Để phụ nữ và trẻ em gái được đối xử một cách công bằng

Thứ Năm, 07/02/2019 03:30 PM (GMT+7)

Tương lai không xa, nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, mua bán phụ nữ gia tăng…

Bị ghét bỏ vì là… con gái

Hồng (quê Hưng Yên) lớn lên trong sự ghẻ lạnh của người bố ruột. Không riêng gì Hồng, ba chị gái của em cũng chung cảnh ngộ, lý do đơn giản là vì, các em đều là… con gái.

Ngày nào bố Hồng cũng lôi điệp khúc: “Chúng bay chỉ là một lũ vịt giời ăn hại, nuôi lớn rồi bay đi” ra mắng nhiếc mấy chị em cô. Rồi mỗi khi bố Hồng đi ăn cỗ phải ngồi “mâm dưới” hoặc nghe nhiều lời kích bác nói mẹ Hồng “không biết đẻ” là y như rằng, mẹ con em lại bị bố lôi ra đánh đập không thương tiếc. Cũng vì bố Hồng liên tục tạo áp lực “phải đẻ cho bằng được một thằng cu” nên mẹ em, khi ấy dù đã hơn 40 tuổi, lại ốm đau liên miên vẫn phải cố sinh thêm đứa con thứ 5 với hy vọng lần này đứa trẻ là con trai để có thể giúp mấy mẹ con Hồng thoát khỏi cảnh bị hành hạ. Quả thật, năm ấy, mẹ Hồng đã sinh một bé trai.

mcbgtks-copy-1538617418176717677467

Đứa trẻ từ khi sinh ra được bố Hồng “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” và được coi là “bảo bối” để ông có thể nở mày nở mặt với mọi người. Thế nên, đi đâu ông cũng lôi con trai ra khoe, thậm chí, trong mắt bố Hồng khi ấy chỉ có sự hiện diện của cậu con trai yêu quý, còn 4 cô con gái dường như là không tồn tại. Cũng chính vì quá được nuông chiều từ bé, em trai Hồng dần dần thể hiện sự ngỗ ngược, không biết sợ ai. Dù mẹ và mấy chị em Hồng đã góp ý với bố phải uốn nắn em từ nhỏ nhưng đều bị ông gạt đi với lý sự cùn: “Mấy mẹ con đàn bà biết gì mà nói. Con trai tao là nhất”.

Tuy nhiên, bao nhiêu hy vọng của bố Hồng cuối cùng lại không được đền đáp. Trải qua 16 năm với bao phen “sóng gió” mà cậu con trai út gây ra, cuối cùng, bố Hồng bị lên cơn nhồi máu cơ tim phải nhập viện cấp cứu khi nghe tin con trai bị bắt vì nằm trong đường dây buôn bán ma túy. Và ngay cả khi nằm trên giường bệnh, cận kề với cái chết, ông cũng không thể gặp mặt thằng “chống gậy” lần cuối.

Đây chỉ là một trong số những câu chuyện đau lòng về hệ lụy của việc trọng nam khinh nữ. Tâm lý ưa thích con trai đã ăn sâu vào tiềm thức bao đời nay của một bộ phận người dân nên vô hình chung, nhiều trẻ em gái bị chính người thân trong gia đình ghẻ lạnh ngay từ trong trứng nước, thậm chí bị tước đoạt quyền sống. Dư luận cũng từng dậy sóng sau nhiều vụ việc trẻ em gái bị bạo hành mà thủ phạm lại chính là người bố ruột. Hay tại một số nơi, trẻ em gái còn không được đến trường vì bị coi là “con người ta” cùng quan niệm “con gái học nhiều cũng chẳng để làm gì”… Chính những điều ấy đã khiến trẻ em gái bị thiệt thòi, không được coi trọng. Đây là một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng MCBGTKS ở nước ta.

Nâng cao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái

Nhận định về thực trạng MCBGTKS ở nước ta hiện nay, các chuyên gia đều cho rằng, chính tư tưởng trọng nam khinh nữ, tâm lý yêu thích con trai hơn con gái là nguyên nhân cốt lõi, gốc rễ vấn đề và là thách thức lớn đối với việc đẩy lùi tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh. Theo đó, đây là vấn đề thuộc tư tưởng, tâm lý nên rất khó để thay đổi. Hoặc nếu có thay đổi được thì phải mất rất nhiều thời gian và công sức của toàn thể cộng đồng, xã hội.

Theo bà Astrid Bant – Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, để thay đổi quan niệm xã hội và xây dựng một xã hội để tất cả phụ nữ và trẻ em gái đều có quyền và cơ hội bình đẳng như nam giới cần phải có chung tay vào cuộc của tất cả các Bộ, ban, ngành, gia đình, nhà trường và cộng đồng. Ngoài ra, cần thiết phải cải thiện khuôn khổ luật pháp liên quan đến bình đẳng giới bởi vì chính luật pháp và chính sách sẽ tác động tới hành vi của người dân. Bà Astrid Bant cho rằng, giải pháp của vấn đề không phải là chỉ tập trung vào giải quyết hiện tượng, chẳng hạn như cấm siêu âm hay phá thai lựa chọn giới tính mà cần nhìn nhận vấn đề trong bối cảnh rộng lớn hơn khi con trai luôn được coi trọng hơn con gái.

 Trên thực tế, quan niệm “một trăm đứa khóc như ri, không bằng một đứa nó đi giật lùi” đã khiến người phụ nữ phải chịu nhiều áp lực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tâm lý. Theo nghiên cứu, áp lực phải sinh con trai là một trong những nguyên nhân gây ra trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Trung bình cứ 4 phụ nữ sau sinh thì có 1 phụ nữ trầm cảm nhưng tình trạng trầm cảm càng trầm trọng hơn ở lần mang thai thứ 2 trong trường hợp gia đình đã có con gái trước đó. Phụ nữ sinh con gái một bề có nguy cơ bị chồng bạo hành trong quá trình mang thai gấp 2 lần so với phụ nữ có con trai.

Vì vậy, để nâng cao vai trò của người phụ nữ và trẻ em gái, các chuyên gia cho rằng, việc đầu tiên là nâng cao vị thế của họ và quan tâm, chia sẻ, bình đẳng về mọi mặt giúp cho phụ nữ nâng cao hiểu biết về bình đẳng giới, xóa bỏ tâm lý tự ti, cam chịu, định kiến, giúp họ nâng cao trình độ văn hóa chuyên môn, cân đối giữa con người xã hội và con người gia đình, phê phán ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử với nữ giới. Mặt khác, đối với nam giới cũng cần học tập, nâng cao hiểu biết về bình đẳng giới, thay đổi quan niệm định kiến, dần dần xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ, tiến tới xã hội bình đẳng hơn.

Phạm Huyền

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...