Công tác dân số đối diện nhiều thách thức

Thứ Năm, 25/01/2018 12:00 AM (GMT+7)

Tuyên truyền, tư vấn về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ xã Hà Tây, huyện Chư Pah (Gia Lai).

Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện chưa được ban hành; ngân sách trung ương năm 2017 chậm cấp trong khi nguồn ngân sách địa phương đầu tư cho công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) còn ít… Đó là những khó khăn lớn nhất đối với việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra trong năm 2017.

Khó cả về kinh phí và tổ chức bộ máy

Tại các hội thảo chuyên đề công tác DS-KHHGĐ được tổ chức mới đây ở TP Hà Nội và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết, khó khăn nhất hiện nay trong công tác là thiếu kinh phí hoạt động. Đến hết tháng 6-2017, dự toán tạm ứng và kế hoạch hoạt động thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2017 mới được phê duyệt. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này chủ yếu chi trả cho các hoạt động đã triển khai trong năm 2016 như thù lao cộng tác viên dân số; dịch vụ KHHGĐ; xây dựng kho dữ liệu điện tử và các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, mua phương tiện tránh thai… Ngân sách trung ương chậm, trong khi đó nguồn ngân sách địa phương dành cho công tác DS-KHHGĐ còn nhiều hạn chế. Đến nay, mới có sáu trong tổng số 63 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết về chính sách dân số, một số tỉnh đã phê duyệt đề án và bố trí ngân sách địa phương; 21 tỉnh, thành phố giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Ngày 31-7, Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 mới được Chính phủ phê duyệt nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện chưa được ban hành.

Mặc dù tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ tại địa phương đã được củng cố, hoàn thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Chế độ thù lao của đội ngũ cộng tác viên dân số được hưởng hằng tháng (100 nghìn đồng/tháng), chưa tương xứng với công sức. Cơ sở vật chất hiện có của các cơ sở y tế chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ KHHGĐ chất lượng cao.

Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Bình Tô Hồng Quang cho biết: Trong những khó khăn về công tác DS-KHHGĐ, nổi lên hai vấn đề là nguồn kinh phí trung ương hạn chế và tổ chức bộ máy còn nhiều bất cập. Theo ông Tô Hồng Quang, công tác DS-KHHGĐ có rất nhiều việc phải làm nhưng nếu kinh phí cũng như bộ máy cán bộ không theo kịp, sẽ gây ra những khó khăn không nhỏ cho việc hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Vượt qua thách thức, nâng cao chất lượng dân số

Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Tổng cục DS-KHHGĐ) Đặng Văn Nghị cho biết, dù có những khó khăn nêu trên nhưng với nỗ lực của đội ngũ cán bộ từ trung ương đến địa phương, sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố, ngành dân số đã chủ động vượt khó khăn để thực hiện kế hoạch được giao. Các nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra trong năm đang được duy trì có hiệu quả như: Tầm soát các bệnh, dị tật bẩm sinh ở trẻ em thông qua khám sàng lọc trước sinh, sơ sinh; tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân; bảo đảm hậu cần, cung cấp dịch vụ KHHGĐ được duy trì theo hướng đa dạng hóa biện pháp tránh thai, mở rộng các kênh cung ứng phương tiện tránh thai, dịch vụ sức khỏe sinh sản/KHHGĐ. Đồng thời tiếp tục triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có mức sinh cao... Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) cũng được quan tâm, đầu tư. 17 tỉnh, thành phố được phê duyệt triển khai thực hiện Đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 - 2025 với các nội dung, hoạt động như: Mô hình chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng; câu lạc bộ NCT giúp NCT... bước đầu mang lại kết quả khả quan.

Đã có 48 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) giai đoạn 2016 -2025, trong đó 28 tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí để triển khai thực hiện Đề án. Nhiều địa phương có các hoạt động tích cực trong việc can thiệp, giảm MCBGTKS như: tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin về hệ lụy của MCBGTKS, lồng ghép với các kiến thức về bình đẳng giới; tư vấn, cung cấp thông tin về giới tính khi sinh cho các cặp vợ chồng đến đăng ký kết hôn; duy trì mô hình, câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái; thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi...

Để công tác DS-KHHGĐ đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Tân đề nghị: Các bộ, ngành, địa phương cần nhìn thẳng vào những khó khăn, thách thức cùng nhau phân tích nguyên nhân của những hạn chế, từ đó đề xuất những kinh nghiệm, sáng kiến, giải pháp thiết thực để xử lý khó khăn cũng như duy trì và phát huy những lợi thế nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2017 và cho giai đoạn đến năm 2020. Nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2017 và giai đoạn 2018 - 2020 là cần tiếp tục quán triệt các quan điểm của Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản đến năm 2020; Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kết luận 119 của Ban Bí thư trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế và giải quyết tốt những vấn đề về dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự phát triển bền vững của đất nước

Theo báo Nhân dân.

System

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...