Chế độ ăn của các mẹ bầu chuẩn nhất theo từng tháng

Thứ Tư, 04/11/2020 08:56 PM (GMT+7)

Bà bầu cần có chế độ ăn chuẩn để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và giúp thai nhi có sự phát triển tốt nhất.

Khi bước vào giai đoạn mang thai, nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu sẽ tăng cao. Chính vì vậy việc bổ sung dinh dưỡng lúc này là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo cho em bé có thể phát triển một cách toàn diện nhất thì cần có một chế độ ăn hợp lý, chi tiết.

Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho bà bầu theo từng tháng

Chắc hẳn mẹ nào cũng sẽ quan tâm đến dinh dưỡng ngay từ khi bắt đầu thai kỳ, thế nhưng không phải mẹ bầu nào cũng biết mình nên ăn những gì, nên ăn bao nhiêu, hay ăn với khẩu phần như thế nào để thai nhi nhận được đủ chất. Do vậy, hãy tìm hiểu những thông tin về chế độ dinh dưỡng cho bà bầu theo từng giai đoạn của thai kỳ sau đây:

Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong tam cá nguyệt thứ nhất

Mang thai 3 tháng đầu là thời kỳ quan trọng và phức tạp nhất. Thời điểm này, thai nhi trong bụng mẹ mới bắt đầu hình thành nên chế độ dinh dưỡng cho bà bầu đóng một vai trò rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự hoàn thiện của bào thai.

Theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng thì trong tam cá nguyệt thứ nhất, mẹ bầu cần dung nạp khoảng 200 – 300kcal mỗi ngày. Giai đoạn này, mẹ bầu chưa phải tẩm bổ quá nhiều vì bào thai vẫn còn nhỏ chưa thể hấp thu nhiều dưỡng chất. Mẹ bầu chỉ cần duy trì mức năng lượng như thông thường để hạn chế mệt mỏi và nâng cao vi chất cho cơ thể, giúp bé cưng giảm thiểu nguy cơ dị tật bẩm sinh. Dưới đây là một số vi chất mẹ bầu cần cung cấp trong giai đoạn đầu mang thai:

Bổ sung axit folic (vitamin B9)

Axit folic rất quan trọng trong giai đoạn đầu. Đây là loại dưỡng chất giúp ngăn ngừa 70% nguy cơ khuyết tật ống thần kinh, gây ra các dị tật bẩm sinh như nứt đốt sống, vô sọ, não úng thủy, sứt môi, hở hàm ếch… Do đó, ở giai đoạn này, mẹ bầu được khuyên nên bổ sung khoảng 600mcg axit folic mỗi ngày và tăng cường thực phẩm giàu axit folic như: Gan động vật, thịt gia cầm, ngũ cốc, rau màu xanh đậm (rau dền, củ cải, bông cải…), đậu Hà Lan, đậu nành, cà rốt, cà chua, chuối, cam, quýt, bưởi...

Sắt

Khi mang thai, nhu cầu sắt của bà bầu tăng cao. Bình thường, nhu cầu sắt của chị em là 5mg và lượng này có thể bổ sung từ các loại thực phẩm hàng ngày như các loại thịt đỏ, các loại hạt, rau xanh đậm màu hoặc đậu phụ. Tuy nhiên, trong giai đoạn mang thai, nhu cầu sắt sẽ tăng lên 25mg/ngày. Vì vậy, bên cạnh chế độ dinh dưỡng giàu sắt, thai phụ còn cần bổ sung thêm viên sắt theo chỉ định của chuyên gia.

che-do-dinh-duong-cho-ba-bau-theo-tung-thang3

Vitamin B12

Ngoài axit folic, thiếu hụt vitamin B12 trong giai đoạn đầu mang thai cũng dễ dẫn đến nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh liên quan đến ống thần kinh. Để bổ sung vitamin B12, mẹ bầu có thể bổ sung thêm cá hồi, cá ngừ, trứng, sữa, thịt bò, hạt điều, hạt hạnh nhân, bông cải xanh, kiwi, xoài… vào thực đơn ăn uống hàng ngày của mình.

Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong tam cá nguyệt thứ hai

3 tháng giữa thai kỳ là khoảng thời gian dễ chịu nhất trong hành trình mang thai, bởi đa phần các mẹ bầu sẽ không còn cảm giác bị ốm nghén hành hạ nên việc ăn uống sẽ dễ dàng hơn. Về phần thai nhi, nhu cầu dinh dưỡng sẽ tăng lên vượt trội để phục vụ quá trình tăng trưởng. Do vậy, muốn đáp ứng nhu cầu của thai nhi, mẹ nên tăng khoảng 300kcal trong khẩu phần ăn hàng ngày của mình.

