Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi

Thứ Tư, 28/11/2018 10:40 AM (GMT+7)

Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên, thanh niên ở nước ta đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên, thanh niên ở nước ta đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác này vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi cần phải có những nhóm giải pháp đồng bộ và sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng.Nhiều “khoảng trống” trong chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên

Hiện nay, vị thành niên, thanh niên nước ta (nhóm dân số từ 10-24 tuổi) chiếm khoảng hơn 22% dân số, là lực lượng xã hội hùng hậu, có tiềm năng to lớn, xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi. Vấn đề SKSS vị thành niên, thanh niên được Bộ Y tế xác định là một nội dung ưu tiên trong Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

suc-khoe

Tuy nhiên, trên thực tế, vị thành niên, thanh niên Việt Nam hiện nay đã có sự thay đổi về tập quán và văn hóa, như lập gia đình ở độ tuổi muộn hơn và gia tăng quan hệ tình dục trước hôn nhân. Do đó, dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền giáo dục, song tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV ở vị thành niên, thanh niên vẫn có xu hướng gia tăng, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu các khu công nghiệp tập trung. Quan hệ tình dục và mang thai ở tuổi vị thành niên rất nguy hiểm, dẫn đến các hệ lụy, hậu quả nghiêm trọng.

Trong các điều tra về thanh thiếu niên Việt Nam cho thấy, nhóm dân tộc thiểu số kết hôn sớm hơn 6 lần so với dân tộc Kinh (8,4% so với 1,4%) và cao hơn trung bình cả nước 3,5 lần (2,5%). Tỷ lệ từng kết hôn trong nhóm vị thành niên từ 15-19 tuổi là 2,6%. Điều tra Quốc gia về SKSS và tình dục năm 2015 do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc thực hiện chỉ ra tuổi trung bình lần quan hệ tình dục đầu tiên của các đối tượng điều tra là 18,7 tuổi, khá sớm so với sự phát triển hoàn thiện về thể chất, nhất là ở nữ giới.

Bên cạnh đó, kiến thức, kỹ năng cơ bản về bảo vệ, chăm sóc SKSS của vị thành niên, thanh niên còn nhiều hạn chế. Theo số liệu của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), tỷ lệ mang thai ở vị thành niên tại Việt Nam có giảm đôi chút trong những năm gần đây nhưng vẫn ở mức cao và rất đáng lo ngại. Năm 2010, mang thai ở vị thành niên chiếm 3,24%; năm 2012, con số này tăng lên 3,39% và giảm xuống 2,66 % năm 2015.

Một nghiên cứu trên đối tượng nữ công nhân di cư ở tuổi thanh niên năm 2015 cũng cho thấy, tỷ lệ không sử dụng biện pháp tránh thai chiếm 27,8%. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là tình trạng sử dụng biện pháp tránh thai không thường xuyên trong quan hệ tình dục rất cao. Thiếu kiến thức toàn diện và chính xác về HIV/AIDS, bệnh lây truyền qua đường tình dục và mang thai là kết quả đáng quan tâm ở nữ thanh niên là lao động di cư.

Mặc dù đã có các chương trình sức khỏe vị thành niên, thanh niên trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong các chương trình, được phản ánh qua kết quả các chỉ số về kiến thức, thực hành SKSS và tình dục của vị thành niên, thanh niên. Hơn nữa, vị thành niên, thanh niên vẫn gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS và tình dục đảm bảo chất lượng. Chẳng hạn, các dịch vụ KHHGĐ hiện nay tập trung chủ yếu vào những người đã kết hôn. Việc cung cấp thông tin, dịch vụ thân thiện về SKSS chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của vị thành niên, thanh niên. Vẫn còn nhiều khoảng trống trong công tác cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục cho thanh niên và vị thành niên.

Chú trọng đầu tư vì tương lai giống nòi

Trên thực tế, sự phát triển của xã hội cũng đồng thời tạo ra những thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc SKSS. Vị thành niên/thanh niên được coi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và trở thành nhóm mục tiêu của các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về SKSS ở Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, xóa bỏ được những khoảng trống trong chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên có thể mang lại lợi ích cho vị thành niên, thanh niên, nhất là nhóm đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, hiện đang sinh sống tại các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Đầu tư vào chăm sóc sức khỏe và phát triển cho vị thành niên, thanh niên sẽ giúp quốc gia gặt hái được nhiều lợi ích kinh tế, xã hội to lớn và lâu dài.

Theo đó, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách mang tính chiến lược như Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới, Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em (năm 2014), Luật Thanh niên (năm 2005), Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020… nhằm thực hiện mục tiêu “Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có đạo đức cách mạng, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa; có trình độ học vấn, nghề nghiệp và việc làm; có văn hóa, sức khỏe, kỹ năng sống và ý chí vươn lên; xung kích, sáng tạo làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến; hình thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành, của gia đình và toàn xã hội, vị thành niên, thanh niên Việt Nam đã có những bước phát triển khá toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đã và đang đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 906/QĐ-BYT ngày 15/3/2017 phê duyệt Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2016-2020, đồng thời phối hợp với Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… triển khai chương trình Giáo dục DS/SKSS, giới và bình đẳng giới trong nhà trường; các mô hình “Góc thân thiện cho thanh niên công nhân” tại các khu công nghiệp; “Góc thân thiện cho học sinh” trong các nhà trường phổ thông; “Kịch tương tác cho vị thành niên, thanh niên”; mô hình “Nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc SKSS trong công nhân lao động”… Các hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức của vị thành niên, thanh niên về sự cần thiết của việc chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục cho bản thân.

Để thiết thực hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia về Dân số và ngày Dân số Việt Nam năm nay với chủ đề: “Chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi”, bộ máy làm công tác dân số ở các cấp cần tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục theo chuyên đề tại địa bàn; tăng cường lồng ghép giữa truyền thông và cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe nhân các chiến dịch; chú trọng mở rộng đối tượng vận động là cha mẹ, ông bà… để giáo dục, động viên con em trong việc chủ động tham gia tư vấn và khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ; các cấp, các ngành, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đồng hành cùng công tác dân số; tích cực phối hợp, tham gia và động viên mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng.

Bên cạnh đó, cổ vũ và tạo mọi điều kiện để vị thành niên, thanh niên tích cực học tập, lao động, chủ động tham gia các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe nói chung, SKSS, sức khỏe tình dục lành mạnh nói riêng; đảm bảo để vị thành niên, thanh niên được quan tâm chăm lo toàn diện và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, Chính phủ các nước về tài chính và kỹ thuật về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nói chung và SKSS nói riêng để vị thành niên, thanh niên Việt Nam sẽ là nguồn nhân lực chất lượng đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới.

Phạm Huyền

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...