Chọn thuốc trị ngứa ở người cao tuổi

Thứ Bảy, 09/03/2019 08:51 PM (GMT+7)

Vào mùa hè, do thời tiết nắng nóng nên nhiều người cao tuổi hay bị ngứa ngáy, khó chịu. Vậy khi bị ngứa người cao tuổi cần phải dùng thuốc như thế nào?

Khi bị ngứa người ta thường hay có phản xạ tự nhiên là gãi, chính phản xạ này đã làm cho bệnh nặng thêm, gãi nhiều gây xước da, dẫn đến chảy máu. Nếu những tổn thương này nặng hơn do gãi ngứa nhiều sẽ dẫn đến mưng mủ, bội nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân.

Vì sao vào mùa hè người cao tuổi thường hay bị ngứa?

Theo PGS. TS. BS. cao cấp Nguyễn Duy Hưng, Tổng Thư ký Hội Da liễu Việt Nam, vào mùa hè do côn trùng phát triển nhiều, người cao tuổi dễ bị côn trùng đốt gây ngứa; hoặc người cao tuổi (nhất là nữ) thường làm nội trợ, tiếp xúc với các loại hóa chất trong các loại nước tẩy rửa như nước rửa bát, nước giặt, nước lau sàn, nước cọ toa lét... gây viêm da tiếp xúc; hoặc khi đi tập thể dục họ bị dị ứng với phấn hoa, cây cỏ... khiến họ có phản ứng ngứa. Một số bệnh nhân eczema có xu hướng tăng nặng vào mùa hè nên họ bị ngứa nhiều. Một số bệnh lý nội khoa như các bệnh về gan, thận... gây ngứa do khả năng chống độc kém. Hơn nữa, người cao tuổi thường bị nhiều bệnh lý khác như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... những bệnh lý này cũng có thể gây ngứa. Đồng thời thuốc điều trị các bệnh lý này cũng là một trong những tác nhân gây ngứa. Bên cạnh những phản ứng ngứa đơn thuần, không đặc hiệu thì những phản ứng ngứa đặc hiệu do việc sử dụng thuốc gây ra một số bệnh lý ở da như hồng ban cố định nhiễm sắc, hồng ban đa dạng, ban đỏ dị ứng do thuốc, mề đay do thuốc...

M-ngua-da-anh-huong-chat-luong-song-nguoi-cao-tuoi

Thêm vào đó, do cấu trúc da của người cao tuổi lớp ceramic - lớp bảo vệ da sinh học bị mất đi theo thời gian, da không còn mỡ màng nữa, các mạch máu, thần kinh nuôi dưỡng da cũng bị giảm nhiều so với thời trẻ; các chất cơ bản của da như collagen, sợi chun... cũng teo mỏng, làm tăng khả năng mất nước qua da, khiến da người cao tuổi khô hơn nên gây ngứa.

Khi bị ngứa người cao tuổi nên dùng thuốc gì? 

PGS. TS. Nguyễn Duy Hưng cho biết, khi bị ngứa da, trước tiên người cao tuổi cần phải bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên. Lớp kem này không những bảo vệ da mà còn làm cho lớp ceramic của da không bị mất nước qua da nhiều. Cần chú ý dùng các loại kem dưỡng ẩm tốt và phù hợp với lứa tuổi, cũng như loại da (da khô, da dầu, da hỗn hợp, da nhạy cảm). Trước khi dùng, cần thử một chút ra mặt trong của cẳng tay để xem có bị dị ứng không rồi mới bôi toàn thân và vào chỗ ngứa. Chú ý chỉ bôi một lớp mỏng để kem thẩm thấu tốt, không nên bôi quá dày vừa lãng phí vừa cản trở sự hô hấp của da.

Thứ hai là phải uống nước đầy đủ. Người cao tuổi thường có tâm lý ngại uống nước do sợ phải đi tiểu nhiều. Tuy nhiên, nếu không bồi phụ đủ nước thì bệnh ngứa không thể thuyên giảm được. Mỗi ngày người cao tuổi cần uống từ 2 - 2,5 lít nước thông qua việc uống các loại nước, nước lọc, nước quả ép, trà..., ăn chất lỏng như cháo, súp, chè..., ăn các loại hoa quả tươi và rau cỏ...

Thứ ba, khi bị ngứa người cao tuổi cần phải dùng thuốc kháng histamin chống ngứa theo chỉ định của bác sĩ da liễu. Về cơ bản các thuốc chống ngứa cho người cao tuổi không khác so với người trẻ. Tuy nhiên, các cụ nên dùng các thuốc kháng histamin thế hệ sau, vì những thuốc này vừa có khả năng chống ngứa lại không gây buồn ngủ, không gây mỏi mệt như cetirizin, loratadin... so với các thuốc kháng histamin thế hệ trước (clorpheniramin, promethazin...).

Bôi thuốc có corticoid trong các trường hợp bị eczema, viêm da tiếp xúc dị ứng cần có chỉ định của bác sĩ và bôi trong thời gian ngắn, thường 1-2 tuần.

Ngoài việc dùng thuốc kháng histamin các cụ có thể dùng một số thuốc khác như thuốc chống độc, thải độc như atisô, các thuốc tiêu độc... Các thảo dược này có tác dụng thải độc và giảm ngứa.

Tăng cường các loại vitamin như vitamin A, C, E, vitamin nhóm B... theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Các loại vitamin này có tác dụng tái tạo và nuôi dưỡng da, vì vậy giúp giảm ngứa.

Do chức năng gan, thận kém nên khi dùng thuốc chống ngứa người cao tuổi cần phải hết sức thận trọng: Chỉ dùng thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Và một điều cần đặc biệt lưu ý là khi bị ngứa cần đi khám chuyên khoa da liễu để tìm đúng nguyên nhân gây ngứa, từ đó mới điều trị đúng bệnh, tránh chữa mầy mò không những gây tổn hại cho sức khoẻ mà bệnh còn không thể khỏi được.

Ngọc933

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...