789

Câu lạc bộ Tiền hôn nhân: "Chúng mình nói chuyện của chúng mình"

Thứ Sáu, 14/07/2017 12:00 AM (GMT+7)

Câu lạc bộ (CLB) Tiền hôn nhân (THN) là một mô hình kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân và cung cấp cho các bạn trẻ những kiến thức về cuộc sống gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm hạnh phúc gia đình. Nhận thấy lợi ích của mô hình này, hiện nay, các CLB THN được thành lập và hoạt động ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

 

Tự tin khi nhận thức đầy đủ về hôn nhân

Về số lượng, theo thống kê chưa đầy đủ, hầu như ở các địa phương đều có những CLB THN: Tại Đắk Lắk có 33 câu lạc bộ đang hoạt động ở 8 huyện, 39 xã, với 1.130 thành viên. Tỉnh Long An có 37 CLB THN được chọn làm điểm, đến nay, nâng lên hơn 50 CLB. Tại Hải Phòng, mô hình CLB này được triển khai tại 40 xã thuộc 14 quận, huyện với hơn 7.200 thành viên tham gia. Hiện nay, hoạt động của 142 câu lạc bộ với hình thức tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân được duy trì trên toàn thành phố...

Tại các tỉnh/thành phố khác, những CLB này cũng đã được thành lập với số lượng khác nhau phụ thuộc từng địa phương. Số lượng thành viên của các CLB khác nhau, nhưng trung bình có khoảng 15-20 người. Độ tuổi của thành viên các CLB có khác nhau, có nơi gồm những thanh niên từ 18 tuổi trở lên, có nơi lại thu hút cả thiếu niên từ 13 tuổi…

Nội dung sinh hoạt của CLB THN thường được thực hiện theo hai phương thức: Tuyên truyền, giáo dục đồng đẳng với phương châm “Chúng mình nói về chuyện của chúng mình”, chính các bạn trẻ nói về những vấn đề vướng mắc của mình; cùng nhau tìm hiểu, trao đổi để hiểu và thu nhận những kiến thức cần thiết. Phương thức này thường được thực hiện bằng cách lồng ghép các nội dung cần giáo dục trong các nội dung hoạt động của Đoàn Thanh niên.

Phương thức thứ hai là tuyên truyền giáo dục bởi các cơ quan chuyên trách, các chuyên gia. Mô hình này được hầu hết các CLB THN áp dụng: Cứ đến lịch sinh hoạt là các CLB THN lại mời cán bộ y tế, hoặc cán bộ dân số, chuyên gia tới trực tiếp nói chuyện về một chủ đề nào đó, rồi dành thời gian tư vấn, giải đáp thắc mắc của các bạn trẻ.

Anh Phạm Anh Tú, Bí thư Đoàn phường Phú Cát (TP Huế, Thừa Thiên Huế) cho biết: “Mỗi lần tổ chức sinh hoạt, chúng tôi thường lên facebook thông báo cho mọi người địa điểm, hoặc điện thoại trực tiếp về nội dung sinh hoạt, tuyên truyền trên loa phát thanh của phường để các bạn hiểu. Hiện tại, Đoàn phường có 15 chi đoàn dân cư. Chủ nhật hằng tuần, Chi đoàn thường xuyên tổ chức CLB “Kỹ năng sống” và lồng ghép tuyên truyền, không nên nạo phá thai ở tuổi vị thành niên”.

Chị Trương Thị Thanh Thùy - Chủ nhiệm CLB THN phường Cam Lộc (Cam Ranh, Khánh Hoà) cho biết, hoạt động CLB của phường được trẻ vị thành niên, thanh niên tham gia ngày càng nhiều. Khi mới thành lập CLB chỉ có 20 em tham gia, đến nay số thành viên đã tăng gấp đôi. Mỗi khi tổ chức sinh hoạt, các em luôn tham gia đầy đủ. Nội dung các em quan tâm là về bình đẳng giới; tình yêu, tình bạn tuổi học trò, tình dục an toàn, Luật Hôn nhân gia đình… Các bạn trẻ tham gia CLB THN có cơ hội mở rộng kiến thức, có thêm kỹ năng sống cho bản thân. Qua sinh hoạt, các bạn trẻ dần dần mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp cũng như có nhận thức đầy đủ về hôn nhân.

Luôn phải đổi mới hình thức để thu hút người trẻ

Với phương châm đến với người dân, những tư vấn viên này, ngoài những buổi nói chuyện chuyên đề và sinh hoạt CLB ra, còn đến từng nhà để tiếp cận, vận động. Không chỉ với các bạn trẻ, mà các thành viên CLB còn tuyên truyền cho các bậc cha mẹ những kiến thức cơ bản về chính sách dân số; về chăm sóc con cái và cách làm bạn với con trẻ tuổi vị thành niên; những vấn đề liên quan đến giáo dục và cách nuôi dạy con; định hướng cho con về kiến thức giới tính, dạy con cách chọn bạn... Nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, lĩnh vực hôn nhân - gia đình có nhiều phức tạp, thì các cán bộ chuyên trách và cộng tác viên là người địa phương, nên họ nắm bắt được những đối tượng, gia đình có ý định tảo hôn hoặc kết hôn cận huyết. Khi đó, họ kịp thời đến tận nhà khuyên nhủ, rồi vận động Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, chính quyền địa phương hoặc người có uy tín như già làng/trưởng bản giúp sức để đạt hiệu quả cao hơn.

