Công tác thanh tra chuyên ngành dân số: Nhiều tỉnh vẫn chưa giao chức năng thanh tra cho các phòng chuyên môn

Thứ Năm, 22/08/2019 09:39 AM (GMT+7)

Thanh tra là một trong những hoạt động quan trọng trong việc phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm quy định của pháp luật và chính sách của Nhà nước về lĩnh vực dân số. Tuy nhiên hiện nay, công tác này đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

thanh-tra-dan-so

Đoàn kiểm tra của Tổng cục Dân số kiểm tra việc thực hiện các quy định nghiêm cấm thông tin lựa chọn giới tính thai nhi tại các nhà sách. Ảnh minh họa: N.Mai

Khó khăn nhiều mặt

Mới đây, tại Hội thảo Xây dựng kế hoạch kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành Dân số, ông Phạm Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết, thanh tra chuyên ngành được thực hiện theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành.

Trong lĩnh vực dân số, Tổng cục Dân số là đơn vị có chức năng, nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân số. Đây cũng là một trong những tổ chức thuộc Bộ Y tế được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Minh Sơn, hiện nay công tác thanh tra trong chuyên ngành Dân số đang gặp rất nhiều khó khăn, từ bộ máy tổ chức, đội ngũ nhân sự, kinh phí hoạt động đến cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra. Tính đến tháng 5/2019, chưa có Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh/thành phố nào tổ chức thành lập phòng Thanh tra riêng mà chỉ giao chức năng thanh tra cho một trong các phòng chuyên môn trong Chi cục. Trong khi đó, vẫn còn 24 tỉnh/thành phố chưa giao chức năng, nhiệm vụ tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành cho bất cứ phòng nào trong Chi cục.

Bên cạnh đó, đội ngũ công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, nhất là ở địa phương còn nhiều hạn chế về điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động thanh tra chuyên ngành và xử lý các hành vi vi phạm. Trong số 126 công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ở các Chi cục DS-KHHGĐ mới có 75 công chức đã được đào tạo và được cấp chứng nhận về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành, có hiểu biết về chuyên môn, song kinh nghiệm về thanh tra chuyên ngành còn hạn chế.

Mặt khác, số công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Dân số của Tổng cục Dân số và Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố đều chưa được cấp thẻ công chức thanh tra chuyên ngành. Hơn nữa, các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra còn thiếu làm hạn chế hiệu quả công việc khi tổ chức các buổi thanh tra trên địa bàn.

Nhiều khó khăn trong công tác thanh tra

Đề cập cụ thể về những khó khăn khi thực hiện công tác thanh tra các quy định của pháp luật trong lĩnh vực dân số tại địa phương mình, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bắc Ninh cho biết, hàng năm, Chi cục DS-KHHGĐ Bắc Ninh đã phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với khoảng 15-16 đơn vị. Tuy nhiên, dù đã được Sở Y tế phê duyệt quyết định đi thanh tra và thông báo với các đơn vị được thanh tra nhưng rất nhiều trường hợp, khi đến kiểm tra thì các chủ cơ sở không có mặt hoặc không hợp tác với đoàn thanh tra.

Hơn nữa, trong quá trình kiểm tra cũng có rất nhiều khó khăn khác. Chẳng hạn, theo bà Hà, việc kiểm tra, phát hiện các sai phạm về lựa chọn giới tính thai nhi tại các phòng khám siêu âm thai là điều vô cùng khó khăn vì họ có rất nhiều cách thức khác nhau để "lách luật", thông báo giới tính thai nhi cho thai phụ. Còn tại các nhà sách, dù có phát hiện những đầu sách vi phạm về việc tạo giới tính thai nhi nhưng chủ các nhà sách đa phần không biết về nội dung trong các cuốn sách vi phạm, nhiều đơn vị không phối hợp để xử lý vi phạm.

Cũng theo bà Hà, ngoài thanh tra về lựa chọn giới tính thai nhi, đơn vị còn thanh tra về nguồn gốc các phương tiện tránh thai và hàng hóa sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác này cũng còn nhiều hạn chế, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Còn tại tỉnh Quảng Ninh, năm 2016, Chi cục DS-KHHGĐ đã thành lập Bộ phận thanh tra chuyên ngành Dân số, bố trí cán bộ kiêm nhiệm làm việc tại Bộ phận này. Từ năm 2016 đến năm 2019 đã tổ chức được 6 cuộc thanh tra chuyên ngành gồm: Thanh tra các cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, sản phụ khoa - KHHGĐ trong việc chấp hành pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; thanh tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ về công tác DS-KHHGĐ và quản lý và sử dụng các phương tiện tránh thai…

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Hy, Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh, hoạt động của hệ thống thanh tra chuyên ngành Dân số còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao do thiếu các quy định, hướng dẫn, thiếu các chế tài xử lý vi phạm; lực lượng thanh tra chuyên ngành còn thiếu về số lượng và chưa có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ... Do đó, tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá, việc kiện toàn lực lượng thanh tra chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương; nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cũng như bố trí đủ kinh phí, trang thiết bị cần thiết cho công tác thanh tra chuyên ngành là việc vô cùng quan trọng để đạt được hiệu quả của công tác thanh tra chuyên ngành Dân số.

Kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành Dân số

Trước thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết, thời gian qua, công tác dân số còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức nhất là về tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở địa phương có nhiều biến động nên công tác kiện toàn thanh tra chuyên ngành chưa thực sự được đồng bộ.

Theo lãnh đạo Tổng cục Dân số, trong Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới đã nêu rõ cần "kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành Dân số, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm". Đây là một nhiệm vụ hết sức cấp thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra chuyên ngành Dân số góp phần thực hiện tốt công tác dân số trong thời gian tới.

Trên cơ sở đó, thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết số 21, Bộ Y tế đã giao cho Tổng cục Dân số xây dựng Kế hoạch kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành Dân số.

Để làm được điều này, ngành Dân số đang xây dựng Kế hoạch kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành Dân số và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành Dân số đến năm 2030. Trong đó, tập trung kiện toàn lực lượng thanh tra chuyên ngành từ Trung ương xuống địa phương nhằm củng cố nhân lực công chức thanh tra chuyên ngành đủ về số lượng, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng nhằm thực hiện công tác thanh tra có hiệu quả.

Bên cạnh đó, bố trí đủ kinh phí; trang thiết bị cần thiết để cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện công tác thanh tra đảm bảo hiệu quả. Đồng thời, tổ chức đào tạo cơ bản về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho các công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành để hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

Duyen

Cùng chuyên mục

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng tiếp xã giao Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam

Ngày 22/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã có buổi tiếp xã giao bà Park...