Công tác DS - KHHGĐ: Kinh phí và tổ chức bộ máy nóng hơn bao giờ hết

Thứ Tư, 15/08/2018 08:48 PM (GMT+7)

Hội nghị Chuyên đề công tác dân số phía Bắc, vừa được Tổng cục DS - KHHGĐ tổ chức tại Quảng Ninh ngày 2/8 đã xác định rõ ràng trách nhiệm tham mưu cho công tác dân số và làm thế nào để giữ nguyên vai trò và trách nhiệm của ngành Dân số khi phải sáp nhập, hợp nhất vào Trung tâm Y tế.

Các con số biết nói

Theo báo cáo của Tổng cục DS- KHHGĐ, ước tính dân số nước ta năm 2018 là 94,7 triệu người, tỷ lệ tăng dân số là 1,07% so với năm 2017. Hiện quy mô dân số nước ta xếp thứ 3 trong các nước ASEAN, thứ 8 trong các nước thuộc khu vực châu Á. Trong đó các thống kê về tỷ số giới tính khi sinh hiện ở nước ta là112,8 trẻ trai/100 trẻ gái, đạt kế hoạch. Tuổi thọ trung bình của người Việt hiện tại khoảng 73,7. Chính những diễn biến mới nhất về tình hình dân số này đã đặt ra hàng loạt các vấn đề cấp bách về công tác DS-KHHGĐ.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, mới chỉ đạt 45% kế hoạch năm về số người sử dụng biện pháp tránh thai và chỉ khoảng 13,3% trẻ sơ sinh đươc sàng lọc ít nhất 2 bệnh- đây là chỉ tiêu rất thấp.

Tham mưu kêu gọi nguồn lực ra sao cho hiệu quả?

Phát biểu tại Hội nghị, TS Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng thường trực Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, năm 2018 là năm bản lề vô cùng quan trọng bởi đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới; Nghị quyết số 137/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21…

Bên cạnh những thuận lợi thì công tác Dân số cũng gặp rất nhiều các khó khăn, thách thức. Trong đó, nổi bật là vấn đề hợp nhất tổ chức bộ máy của ngành Dân số theo đúng Nghị quyết số 19-NQ/TW Trung ương đã đề ra. Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí cho hoạt động dân số cũng còn nhiều hạn chế. Theo tính toán sơ bộ, năm 2018, kinh phí ngân sách Trung ương chi cho Dân số giảm mạnh, chỉ bằng 46,2% so với giai đoạn 2011-2015 trước đó.

Đề nghị thành lập Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế tuyến huyện

Về công tác tổ chức bộ máy làm Dân số ở các địa phương tiếp tục có những thay đổi và cải tiến. Hiện tại, một số địa phương bắt đầu đi vào xây dựng phương án Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng thuộc Sở Y tế. Điều này đang được coi là sai với nội dung hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 51/2015 giữa Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế.

Theo đó, Thông tư nêu rõ Sở Y tế có 2 Chi cục: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Chi cục DS-KHHGĐ. Vì khi ban hành Thông tư chưa có văn bản thay thế nên đây được xem là văn bản pháp lý cao nhất quy định về cơ cấu, nhiệm vụ của Sở Y tế. Nửa đầu năm 2018 cũng chứng kiến việc nhiều địa phương thực hiện công tác xây dựng phương án đưa Chi cục DS-KHHGĐ về thành một phòng của Sở Y tế, Mặc dù khiến một bộ phận công chức, viên chức có tâm lý lo lắng tuy nhiên tình trạng này đã nhanh chóng được ổn định bởi sự sắp xếp ổn định của ngành DS.

 

System