Chương trình kết hợp quân dân y ở vùng núi, hải đảo đã hiệu quả như thế nào?

Thứ Tư, 14/10/2020 08:13 AM (GMT+7)

Việc kết hợp quân dân y để chăm sóc bảo vệ sức khỏe là chủ trương của Nhà nước và đã mang lại những hiệu quả to lớn.

Những năm qua, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình kết hợp quân dân y để chăm sóc sức khỏe toàn dân một cách tốt nhất. Tuy chương trình cũng gặp khá nhiều khó khăn do việc đi lại, thiếu thốn cơ sở vật chất nhưng cũng đã mang lại những hiệu quả cao.

Thực trạng chương trình triển khai

Trên thực tế, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, hải đảo là những nơi có điều kiện tự nhiên phức tạp, có nhiều khó khăn về kinh tế, văn hoá, xã hội... Vì thế, việc cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân khu vực này gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn trải rộng, địa hình phức tạp đi lại khó khăn; hủ tục lạc hậu của một số đồng bào dân tộc ít người. Trong khi nguồn nhân lực của các cơ sở y tế vừa thiếu, vừa yếu, trang thiết bị y tế không đầy đủ, đồng bộ, cơ sở hạ tầng xuống cấp, do đó nhiều trạm y tế xã chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

quan-dan-y-vung-nui-hai-dao

Những thành công đạt được

Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22-1-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và để giải quyết những khó khăn trước mắt của hệ thống y tế cơ sở, Ban quân dân y cấp bộ đã đưa ra nhiệm vụ trọng tâm của chương trình KHQDY là tham gia củng cố y tế cơ sở ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới và biển đảo bằng các hoạt động cụ thể, như: Thành lập các phòng khám, bệnh xá quân dân y, hỗ trợ nâng cấp các trạm y tế quân dân y, thành lập và đầu tư cho các bệnh viện quân dân y tuyến tỉnh; với nhiều hình thức phong phú và đa dạng, với nhiều nguồn kinh phí: Kinh phí hỗ trợ của Dự án KHQDY, xã hội hóa, vốn của đơn vị, địa phương và sự đóng góp hàng triệu ngày công lao động của cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

Bên cạnh đó, theo sự chỉ đạo của Ban quân dân y cấp bộ, Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng, các địa phương đã thành lập, đầu tư xây dựng được hệ thống phòng khám quân dân y tại các đồn biên phòng dọc tuyến biên giới. Các phòng khám quân dân y thực sự là “cánh tay nối dài” của các trạm y tế xã đến tận thôn, buôn, bản của đồng bào. Tại đây, các “chiến sỹ áo trắng” quân y, dân y hằng ngày, hằng giờ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào và giúp dân phát triển kinh tế.

Ngoài công tác khám chữa bệnh, quân y bộ đội Biên phòng còn tham gia triển khai các chương trình y tế quốc gia (tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, phòng chống lao, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, sức khỏe sinh sản...); tham gia vận động bà con xây dựng nếp sống vệ sinh khoa học, bài trừ hủ tục lạc hậu, tổ chức cai nghiện ma túy tại các xã biên giới, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Những khó khăn cần khắc phục

Xác định việc bảo đảm y tế cho nhân dân vùng biển, đảo là một vấn đề hết sức đặc thù, khó khăn, nhưng lại có tính chiến lược trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, do đó, Ban Quân dân y cấp bộ đã nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quân dân y các tỉnh, thành phố ven biển, có huyện đảo đã rà soát và tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo thành lập, hoặc thành lập lại trung tâm y tế quân dân y ở mỗi huyện đảo; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% cư dân trên đảo. Đối với các huyện đảo có diện tích phù hợp, không đầu tư xây dựng các trạm y tế xã để tránh đầu tư dàn trải, đồng thời tập trung toàn bộ lực lượng chuyên môn y tế tham gia khám chữa bệnh tại trung tâm y tế quân dân y.

Trong thời gian qua, Ban Quân dân y cấp bộ đã chỉ đạo dự án KHQDY đầu tư cơ bản trang thiết bị y tế có kết nối Wifi cho các phòng mổ trên các huyện đảo: Bạch Long Vỹ, Phú Quý, Thổ Chu; hỗ trợ trang thiết bị y tế cho các huyện đảo: Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cô Tô (Quảng Ninh); hướng dẫn các địa phương xây dựng chủ trương đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các trung tâm y tế quân dân y trên các huyện đảo; 6 trung tâm tiếp nhận cấp cứu và điều trị đặc thù cho biển, đảo...

Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, về nhân lực y tế trên biển, đảo, Ban Quân dân y cấp bộ đã tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Bộ Y tế; Ban Quân dân y các Quân khu đã tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu cử các đội quân y tăng cường có thời hạn cho các huyện đảo, xã đảo độc lập, trong đó tiêu biểu là Ban Quân dân y các Quân khu 3, 4, 5, 7, 9. Trên khu vực quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK, Cục Quân y tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng cử các tổ quân y từ các bệnh viện quân y luân phiên đảm nhiệm tại bệnh xá các đảo. Bộ Y tế giao Sở Y tế Khánh Hòa chủ động lực lượng, phương tiện sẵn sàng tăng cường cho huyện đảo Trường Sa.

Theo Bộ Y tế, những năm qua, Chương trình KHQDY đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả quân y và dân y trong việc củng cố y tế cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, hải đảo; tạo nên mạng lưới khám, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh rộng khắp, góp phần tích cực vào việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bộ đội, xoá đói giảm nghèo và làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, từ đó bảo đảm quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đào Lan Anh

Cùng chuyên mục

Dấu hiệu và cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết

Ở Việt Nam, tình trạng mắc sốt xuất huyết không ổn định, các đợt cao điểm thường vào khoảng tháng 6 đến...

Vì sao cần tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ trong 24h sau sinh?

Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao. Một trong những đường lây truyền nguy hiểm nhất của...

Tập huấn và nâng cao năng lực cho cán bộ an toàn vệ sinh thực phẩm

Vấn đề vệ sinh thực phẩm phải luôn được quan tâm không chỉ của các cán bộ mà còn toàn dân.

Kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập tỉnh Thanh Hóa

Hiện nay, các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập tỉnh Thanh Hóa xuất hiện nhiều và cần chú ý về chất...