Chính phủ phê duyệt.

Nội dung Đề án tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Đặt ra mục tiêu tăng tuổi thọ, nhất là tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam; tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân, đặc biệt trong đó hướng tới toàn bộ người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi ít nhất 1 lần/năm tại các tuyến xã/phường. Bên cạnh đó, tăng cường hệ thống y tế dự phòng, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở; thăm khám tại nhà, thí điểm mô hình bác sĩ gia đình; mở rộng hệ thống lão khoa; cán bộ khoa lão…

Tại cộng đồng, thực hiện các mô hình chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; đào tạo đội ngũ cộng tác viên dân số trở thành những người chăm sóc người cao tuổi không chính thức. Về vấn đề an sinh xã hội, tập trung khuyến khích người cao tuổi tham gia làm việc nếu có khả năng và nhu cầu đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm cho người cao tuổi…

Theo người đứng đầu ngành Dân số, trong quá trình xây dựng các Đề án nói chung và Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng, Tổng cục Dân số cũng gặp nhiều khó khăn nhất định. Đó là hiểu biết của người dân về già hóa dân số cũng như việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa toàn diện, cần sự hỗ trợ, đào tạo của WHO, nhất là những chuyên gia đến từ các nước đã có kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Bên cạnh đó, kinh phí Trung ương để xây dựng, hoàn thiện và đưa Đề án đi vào thực tiễn cuộc sống cũng bị cắt giảm rất nhiều, gây hạn chế việc mở rộng đối tượng tiếp cận của Đề án. Mặt khác, hiện nay, các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế hầu như không còn. Chính vì vậy, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh: "Với công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nếu không có sự đầu tư thỏa đáng, Đề án sẽ nằm trên giấy, khó đi vào thực tiễn".

Đào tạo ctv dân số chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Trên cơ sở những thách thức trên, tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của WHO cả về tinh thần lẫn vật chất trong công tác dân số nói chung cũng như việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số nói riêng. Theo đó, Tổng cục Dân số hy vọng WHO sẽ hỗ trợ về kỹ thuật trong việc cử chuyên gia tham gia xây dựng Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; hỗ trợ kinh phí thử nghiệm xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng tại một vài phường/xã phù hợp.

Đặc biệt, một vấn đề rất được Tổng cục trưởng quan tâm là việc đào tạo cộng tác viên dân số trở thành nhân viên chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng. Theo đó, ngành Dân số đang có đội ngũ cộng tác viên dân số tại các thôn, xóm, bản, làng. Đội ngũ này được xem là kênh truyền thông hiệu quả, là mắt xích quan trọng, góp phần làm nên thành công của công tác dân số vì họ là người luôn nắm vững địa bàn, thường xuyên tiếp cận, gần gũi người dân, vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách dân số.

 Do đó, cộng tác viên dân số hoàn toàn có thể trở thành đội ngũ nhân viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không chuyên hoặc bán chuyên tại các cộng đồng, nếu được đầu tư các khóa, buổi đào tạo về chuyên môn. Chính vì vậy, người đứng đầu ngành Dân số Việt Nam mong muốn WHO sẽ có những hỗ trợ ngành Dân số Việt Nam trong việc cử chuyên gia đến đào tạo, tập huấn hoặc tạo điều kiện cho các cán bộ làm công tác dân số được tham gia các khóa học để họ có chuyên môn trở thành nhân viên chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng.

Tại buổi làm việc, ông Hiromassa Okayasu, Điều phối viên về y tế và già hóa (WHO khu vực Tây Thái Bình Dương) cho biết, trong công tác chăm sóc người cao tuổi có 2 nội dung cốt lõi là: Dự phòng và quản lý các bệnh không lây nhiễm và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng. Theo đó, ông đánh giá cao những hướng đi của Tổng cục Dân số trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và rất sẵn lòng làm việc với Việt Nam để hoàn thiện Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 cũng như ứng phó với quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam.

Năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tổ chức hai sự kiện lớn của ASEAN. Sự kiện thứ nhất là Hội thảo về tăng cường phối hợp liên ngành trong chăm sóc người cao tuổi và bệnh tâm thần. Sự kiện thứ 2 là Diễn đàn ASEAN và các đối tác phát triển: Những trọng tâm ưu tiên của Dân số và Phát triển hướng đến thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Do đó, lãnh đạo Tổng cục Dân số Việt Nam mong muốn được phối hợp với WHO để có thể hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tài chính, cử chuyên gia tham gia báo cáo, trình bày tại hai sự kiện trên.

Theo Giadinhnet

Trần Thu Minh

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...