Con số báo động: Cứ 4 trẻ em gái thì có 1 trẻ bị xâm hại tình dục

Thứ Năm, 25/04/2019 11:26 AM (GMT+7)

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), cứ 4 trẻ em gái thì có 1 trẻ bị xâm hại tình dục. Đối với các bé trai, khả năng bị xâm hại tình dục chỉ thấp hơn một chút, trong khoảng 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại.

xam-hai-tinh-duc

Độ tuổi trung bình mà các em thường bị xâm hại là 9 tuổi. Trong đó, có đến 93% kẻ xâm hại là người quen của các em và 47% khả năng là người trong gia đình hoặc họ hàng.

Do đó, để bảo vệ con em mình khỏi những nguy cơ xấu có thể xảy ra, bố mẹ cần dạy con những kỹ năng tự bảo vệ bản thân khỏi những cạm bẫy, cám dỗ để tránh rơi vào hoàn cảnh bị xâm hại, lạm dụng tình dục.

Theo TS Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục Tiểu học (Đại học Sư phạm Hà Nội), để tránh cho trẻ bị xâm hại ở bất cứ nơi đâu, bố mẹ cần dạy con về cách phòng chống xâm hại tình dục ngay từ khi trẻ bước sang tuổi thứ 3 vì khi đó, trẻ đã bắt đầu biết nhận thức và nhận biết về cơ thể mình.

Bố mẹ cần dạy trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân, tránh bị lợi dụng, xâm hại tình dục. Ảnh minh họaBố mẹ cần dạy trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân, tránh bị lợi dụng, xâm hại tình dục. Ảnh minh họa

Theo đó, bố mẹ cần dạy trẻ về tên gọi của các bộ phận trên cơ thể, nhất là những vùng nhạy cảm. Dặn trẻ tuyệt đối không được cho người lạ sờ vào những bộ phận ấy. Nếu điều đó xảy ra, trẻ cần phải thông báo cho bố mẹ biết để có cách xử lý.

Bên cạnh đó, để tránh trường hợp trẻ bị dụ dỗ bắt cóc dẫn đến việc bị xâm hại, bố mẹ cần dặn con tuyệt đối không nhận quà của người lạ; không đi một mình nơi đường vắng hoặc khi trời tối; khi gặp người lạ có hành vi theo dõi, nhìn chằm chằm vào cơ thể của mình, trẻ cần nhờ sự trợ giúp từ những người lớn xung quanh để thoát khỏi nguy hiểm.

Ngoài việc dạy trẻ lý thuyết, bố mẹ cũng cần đặt ra cho trẻ những tình huống giả định về trường hợp trẻ có thể gặp kẻ xấu và bị họ tấn công để cho trẻ thực hành. Việc lặp đi lặp lại các kỹ năng thoát hiểm và ứng phó với kẻ xấu sẽ tạo thành phản xạ và thói quen cho trẻ.

Để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục, UNFPA cũng khuyến nghị bố mẹ thực hiện theo 3 bước cơ bản như sau:

Bước 1: Hướng dẫn con biết tự báo động khi thấy có người nhìn vào vùng kín của trẻ hoặc dụ dỗ con nhìn vào vùng kín của họ. Dạy trẻ biết những điều báo động đối với trẻ:

- Báo động Nhìn: Khi nhận thấy người lạ đang nhìn vùng kín của trẻ nhỏ hoặc dụ dỗ các em nhìn vào vùng kín của họ.

- Báo động Nói: Dạy trẻ nói ra khi có người nói chuyện với bé về vùng kín, sử dụng các danh từ chỉ vùng kín.

- Báo động Chạm: Khi có người lạ sờ vào vùng kín của trẻ hoặc dụ dỗ trẻ sờ vào vùng kín của họ.

- Báo động Bắt cóc: Đưa trẻ đến chỗ vắng mà không có sự cho phép của bố mẹ trẻ. Bố mẹ phải dạy cho con biết tránh xa và không đi theo những người lạ mặt.

- Báo động Ôm: Khi có người ôm, bế trẻ một cách bất thường, không đúng đắn.

Bước 2: Khi thấy các báo động trên, cần hành động chứ không nên im lặng. Hãy đứng lên bảo vệ trẻ nhỏ và thông báo với gia đình và chính quyền liên quan.

Trong trường hợp đáng tiếc xảy ra chúng ta không được đổ lỗi cho trẻ nhỏ. Luôn bình tĩnh và trò chuyện nhẹ nhàng với trẻ bị xâm hại.

