Câu chuyện "đa màu" trong mức sinh ở Việt Nam

Thứ Sáu, 06/11/2020 09:59 AM (GMT+7)

13 năm qua, Việt Nam đã đạt và giữ vững mức sinh thay thế. Tuy nhiên bức tranh về mức sinh của cả nước có nhiều mảng màu khác biệt. Đây là thách thức, đòi hỏi những giải pháp linh hoạt.

Chênh lệch giữa mức sinh vùng cao nhất và vùng thấp nhất là 0,98 con 

Sở dĩ nói bức tranh chung về mức sinh cả nước có nhiều mảng màu khác biệt bởi dù nước ta đã khống chế tốc độ gia tăng dân số, đạt mức sinh thay thế hơn 13 năm qua, xu hướng sinh hai con ở Việt Nam là phổ biến, nhưng đến nay vẫn đang có mức sinh chênh lệch đáng kể.

Hiện vẫn còn 4/6 vùng kinh tế - xã hội chưa đạt được mức sinh thay thế, có nơi mức sinh rất cao dẫn tới quy mô dân số tiếp tục tăng nhanh. Trong khi ở một số vùng đô thị, vùng kinh tế phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp xa so với mức sinh thay thế.

4/6 vùng trên mức sinh thay thế bao gồm: Trung du miền núi phía Bắc là 2,48 con, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền trung là 2,30 con, Tây Nguyên 2,32 con, Đồng bằng sông Hồng 2,29 con. 2/6 vùng còn lại thì dưới mức sinh thay thế gồm Đồng bằng sông Cửu Long là 1,74 con và Đông Nam Bộ là 1,50 con. Chênh lệch giữa mức sinh vùng cao nhất (Trung du miền núi phía Bắc) và vùng thấp nhất (Đông Nam bộ) là 0,98 con.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, tính tổng tỷ suất sinh (TFR) trung bình năm năm gần đây, có 33 tỉnh có mức sinh hơn 2,2 con; 21 tỉnh có mức sinh dưới hai con và chỉ có 9 tỉnh, thành phố có mức sinh chung quanh mức sinh thay thế (từ 2 đến 2,2 con). 

Năm 2019, chênh lệch mức sinh giữa nơi cao nhất và nơi thấp nhất là 1,44 con, trong đó cao nhất Hà Tĩnh là 2,83 con, thấp nhất TP. HCM là 1,39 con. Nghĩa là số con của một phụ nữ ở Hà Tĩnh hơn gấp đôi TP HCM - nơi có dân số đông nhất và nền kinh tế năng động nhất cả nước.

Nơi có mức sinh thấp tiếp tục có xu hướng giảm sâu và ngày càng lan rộng. Trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, có một số tỉnh mức sinh ở mức rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền trung, có quy mô dân số là 37,9 triệu người chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước.

Các chuyên gia nhận định mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, cơ cấu dân số, an sinh xã hội, tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước. Nhiều dẫn chứng từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản... cho thấy điều đó.

khen-thuong-cac-cap-vo-chong-sinh-hai-con-gai

Xu hướng mức sinh tăng cao trở lại sau khi đạt mức thay thế xuất hiện ở nhiều tỉnh

Bên cạnh đó, xu hướng mức sinh tăng cao trở lại sau khi đạt mức thay thế đã xuất hiện ở nhiều tỉnh tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ. Hiện có 33 tỉnh có mức sinh cao, quy mô dân số là 39,8 triệu người, chiếm 41,4% dân số cả nước. Nhiều tỉnh ở nhóm này có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.

Đáng chú ý, một số tỉnh phía Bắc trước đây đã đạt mức sinh thay thế tăng rất cao trở lại như Tuyên Quang từ 2,05 con (năm 2008) lên 2,62 con (năm 2018), Phú Thọ từ 1,99 con (năm 2007) lên 2,66 con (năm 2018), Nam Định từ 1,76 con (năm 2012) lên 2,82 con (năm 2018), Hải Dương từ 1,95 con (năm 2017) lên 2,59 con (năm 2018).

Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục, làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của nhân dân của các địa phương này so với các khu vực khác.

Câu chuyện chênh lệch mức sinh ở các vùng miền trong cả nước không phải mới xuất hiện. Công tác Dân số (trong đó có vấn đề mức sinh) đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt với rất nhiều chủ trương, chính sách cũng như các văn bản định hướng, chỉ đạo thực hiện. Từ Nghị quyết 21-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, mới đây nhất là Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030"... vì mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo an sinh xã hội, sự phát triển bền vững của đất nước. 

Theo các chuyên gia, để duy trì mức sinh thay thế đúng theo tinh thần Nghị quyết 21; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và Quyết định số 588/QĐ-TTg, điều quan trọng nhất là người dân cần hiểu về ý nghĩa của thông điệp: "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con". 

Với những vùng có mức sinh cao, những nơi được coi là "lõi" của đói nghèo, cần tiếp tục cuộc vận động giảm sinh để bảo đảm ổn định cuộc sống, tập trung nuôi dạy các con cho tốt. Nhiệm vụ đặt ra là cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giữ mức sinh đồng đều giữa các vùng, khu vực và không để mức sinh "tụt" quá thấp, nhất là ở các tỉnh, thành đang có mức sinh thấp và có xu hướng tiếp tục giảm sinh.

Nguồn: GiadinhNet

Ánh Thuận

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...