789

Chi phí điều trị bệnh cấp tính cho người cao tuổi gấp 10 lần người trẻ

Chủ Nhật, 27/01/2019 08:51 PM (GMT+7)

Cùng lúc, người cao tuổi mắc nhiều bệnh với chi phí điều trị cao, thời gian phải nằm viện lâu hơn... Trong đó các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và khó khăn cho công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Empty

Tại Việt Nam, nhờ những thành quả tích cực của phát triển kinh tế, chăm sóc y tế và phúc lợi xã hội, tuổi thọ người dân và tỷ lệ người cao tuổi gia tăng nhanh chóng.

Tuy nhiên, việc tăng quá nhanh số người cao tuổi đang là thách thức đối với hệ thống y tế khi đối mặt với việc phải bảo đảm quyền, khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và an toàn cho người cao tuổi.

Việt Nam hiện có 67% người cao tuổi sống trong tình trạng sức khoẻ kém, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi lại đối mặt với muôn vàn khó khăn. Trong đó, dự phòng rủi ro bệnh tật, nâng cao kỹ năng dự phòng rủi ro bệnh tật cho người cao tuổi và gia đình là vấn đề quan trọng và cần được quan tâm thỏa đáng.

Tại buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Dự phòng rủi ro bệnh tật và Nâng cao kỹ năng dự phòng rủi ro bệnh tật cho người cao tuổi và gia đình” do Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế) phối hợp cùng Báo Gia đình & Xã hội tổ chức sáng 7/11, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng khoa Nội tiết - Cơ xương khớp (Bệnh viện Lão khoa Trung ương), thông tin:"Đối với các bệnh lý cấp tính phải vào viện, hoặc các rủi ro cấp tính phải nằm viện, thông thường chi phí thường rất gấp 10 lần so với người trẻ tuổi".

Vì sao chi phí lớn?

Theo PGS.TS Kim Thanh, đó là vì cùng lúc, người cao tuổi thường mắc rất nhiều bệnh (thường 3-5 bệnh mãn tính), sự lựa chọn, cân nhắc điều trị cho người cao tuổi chi phí nhiều. Cùng đó, thời gian cho người cao tuổi nằm viện lâu hơn.

Theo nghiên cứu, các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi chủ yếu là các bệnh mãn tính, phải điều trị kéo dài, thậm chí suốt đời, cần một khoản chi phí khá lớn. Tuy nhiên, hiện nay, không phải người cao tuổi nào cũng tham gia Bảo hiểm y tế, trừ những đối tượng được nhà nước hỗ trợ.

Theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, đối với người cao tuổi, việc chăm sóc sức khoẻ rất quan trọng, nguồn bảo hiểm khá hữu hiệu cho chăm sóc sức khoẻ bản thân. Tuy nhiên, với người không có BHYT, phải đối diện với vô vàn khó khăn trong quá trình điều trị bệnh.

BS Thanh cho hay, tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương và các viện khác, người cao tuổi gặp nhiều loại bệnh. Để quản lý tốt, giảm bớt rủi ro tài chính, chi phí gánh nặng cho người cao tuổi, Bộ Y tế có những hướng dẫn quản lý bệnh mãn tính theo các chương trình (tăng huyết áp, đái tháo đường, Parkinson, sa sút trí tuệ, mãn tính tuyến giáp, sức khoẻ tâm thần…) .

Empty

Theo PGS. TS Thanh, những bệnh này từ khi phát hiện và sau đó phải dùng thuốc định kỳ, nếu không có bảo hiểm thì người bệnh phải tự chi trả những chi phí đó. Đó thực sự là một gánh nặng kinh tế với người cao tuổi vì lúc đó, sức khoẻ của họ không đủ nhiều để làm ra nguồn kinh tế đáp ứng, đối phó với bệnh mãn tính.

