Dân số và Phát triển: Tiếp bước chặng đường 25 năm

Thứ Sáu, 23/08/2019 05:45 PM (GMT+7)

Năm 2019 đánh dấu 25 năm Việt Nam thực hiện Chương trình hành động về Dân số và Phát triển. Đây là dịp để nhìn lại chặng đường thực hiện công tác dân số trong thời gian qua và định hướng hoạt động cho giai đoạn tới.

Những năm 70 của thế kỷ trước, tại nhiều quốc gia đã bắt đầu thực hiện việc cung cấp các biện pháp tránh thai đáng tin cậy với số lượng ngày càng gia tăng nhằm mục đích giúp phụ nữ quản lý việc sinh sản của mình một cách hiệu quả hơn. Tại thời điểm này, mục tiêu chính của các chương trình KHHGĐ là đạt được các mục tiêu về kiểm soát số con. Tuy nhiên, việc kiểm soát về số con thường tạo ra các tác động tiêu cực tới chất lượng của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và đôi khi vi phạm tới các quyền của phụ nữ.Tới năm 1994, trên phạm vi toàn cầu đã xuất hiện một sự đồng thuận cho rằng, phụ nữ có quyền tự đưa ra quyết định về việc có sinh con hay không, sinh con tại thời điểm nào, tự quyết định khoảng cách giữa các lần sinh và sinh con trong điều kiện an toàn. Đây cũng chính là cơ sở cho việc tổ chức Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển tại Cairo, Ai Cập năm 1994. Tại Hội nghị, 179 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã cùng nhau xây dựng một Chương trình hành động. Đây là lần đầu tiên các quốc gia đề cập tới vấn đề “phát triển bền vững” dựa trên việc thực hiện các quyền và sự lựa chọn của mỗi cá nhân đồng thời dựa trên những thành tựu trong chăm sóc sức khỏe sinh sản/ sức khỏe tình dục cho tất cả mọi người dân. Hội nghị đã kêu gọi lồng ghép đầy đủ các vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển, vào công tác lập kế hoạch, ra các quyết định và phân bổ nguồn lực ở các cấp, các vùng. Vấn đề này được nhấn mạnh là bởi các chỉ tiêu dân số, bao gồm tỷ lệ tăng dân số, cơ cấu tuổi, mức sinh, mức chết, di cư... đều ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của phát triển con người, kinh tế và xã hội. Các nội dung triển khai được khuyến nghị tập trung vào những vấn đề:- Các chiều hướng tác động giữa gia tăng dân số và phát triển kinh tế;

- Gia tăng dân số và cung ứng lương thực thực phẩm;

- Gia tăng dân số và lao động việc làm;

- Dân số và đói nghèo;

- Dân số và môi trường;

- Công bằng, bình đẳng giới và trao quyền năng cho phụ nữ;

- Dân số và sức khoẻ, quyền sinh sản, SKSS/KHHGĐ;

- Dân số và giáo dục;

- Dân số và di dân, đô thị hoá.Cũng trong thời gian tổ chức Hội nghị tại Cairo, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã bắt đầu đẩy mạnh xây dựng và thực thi chính sách DS-KHHGĐ.

Điều 40, Hiến pháp 1992 chỉ rõ: “Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em; thực hiện chương trình DS-KHHGĐ”. Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/HNTW ngày 14/1/1993 về chính sách DS-KHHGĐ. Nghị quyết đã xác định vị trí rất cao của công tác DS-KHHGĐ: “Là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội”.Với chính sách KHHGĐ phù hợp, tổng tỷ suất sinh ở Việt Nam đã giảm từ 3,8 con năm 1990 xuống đạt mức sinh thay thế vào năm 2005-2006. Tổng tỷ suất sinh giảm mạnh xuống dưới mức sinh thay thế vào năm 2006 và được coi là thành công quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đầu tiên của Chiến lược DS-KHHGĐ năm 2001-2010 và cũng đạt sớm trước 10 năm so với mục tiêu đạt mức sinh thay thế vào 2015 đề ra trong Nghị quyết Trung ương 4 về Chính sách DS-KHHGĐ.

Mặc dù đã đạt và ổn định mức sinh thay thế được gần 15 năm, chương trình dân số Việt Nam vẫn phải đối mặt với những vấn đề mới phát sinh và chưa có những chuyển hướng kịp thời khi bước vào quá trình chuyển đổi nhân khẩu học. Mức sinh rất khác biệt giữa các vùng, các tỉnh, thành phố; mất cân bằng giới tính ở trẻ em đã ở mức nghiêm trọng; di dân diễn ra mạnh mẽ và Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Nhận thức đầy đủ và sâu sắc những thách thức và yêu cầu đặt ra đối với công tác dân số trong mối quan hệ hữu cơ với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước trong tình hình mới, Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 6 khóa XII đã có Nghị quyết số 21 về Công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết đề ra các quan điểm, mục tiêu và giải pháp có tính bước ngoặt trong chính sách dân số nước ta cho giai đoạn tới, hướng đến “Duy trì mức sinh thay thế; Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Tận dụng cơ cấu dân số vàng; Thích ứng với quá trình già hóa dân số; Điều chỉnh phân bố dân số hợp lý; Nâng cao chất lượng dân số”. Việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển là bước ngoặt lớn của chính sách dân số Việt Nam kể từ năm 1961.Với sự nỗ lực trong một chặng đường dài, công tác dân số ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dân số nước ta năm 2019 khoảng hơn 96 triệu người. Tốc độ gia tăng dân số được khống chế thành công. Cơ cấu dân số thay đổi tích cực, số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự báo đạt đỉnh vào năm 2020, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số. Chất lượng dân số được cải thiện nhiều mặt. Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm 2/3, tỷ số tử vong mẹ giảm ¾ so với năm 1990. Mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh từng bước được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố. Đến nay, 25% bà mẹ mang thai và 35% trẻ em sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị sớm một số bệnh, tật. Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 73,5 tuổi năm 2018, cao hơn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Dân số đã có sự phân bố lại hợp lý hơn trên phạm vi cả nước. Công tác tuyên truyền, giáo dục về dân số có bước đột phá với sự đa dạng, phong phú, chất lượng ngày càng cao, phù hợp với từng nhóm đối tượng và lứa tuổi.Năm 2019 đánh dấu kỷ niệm lần thứ 25 của Hội nghị mang tính đột phá quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD). Hội nghị lần thứ 25 sẽ tập trung vào các hoạt động chính để thực hiện và giải quyết các mối quan tâm chính sách rộng hơn liên quan đến: Biến động dân số và phát triển bền vững; Gia đình, sức khỏe tình dục và sinh sản trong suốt cuộc đời; Bất bình đẳng, hòa nhập và quyền xã hội.

Hội nghị cũng sẽ tăng cường liên kết giữa ICPD và Chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững, tăng cường hội nhập của biến động dân số vào quy hoạch phát triển và tái khẳng định cam kết thực hiện Chương trình hành động ICPD.Là một trong những nước cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Việt Nam cần làm tốt công tác dân số theo tinh thần của Nghị quyết 21, đặt trọng tâm vào vấn đề “dân số và phát triển”, chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số. Lịch sử cho thấy, công tác dân số là công tác vừa có tính cấp bách vừa là chiến lược, lâu dài. Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế để bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số. Đồng thời, trước những vấn đề và thách thức mới, công tác truyền thông vận động xã hội có một vai trò rất lớn. Công tác dân số từ trước đến nay và sau này vẫn là cuộc vận động xã hội rộng lớn, nếu không có sự tham gia của cả hệ thống chính trị thì không thể thành công.

Nguyễn Đắc Xuân

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...