Cứu sống nam bệnh nhân 16 tuổi nguy kịch vì sốt xuất huyết Dengue

Thứ Năm, 16/05/2019 07:14 AM (GMT+7)

Nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục 4 ngày, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, ăn uống ít, chán ăn, bệnh nhân nam 16 tuổi (Trà Vinh) được xác định dương tính với sốt xuất huyết Dengue.

Sau khi nhập viện ở một bệnh viện tư nhân, các bác sĩ chỉ định bệnh nhân làm xét nghiệm máu với test sốt xuất huyết Dengue thì cho kết quả dương tính, tiểu cầu thấp. Bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue ngày 4.

Sau nhập viện, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu cảnh báo: lừ đừ, uống rất ít, nhợn ói liên tục, đau bụng nhiều vùng hạ sườn phải, rối loạn vận mạch, tay chân mát, huyết áp 115/70mgHg nên được chuyển qua phòng hồi sức tích cực nhi và bắt đầu truyền dịch hiệu chỉnh cân nặng theo phác đồ điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo.

Sau 2 ngày 2 đêm điều trị tích cực bệnh nhân đã phục hồi tốt, ăn uống khá hơn, giảm đau bụng, huyết áp rõ, xét nghiệm kết quả ổn định. 

sothuyet

Theo bác sĩ Quách Thị Kim Phúc, Khoa Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long chia sẻ, bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn gồm sốt, giai đoạn nguy hiểm và hồi phục.

Giai đoạn sốt thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn. Da xung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Giai đoạn nguy hiểm thường rơi vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Một số biểu hiện dễ gặp là thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, tràn dịch màng phổi, nề mi mắt, gan to, có thể đau, li bì, da lạnh ẩm, tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít...

Người bệnh thường có xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, tiểu máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn, xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi, não. Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim.

Giai đoạn hồi phục kéo dài 48-72 giờ. Người bệnh hết sốt, thể trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều. Giai đoạn này nếu truyền dịch quá mức có thể gây ra phù phổi hoặc suy tim.

Bởi vậy, khi người bệnh có dấu hiệu cảnh báo như đau bụng, nôn ói, xuất huyết niêm mạc, lừ đừ, li bì, bứt rứt, đau bụng vụng hạ sườn phải, đặc biệt trẻ có thể trạng béo phì cần đưa đến cơ sở y tế để được bác sĩ theo dõi, điều trị kịp thời, tránh đến trễ trong tình trạng trụy mạch.

Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh này. Ở miền Nam đang vào mùa mưa, được ngành y tế dự phòng cảnh báo là mùa dịch sốt xuất huyết bùng phát. Biện pháp chủ yếu là tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng, diệt muỗi trưởng thành. Mặc quần áo rộng vì muỗi có thể cắn qua quần áo bó sát. Mặc quần dài, áo sơ mi dài tay, vớ và giày để tránh muỗi cắn. Ngủ trong màn chống muỗi, kể cả ban ngày. 

Dọn dẹp, phát quang môi trường xung quanh thường xuyên, vì muỗi lây truyền bệnh sốt xuất huyết thường sống trong các vũng nước đọng, bụi cây, góc tối...         

Lan Anh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...