Dân số Việt trong thời kì mới: Muốn phát triển, cần nghiên cứu từng chi tiết

Thứ Sáu, 31/08/2018 12:00 AM (GMT+7)

Ngày 24/8 vừa qua, Hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực nghiên cứu về Dân số và Phát triển giai đoạn 2018 – 2025” do Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) tổ chức tại Vĩnh Phúc đã chính thức diễn ra và đạt được nhiều kết quả. Hội thảo đã tìm ra những giải pháp, bằng chứng để có thể đưa ra các chủ trương, chính sách cũng như các biện pháp quản lý và thực hiện tốt công tác dân số trong tình hình mới. Đồng thời cũng qua hội thảo các nhận thức, kiến nghị về nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; đầu tư kinh phí để thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học có chất lượng cũng được thông qua.

Nghiên cứu khoa học về dân số là một nhiệm vụ thiết yếu

Phát biểu tại Hội thảo, TS Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Trong những năm qua, công tác của ngành DS-KHHGĐ trên cả nước đã đạt được những thành tựu to lớn góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được những thành tựu quan trọng kể trên, không thể bỏ qua những đóng góp rất to lớn của các nhà khoa học, các công trình nghiên cứu của các chuyên gia trong việc cung cấp bằng chứng khoa học từ đó đưa ra hàng loạt các đề xuất mang tính giải pháp vô cùng thiết thực đối với công tác lãnh đạo, quản lý Dân số.

Tuy nhiên cũng phải nói rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì công tác dân số hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức và đòi hỏi ngành Dân số cần có nhiều nỗ lực hơn nữa. Mặc dù chúng ta đã kiểm soát được mức sinh, bình quân 2,1 con trên cả nước nhưng tỷ lệ này lại không hề có sự đồng đều thậm chí chênh lệch lớn giữa các vùng trên cả nước. Đặc biệt, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn cao.

Bên cạnh đó, các thách thức về già hóa dân số nhanh đặt ra đòi hỏi ngành Dân số phải có những chủ trương và chính sách mới để có thể sớm thích nghi với điều này.  “Tất cả những vấn đề này cần phải được các nhà quản lý, các nhà khoa học tiếp tục tìm ra những giải pháp, bằng chứng để có thể đưa ra các chủ trương, biện pháp để quản lý và thực hiện tốt công tác dân số trong tình hình mới”

Việc tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn, đồng thời tiến hành làm rõ mối quan hệ hữu cơ giữa Dân số và Phát triển trong tương lai sẽ là động lực cho phát triển của toàn ngành Dân số trong tình hình mới.

Nhiều khó khăn trong việc thực hiện nghiên cứu khoa học

Theo bản thống kê về thực trạng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dân số mới đây nhất, trong năm 2017, Tổng cục DS-KHHGĐ có đề xuất 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước nhưng không được phê duyệt chỉ có 1/55 đề tài cấp Bộ được duyệt và 12/26 đề tài cấp cơ sở được thông qua để thực hiện,….

Về nguồn kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu về công tác dân số tại các địa phương, thống kê cho thấy còn vô cùng hạn hẹp và nhỏ giọt. Trong đó, ngân sách từ tuyến tỉnh là 60%; tuyến huyện chiếm 5%, còn lại 35% là kinh phí tự túc và xã hội hóa chưa tạo động lực để các công trình nghiên cứu về dân số có thể được thực hiện và phát huy.

Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học của các địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn phải kể đến như: vấn đề kinh phí thực hiện, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất hoặc chưa được đào tạo về nghiên cứu khoa học…

Mỗi địa phương cần có những thứ tự ưu tiên riêng

Do trình độ phát triển và thực trạng dân số ở các vùng, khác địa phương rất khác nhau nên trước mắt, giải pháp để thực hiện công tác Dân số có hiệu quả đó là các địa phương cần sắp xếp thứ tự ưu tiên trong việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW sao cho hợp lý và hiệu quả. Tránh làm ồ ạt, đại trà hoặc giống nhau giữa các tỉnh mà không có sự xác định rõ tình hình cụ thể sẽ khó thu được kết quả tốt nhất cho các địa phương.

 

System