Mặc dù kinh phí hỗ trợ triển khai ít ỏi, khoảng 60 triệu đồng/mô hình/năm, có những buổi sinh hoạt mỗi cán bộ chỉ nhận về 90.000 đồng/buổi nói chuyện, nhưng những cộng tác viên vẫn tận tụy duy trì các hoạt động tại các CLB. Nhờ có sự nhiệt tình và tâm huyết của các Ban chủ nhiệm và các cộng tác viên như thế, hoạt động của các CLB THN đã dần dần mang lại những kết quả thiết thực. Từ chỗ ngại ngùng, lảng tránh đề cập tới những vấn đề tế nhị, khó nói, khiến cho các buổi sinh hoạt của CLB THN mang tính hình thức, gượng gạo, dần dần, các bạn trẻ đã mạnh dạn hơn. Không chỉ các bạn trẻ, mà tại các buổi tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) và khám sức khỏe tiền hôn nhân cho đối tượng vị thành niên, thanh niên, còn có cả các bậc cha mẹ cũng có mặt để lắng nghe, tìm hiểu thêm về vấn đề này để giúp sức cho con cái. Có thể nói, các CLB đã thu hút được một lực lượng đông đảo các đối tượng quan tâm, lan toả ảnh hưởng của mình rộng rãi hơn trong cộng đồng, đặc biệt góp phần không nhỏ trong việc làm giảm tình trạng nạo phá thai, tình dục không an toàn, góp phần duy trì hôn nhân bền vững, gia đình hạnh phúc, nâng cao chất lượng dân số.

Thực tế hoạt động của các CLB này ở các địa phương còn đang gặp rất nhiều khó khăn: Thiếu kinh phí tổ chức các hoạt động sinh hoạt theo hình thức sân khấu hóa và chưa tạo sân chơi đúng nghĩa cho thanh thiếu niên; Việc sinh hoạt định kỳ cũng gặp trở ngại vì nhiều thanh niên làm việc theo ca hoặc đi làm ăn xa nên khó tham gia theo lịch cố định. Nhiều thanh thiếu niên vẫn chưa vượt qua được sự e ngại nên chưa mạnh dạn bày tỏsuy nghĩvà vướng mắc của mình, đặc biệt là nhiều em còn ngại đi khám sức khỏe... Để khắc phục tất cả những hạn chế đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của các CLB THN, cần thực hiện một số giải pháp như các CLB cần xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, phù hợp với năng lực của mình và tình hình thực tế tại địa bàn. Mỗi hoạt động cần có chỉ tiêu cụ thể. Các hoạt động của CLB cần được tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng để đỡ cứng nhắc, nhàm chán, và để dễ được tiếp nhận. Ví dụ, ngoài hình thức nói chuyện/tư vấn của cán bộ chuyên trách, có thể tổ chức các buổi hội thảo/tọa đàm để các bạn trẻ được trao đổi nhiều hơn. Bên cạnh đó, các hình thức cuộc thi, hỏi đáp, trò chơi mô phỏng các game show trên truyền hình sẽ là những sự kiện thu hút các bạn trẻ; Cần có những hoạt động bổ trợ xen kẽ với những nội dung chính để buổi sinh hoạt CLB không bị khô cứng. Các trò chơi, chương trình văn nghệ… sẽ tạo không khí sinh động và gắn kết, giúp các bạn trẻ gần gũi nhau hơn, cởi mở chia sẻ những vấn đề của mình.

Là một mô hình tổ chức tự nguyện, CLB sẽ khó hoạt động được nếu không biết dựa vào các cơ quan, đoàn thể tại địa phương. UBND phường/xã hoặc quận/huyện cần có sự ủng hộ về chủ trương và thủ tục hành chính; hỗ trợ về địa điểm, cơ sở vật chất và kinh phí (nếu có thể). Các CLB cũng đang rất cần sự phối hợp của Ban Dân số- Kế hoạch hóa gia đình để có chuyên gia “ruột” sẵn sàng tư vấn, giải đáp thắc mắc trong các buổi sinh hoạt CLB; nhiệt tình hỗ trợ về chuyên môn cho các hoạt động khác khi cần thiết. Các tổ chức chính trị- xã hội tại địa phương cũng là những đối tác hữu ích cũng cần hỗ trợ cho các CLB… Và cuối cùng, không thể quên việc phối hợp với bệnh viện đa khoa các huyện hoặc thành phố để tổ chức những cuộc khám sức khoẻ định kỳ và kiểm tra SKSS cho thanh niên trước lúc kết hôn.

Theo báo Văn hóa

 

 

System

Cùng chuyên mục

Nhân ngày tránh thai thế giới 26/09, cùng tìm hiểu về màng phim tránh thai

Màng phim tránh thai VCF (còn gọi là film tránh thai hay màng tránh thai) là lựa chọn biện pháp tránh thai. Nhưng màng phim...

Để cuộc nói chuyện về giới tính với con trở nên tinh tế

Giáo dục giới tính cho trẻ giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, có khả năng tránh khỏi nhiều nguy cơ xấu. Song trong...

Những sai lầm của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ

Xung quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ, bản thân cha mẹ vẫn có những hiểu nhầm, từ đó việc làm thế nào...

Con xuất hiện xu hướng đồng tính, phụ huynh cần làm gì?

Mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tính dục. Các...