Cẩn trọng những chấn thương phức tạp ở người cao tuổi

Chủ Nhật, 19/01/2020 11:17 AM (GMT+7)

Người cao tuổi nếu bị đau sau chấn thương do gãy xương hoặc bị bệnh kéo dài, thường dẫn đến tình trạng trầm cảm, dễ giận hờn, bi quan, suy sụp, mất hi vọng vì bệnh tật và cảm thấy cô đơn, vô dụng.

chan-thuong-o-nguoi-cao-tuoi

Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận bệnh nhân 92 tuổi trong tình trạng vết thương vùng mặt phức tạp.

Theo người nhà chia sẻ, trước đó tại gia đình, cụ bà đang đi lại thì bị trượt ngã, sau đó cụ bị đau, chảy máu, rách da vùng mặt và được gia đình chuyển ngay đến bệnh viện cấp cứu.

Bệnh nhân nhập viện với vết thương vùng mặt phức tạp: Vết thương vùng mặt lóc da kéo dài từ trán xuống góc mi mắt trái với 2 vết rách kích thước 10x8cm và 8x8cm. Vị trí đụng dập, lóc da diện rộng, tụ máu dưới vạt da. Các bác sĩ đã tiến hành làm sạch, cắt lọc, khâu tạo hình vết thương.

Các bác sĩ cho biết: Chấn thương vùng mặt phức tạp như vậy thường do tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động. Nhưng trong trường hợp của bệnh nhân này thì chỉ trượt ngã đã gây ra tổn thương nghiêm trọng. 

Vì vậy, các gia đình cần cẩn trọng khi thời tiết thay đổi cùng với yếu tố tuổi cao - tiềm ẩn nguy cơ ngã là rất cao. Từ đó cần có biện pháp tránh để xảy ra những tổn thương phức tạp và nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe người cao tuổi.

Những vấn đề sau chấn thương

Người cao tuổi nếu bị đau sau chấn thương do gãy xương hoặc bị bệnh kéo dài, thường dẫn đến tình trạng trầm cảm, dễ giận hờn, bi quan, suy sụp, mất hi vọng vì bệnh tật và cảm thấy cô đơn, vô dụng. Bên cạnh đó là sự suy giảm chức năng hệ thần kinh trung ương như: bệnh lý mạch máu não, biến đổi kích thích tố, sang chấn tâm lý (stress), cũng như mất tế bào toàn thể dần dần, teo não, cùng với giảm lưu lượng máu trong não và tiêu thụ ôxy của não, giảm tổng hợp và tăng phá hủy những chất dẫn truyền thần kinh, đưa đến những bệnh như Parkinson, Alzheimer (sa sút trí tuệ). Sau chấn thương do gãy xương NCT thường không dám cử động do đau đớn, gây ứ đọng đờm nhớt, ứ trệ tuần hoàn phổi gây viêm phổi nặng dù được điều trị kháng sinh liều cao (nhất là bệnh nhân có bệnh phổi mạn trước đó). Đồng thời do không dám cử động, nằm tại chỗ lâu sẽ gây loét mục vùng tỳ đè, nếu kéo dài người bệnh sẽ tử vong trong đau đớn do nhiễm trùng.

Sau khi bị chấn thương gãy xương gây ra đau nên các bệnh tim tiềm tàng bùng phát, làm tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim không đáp ứng với thuốc điều trị, thậm chí khó kiểm soát được đường huyết. Sau gãy xương (nhất là gãy xương vùng háng – đùi) sẽ tạo ra cục máu đông sau chấn thương khoảng từ 6 – 12 giờ, chính những cục máu đông nhỏ này sẽ làm tắc mạch vành tim, mạch máu phổi, mạch máu não, gây nguy cơ tử vong như nhồi máu cơ tim (nếu phải nằm lâu). Ngoài ra ở NCT răng hư và/ hoặc rụng, cơ nhai bị teo, vị khứu giác đều giảm làm họ lười ăn và không ngon miệng, dạ dày tiết dịch và sức co bóp giảm, nhu động ruột kém, hoạt tính các men cũng giảm, thức ăn sau ăn chỉ hấp thu được khoảng 35%, dễ bị liệt ruột và táo bón sau chấn thương và nằm lâu. Chức năng gan giảm khoảng 40% về biến dưỡng đạm, đường và chất béo đều suy kém, tuyến tụy bị teo và xơ hóa dẫn đến mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), suy dinh dưỡng, thiếu năng lượng, chất đạm và sinh tố, đưa tới hậu quả loét da, suy kiệt và chậm lành vết thương.

Khối lượng máu toàn phần ở NCT cũng giảm do tủy xương sản xuất hồng cầu giảm, đồng thời khi bị gãy xương đã chảy máu làm số lượng hồng cầu càng giảm. Thận suy giảm chức năng theo tuổi, lưu lượng máu đến thận giảm phân nửa, vì vậy rất dễ suy thận. Thân nhiệt cũng giảm do điều hòa thân nhiệt trung ương kém và khối cơ bị teo, được thay thế bằng mô mỡ. Hoạt tính các hệ thống men trong chức năng chuyển hóa giảm, cùng với khả năng khử độc (gan và hệ thống võng nội mô) cũng như khả năng bài xuất (thận, mật) kém, dễ gây độc tính quá liều và tác dụng kéo dài của các thuốc ở nhóm tuổi này.

Tất cả những biến đổi nêu trên của NCT là nguy cơ cao gây ra hàng loạt biến chứng sau chấn thương gãy xương hoặc thoái hóa nặng các khớp lớn, trong khi đó hầu hết nhóm tuổi này đều có bệnh lý nội khoa (tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi,…), dùng thuốc điều trị giảm đau chỉ là tạm thời.

Vì vậy người bệnh nên sớm đến cơ sở y tế chuyên khoa để được chăm sóc và điều trị ổn định các bệnh lý nội khoa, điều trị đau và phẫu thuật xương gãy khi có thể. Nếu không phẫu thuật sau gãy xương (khi có chỉ định) thì nguy cơ tăng gấp bội lần và người bệnh phải chịu đau đớn trong suốt thời gian dài sau khi bị gãy xương cũng như hàng loạt các biến chứng sớm xảy ra và khó có thể cứu vãn được tình trạng sức khỏe

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...