Cần thiết xây dựng dự thảo Luật Dân số

Thứ Tư, 29/04/2020 11:23 AM (GMT+7)

Bộ Y tế đang dự thảo dự án Luật Dân số nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của công tác dân số hiện nay và đáp ứng với yêu cầu của công tác dân số trong tình hình mới trên cơ sở kế thừa và phát triển Pháp lệnh Dân số.

luat-dan-so

Ảnh minh họa.

Bộ Y tế cho biết, trong những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể: Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so với mục tiêu đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,4 tuổi năm 2016, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người... Tuy nhiên, mức sinh giữa các vùng còn chệnh lệch đáng kể; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng; tỉ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao; tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với việc già hóa dân số; chất lượng dân số còn thấp; phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập…

Pháp lệnh Dân số (được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XI thông qua năm 2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XII sửa đổi Điều 10 năm 2008) là cơ sở pháp lý cao nhất của Nhà nước ta trong lĩnh vực dân số để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện, đã tạo nên sự chuyển biến tích cực, giúp ổn định quy mô dân số, đảm bảo cơ cấu dân số, từng bước nâng cao chất lượng dân số và phân bố dân cư hợp lý.

Tuy nhiên, Pháp lệnh Dân số có những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải điều chỉnh kịp thời, cụ thể như sau:

Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có nhiều quy định mới về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp năm 2013 quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2, Điều 14). Một trong những quy định liên quan trực tiếp đến quyền con người là quyền sinh sản, quyền được lựa chọn nơi cư trú được quy định tại Pháp lệnh Dân số không còn phù hợp với Hiến pháp, do đó cần phải có khung pháp lý ở cấp độ luật để quy định những vấn đề này.

Bên cạnh đó, một số quy định của Pháp lệnh Dân số chưa cụ thể, tính khả thi chưa cao; thiếu các quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong xã hội đối với việc giải quyết những vấn đề dân số, về đối tượng ưu tiên, mức ưu tiên và chính sách ưu tiên.

Hiện nay, có những thay đổi khác biệt về các vấn đề kinh tế, xã hội, dân số cần pháp luật điều chỉnh để giải quyết toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, đó là: (1) Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Khu vực kinh tế - xã hội nhiều khó khăn có mức sinh cao, có nơi rất cao, trong khi ở một số vùng đô thị, kinh tế - xã hội phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế; (2) Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng; (3) Yêu cầu phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng; (4) Già hóa dân số với tốc độ nhanh, đòi hỏi sự thích ứng của xã hội; (5) Phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập; (6) Chất lượng dân số còn thấp; (7) Các yếu tố dân số chưa được lồng ghép một cách hệ thống trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình nên nguồn vốn viện trợ cho lĩnh vực dân số bị cắt giảm mạnh, hoặc không còn nhận được hỗ trợ. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật cùng nhiều vấn đề xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả làm thay đổi cách thức quản lý về dân số và là những yếu tố cản trở mục tiêu công tác dân số.

Để thể chế hóa quan điểm trên của Nghị quyết số 21-NQ/TW, bên cạnh các công cụ quản lý khác như chính sách, kế hoạch, hành chính, tài chính…, cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Dân số nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của công tác dân số hiện nay và đáp ứng với yêu cầu của công tác dân số trong tình hình mới trên cơ sở kế thừa và phát triển Pháp lệnh Dân số. Từ các lý do trên đây cho thấy, việc xây dựng và ban hành Luật Dân số là hết sức cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết toàn diện công tác dân số, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Theo VGP News

Trần Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...