“Vì vậy, chúng ta nên khuyến cáo người cao tuổi, cả người trẻ tuổi phải mua BHYT từ lúc trẻ, đó là nguồn dự trữ sẵn để đảm bảo chăm sóc sức khoẻ” – PGS.TS Kim Thanh khuyến cáo. Các chuyên gia tham dự toạ đàm cũng cho rằng, đó là cách để người cao tuổi nói riêng, người dân nói chung dự phòng cho mình những rủi ro bệnh tật xét ở góc độ tài chính, kinh tế.

Cũng theo vị chuyên gia này, ở các nước phát triển, ngoài BHYT, còn có bảo hiểm chăm sóc. Ở Nhật Bản, từ năm 40 tuổi, người dân đã bắt đầu nộp bảo hiểm đó rồi để tích trữ trong 20-30 năm khi lớn tuổi, có nguồn khám chữa bệnh riêng và nguồn chăm sóc người lớn tuổi khi không tự chăm sóc được khi về già.

Tỷ trọng các bệnh lý không lây nhiễm người cao tuổi Việt Nam thường gặp như thế nào?

Đánh giá về tình hình bệnh tật người cao tuổi Vệt Nam thường gặp hiện nay, TS Chu Minh Hà (Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện E) cho hay, cùng xu thế phát triển xã hội, lối sống, môi trường, già hoá dân số, tỷ trọng các bệnh lý người cao tuổi thường gặp cũng thay đổi.

Trong đó, các bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ lớn. Các bệnh này gây tỉ lệ tử vong cao, để lại nhiều di chứng, gánh nặng cho gia đình, xã hội với 4 nhóm bệnh chính.

 49,7% người cao tuổi mắc các bệnh lý cơ xương khớp (loãng xương, viêm khớp, gout…). Bên cạnh đó, khoảng 25% người trên 60 tuổi mắc bệnh lý tim mạch, nổi bật là tăng huyết áp với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ lệ mắc phải. Năm 2017, điều tra cho thấy, con số này đã lên gần 41%. Nghĩa là cứ 10 người trên 60 tuổi thì 4 người mắc tăng huyết áp.

“Bệnh này có diễn biến thầm lặng, nhiều người không hề biết mình bị bệnh đến khi có tai biến mới biết mình mang bệnh. Điều này khiến tỉ lệ tử vong vì bệnh này cao” – TS Chu Minh Hà nói.

Ngoài ra, có tới 25% người cao tuổi mắc đái tháo đường. Bệnh này khi kèm tăng huyết áp, trong nhóm bệnh rối loạn chuyến hoá gây nhiều biến chứng nặng nề (võng mạc, động mạch vành, gây tàn phế…).

Tại Việt Nam, 24% người cao tuổi sống chung với ung thư. Với nữ giới là ung thư buồng trứng, tử cung, phần phụ, còn với nam giới là phổi, tiêu hoá, tiền liệt tuyến… Các bệnh lý hô hấp người cao tuổi cũng hay mắc phải như: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản… cũng chiếm tới 11%.

Bên cạnh đó, theo TS Chu Minh Hà, với người cao tuổi, khi sức khoẻ, đề kháng, miễn dịch suy giảm, cũng rất hay mắc các bệnh lý nhiễm trùng như: Viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, tiêu hoá.

Phạm Huyền

Cùng chuyên mục

Nhân ngày tránh thai thế giới 26/09, cùng tìm hiểu về màng phim tránh thai

Màng phim tránh thai VCF (còn gọi là film tránh thai hay màng tránh thai) là lựa chọn biện pháp tránh thai. Nhưng màng phim...

Để cuộc nói chuyện về giới tính với con trở nên tinh tế

Giáo dục giới tính cho trẻ giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, có khả năng tránh khỏi nhiều nguy cơ xấu. Song trong...

Những sai lầm của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ

Xung quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ, bản thân cha mẹ vẫn có những hiểu nhầm, từ đó việc làm thế nào...

Con xuất hiện xu hướng đồng tính, phụ huynh cần làm gì?

Mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tính dục. Các...