Một số nhóm chất cần có trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu ở tam cá nguyệt thứ hai được các chuyên gia khuyến cáo nên bổ sung là:

Nhóm chất bột: Gạo, mì, ngô, khoai, sắn…

Nhóm chất đạm: Thịt, cá, trứng, tôm cua, đậu đỗ…

Nhóm chất béo: Dầu mỡ, vừng, lạc, hạt óc chó, hạt hạnh nhân…

Nhóm chất xơ, vitamin và khoáng chất: Ngũ cốc, rau xanh, các loại củ và trái cây chín…

Ngoài ra, trong thời kỳ tam cá nguyệt thứ hai, mẹ bầu cũng được khuyên nên tăng cường thêm 1000 – 1200mg canxi để đáp ứng nhu cầu phát triển hệ xương của bé.

che-do-dinh-duong-cho-ba-bau-theo-tung-thang

Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong tam cá nguyệt thứ ba

Bước vào tam cá nguyệt thứ 3, mẹ không cần thiết phải ăn quá nhiều nhưng vẫn phải đảm bảo cân đối giữa các nhóm dưỡng chất (chất đạm, chất béo, chất bột đường, chất xơ, vitamin và khoáng chất). Giai đoạn cuối này chính là thời kỳ nước rút trong sự phát triển của thai nhi, vì vậy, mẹ cần tập trung ưu tiên vào các thực phẩm lành mạnh để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển toàn diện của bé yêu. Ngoài ra, trong tam cá nguyệt cuối này, mẹ cũng nên chú ý tăng cường nhiều axit béo omega-3 và choline – “chìa khóa” giúp trí não và hệ thần kinh của bé phát triển tốt nhất.

Đây là thời điểm các mẹ bận rộn với việc chuẩn bị cho bé chào đời. Do đó, mẹ bầu không nên lơ là việc ăn uống. Theo đó, các mẹ cần tiêu thụ thêm nhiều thực phẩm giàu canxi để giúp xương chắc khỏe, bổ sung rau xanh, trái cây ngăn ngừa táo bón.

Những thực phẩm cần tránh trong 9 tháng thai kỳ

Dù đang ở giai đoạn nào của hành trình mang thai, mẹ bầu đều nên tránh những thực phẩm không lành mạnh, gây hại cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, như:

Thịt tái, sống: Thịt tái, sống hoặc chưa nấu chín có thể chứa toxoplasma và một số loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây nguy hiểm cho thai nhi.

Khoai tây mọc mầm: Ăn khoai tây mọc mầm có thể khiến mẹ bầu đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy trong trường hợp nhẹ và ngộ độc trong trường hợp nặng hơn.

Sữa chưa được tiệt trùng: Sữa chưa được tiệt trùng có thể chứa nhiều vi khuẩn gây hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhi, tiêu biểu như Listeria gây ngộ độc thức ăn.

Chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá, cà phê… là những thứ mẹ bầu nên tránh xa dù ở bất cứ thời điểm nào trong quá trình mang thai.

Một số rau quả gây nguy hiểm cho thai nhi: Trong thời kỳ mang thai, chế độ dinh dưỡng cho bà bầu phải hết sức lưu ý, bởi một số loại thực phẩm có thể gây nguy hiểm cho thai nhi, như đu đủ xanh, dứa, rau răm, rau má, rau sam, cam thảo...

Hạn chế đồ ngọt: Quá nhiều đồ ngọt sẽ khiến cho mẹ bầu tăng cân không kiểm soát, dễ gây tiểu đường thai kỳ và tăng nguy cơ sinh mổ. Do đó, dù không nhất thiết phải kiêng tuyệt đối đồ ngọt nhưng trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu thì đồ ngọt nên được hạn chế.

che-do-dinh-duong-cho-ba-bau-theo-tung-thang2

Ngoài ra, một số lời khuyên các chuyên gia dinh dưỡng dành cho bạn là:

– Cố gắng chia nhỏ các bữa ăn và ăn thường xuyên hơn để tránh cảm giác đói cồn cào.

– Lưu ý tới khẩu phần ăn, nhai chậm và cho cơ thể của bạn có thời gian để tiêu hóa thức ăn.

– Bổ sung nhiều loại trái cây và rau củ để cung cấp chất dinh dưỡng, nước và chất xơ ít calo hơn.

– Nên ăn các loại thực phẩm có chất lượng tốt hơn và điều chỉnh lượng ăn uống dựa trên mức độ hoạt động.

Nói tóm lại, chế độ dinh dưỡng cho bà bầu lành mạnh, phù hợp có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Vì thế, việc thực hiện chế độ dinh dưỡng như thế nào cần được chú trọng, giúp mẹ luôn khỏe mạnh, bé phát triển toàn diện.

Ngoài một chế độ ăn uống hợp lý thì lời khuyên các chuyên gia dành cho bạn là nên kết hợp bổ sung thêm các sản phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất, giúp đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho mẹ và bé, đảm bảo sự phát triển của thai nhi.

Ánh Thuận

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....