Dị tật của trẻ- đừng để mãi là gánh nặng cho xã hội

Thứ Ba, 28/08/2018 09:17 PM (GMT+7)

Con số thống kê mới nhất của Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình mới đây khiến nhiều người giật mình. Với tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh chiếm tới 1,5-2% trẻ mới sinh ra, Việt Nam có khoảng hơn 40.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh được sinh ra mỗi năm. Điều này tương đương cứ 13 phút lại có một trẻ mắc dị tật bẩm sinh được sinh ra. Rõ ràng, việc triển khai đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh chính là một trong những cách tiếp cận vô cùng quan trọng và cần thiết góp phần nâng cao chất lượng giống nòi.

Di tật bẩm sinh- nỗi đau cho trẻ và gánh nặng cho gia đình

Thống kê của ngành Y tế cho thấy, có khoảng gần 1,5 triệu trẻ em mới được sinh ra mỗi năm. Điều này đặc biệt đáng lưu ý bởi trong số gần 1, 5 triệu trẻ em ấy có khoảng 1.400 -1.800 trẻ bị mắc bệnh Down, khoảng 250 - 250 trẻ mắc hội chứng Edwards, có 1.000 - 1.500 trẻ bị dị tật ống thần kinh, đặc biệt có khoảng 15.000 - 30.000 trẻ bị thiếu men G6PD,….Đây đều là những dị tật sẽ theo trẻ trong suốt cuộc đời và để lại nhiều gánh nặng cho người thân, gia đình, xã hội.

Một con số thống kê khác cũng chỉ ra rằng, số trẻ sơ sinh tử vong do dị tật bẩm sinh khoảng hơn 1.700 trẻ (chiếm tới tỷ lệ 11%).

Ngày 27/8 tại thành phố Thanh Hóa, Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình đã tiến hành tổ chức Hội thảo Cung cấp thông tin về tầm quan trọng và lợi ích của việc tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Tại hội thảo, PGS Nguyễn Viết Nhân - Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sau sinh nhấn mạnh rằng: Gánh nặng trẻ em mắc dị tật bẩm sinh không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng của dân số mà còn là nỗi trăn trở của ngành Y tế đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Theo các kết quả nghiên cứu ban đầu ở Việt Nam cho thấy, tình trạng tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh ở nước ta bắt nguồn từ các nguyên nhân như: sai lệch di truyền, mẹ bầu trong thời gian mang thai thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường độc hại, mẹ bầu mắc các bệnh nhiễm trùng trong khi mang thai như giang mai, rubella, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng sinh dục… Những đứa trẻ sinh ra không may bị dị tật bẩm sinh không chỉ là sự thiệt thòi, nỗi đau cho chính cascem mà đó còn là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội.

Nâng cao chất lượng giống nòi là công tác của ngành Dân số-KHHGĐ

Đánh giá về công tác dân số trong tình hình mới, TS Lê Cảnh Nhạc nhấn mạnh: Chất lượng dân số của Việt Nam trong thời gian qua đã có những dấu hiệu đáng mừng khi dân số ngày càng được cải thiện cả về chất và lượng. Tuy nhiên các khó khăn và thách thức của ngành Dân số trong hiện tại và tương lai đặt ra vẫn là vấn đề mà các cán bộ ngành Dân số cần nỗ lực và tập trung giải quyết.

Theo các chuyên gia đầu ngành, việc nghiên cứu đánh giá kết quả sàng lọc, chẩn đoán trước sinh dị tật bẩm sinh thai nhi là điều cần thiết và không thể bỏ qua. Công tác này sẽ kịp thời phát hiện, can thiệp và điều trị các bệnh rối loạn chuyển hóa di truyền ngày trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, là tiền để quan trọng cho sự phát triển giống nòi về sau này.

System