Bước 3. Hãy chia sẻ kiến thức trên với những người bạn quen. Điều đó sẽ tạo thêm cơ hội cho nhiều đứa trẻ thoát khỏi sự xâm hại tình dục đến từ những kẻ xấu.

Cách giúp con cân bằng tâm lý sau khi bị xâm hại tình dục

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Minh Phương (Trung tâm tư vấn tâm lý tình cảm Mai Chi): Trẻ sẽ cảm thấy tức giận, hổ thẹn, tội lỗi, dằn vặt với chính bản thân mình. Chính điều này đã cản trở việc gia đình hoặc trẻ bị xâm hại che giấu sự việc. Khi bị XHTD trẻ ít tiếp xúc và rồi dần sẽ mất niềm tin vào mọi người xung quanh, kể cả bố mẹ và bạn bè thân thiết.

Bên cạnh đó, trẻ có thể cảm thấy không còn tự trọng, không xứng đáng với những người xung quanh. Từ đó có hành vị tự hủy hoại bản thân. Giận dữ vô cớ, bực tức, căng thẳng, dễ gây nên rối loạn hành vi. Một số em từ đó sẽ xa lánh mọi người, hoạt động thường nhật bê trễ, chán nản, mất hứng thú, thậm chí bỏ bê học hành. Có em cảm giác xấu hổ, không dám gặp mặt người quen, thầy cô rồi dần bỏ học sớm.

Với các em đã dậy thì, bị XHTD có thể khiến các em mang thai ngoài ý muốn gây nguy hiểm cho bản thân và thai nhi (vì cơ thể các em chưa phát triển hoàn chỉnh). Các em cũng sẽ luôn có cảm giác mất an toàn, lo lắng, đề phòng với những người xung quanh, dẫn đến khó khăn trong giao tiếp, tương tác xã hội. Từ đó trở nên càng lệ thuộc, thụ động, ngại đương đầu, thậm chí dễ phục tùng lời của người khác.

Trong trường hợp như vậy, gia đình đóng vai trò đầu tiên và vô cùng quan trọng với các em. Với trẻ nhỏ, để phòng thì luôn phải giáo dục từ sớm với các vấn đề về giới tính. Nguyên tắc 5 ngón tay giúp con có cái nhìn bằng hình trực quan, sinh động, nhắc con cùng chia sẻ nguyên tắc này tới các bạn. Vì càng nhiều người hiểu về quy tắc đó thì các con dễ bảo vệ nhau hơn, kẻ ấu dâm không có cơ hội làm điều xấu.

Cha mẹ cũng cần cho trẻ biết, nhà vệ sinh công cộng, chỗ vắng người… là những nơi có nguy cơ cao, nên có người đi cùng hoặc canh ở phía ngoài. Không được đi vào chỗ kín, nơi vắng vẻ với một ai nếu không có sự đồng ý của bố mẹ.

Hãy nhắc nhở trẻ, nếu thấy một ai đó nhìn con lâu hơn, nhìn chằm chằm thì nên tìm những người tin cậy bên cạnh để cho họ biết con đang cần sự hỗ trợ. Và tất nhiên không để con mặc đồ quá hở hang dễ gây kích thích với kẻ ấu dâm.

Với trẻ vị thành niên, nếu không may bị XHTD, cha mẹ cần phải hướng con tới việc đừng đổ lỗi cho bản thân vì con không sai, kẻ sai là kẻ đã xâm hại con. Tạo niềm tin để con chia sẻ với bố mẹ và kịp thời trình báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết.

Với trẻ bị XHTD thường có quan điểm sai lệch/ khác thường về tình dục. Có biểu hiện quan tâm bất thường, lo lắng hoặc sợ hãi nói về những vấn đề liên quan đến tình dục hoặc khám sức khoẻ. Có những ngôn ngữ về tình dục khác thường không phù hợp với lứa tuổi. Lúc này cac em bị mất đi sự cân bằng trong tâm, sinh lý dẫn đến những khủng hoảng về tinh thần và hậu quả thường rất nghiêm trọng. Đó là những tác động tiêu cực theo trẻ trong suốt cuộc đời. Vì vậy, luôn ở bên và là chỗ dựa vững chắc cho con để thoát khỏi những khủng hoảng đầu đời theo các cách như trên là điều cha mẹ nên lưu ý.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...