Điểm tin văn bản pháp luật y tế - Thông tư số 19/2019/TT-BYT, số 20/2019/TT-BYT, số 21/2019/TT-BYT

Thứ Hai, 06/01/2020 04:10 PM (GMT+7)

Thông tư số 19/2019/TT-BYT ngày 30/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên.

Thông tư số 19/2019/TT-BYT ngày 30/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên.

Tại Khoản 3 Điều 66 Luật Dược 2016 quy định Bộ trưởng Bộ Y tế quy định lộ trình áp dụng Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và ban hành các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên phù hợp với Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm triển khai thực hiện quy định Luật Dược 2016 việc ban hành Thông tư số 19/2019/TT-BYT là rất cần thiết. Nội dung Thông tư số 19/2019/TT-BYT quy định việc ban hành, công bố áp dụng và đánh giá việc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên; lộ trình áp dụng đối với các cơ sở nuôi trồng, thu hái dược liệu và cơ sở khai thác dược liệu tự nhiên. Ngoài ra, Thông tư còn quy định thành phần và tiêu chuẩn của thành viên, trách nhiệm, quyền hạn của Đoàn đánh giá việc đáp ứng thực hành tốt nuôi nuôi trồng, thu hái dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên.

Thông tư số 19/2019/TT-BYT có hiệu lực kể từ ngày 27/9/2020.

Thông tư số 20/2019/TT-BYT ngày 31/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê cơ bản ngành y tế.

Ngày 31/7/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 20/2019/TT-BYT quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê cơ bản ngành y tế, gồm 70 chỉ tiêu thuộc 9 nhóm: Chỉ số đầu vào và quá trình: Tài chính y tế, nhân lực y tế, cơ sở y tế; Chỉ số đầu ra: Sử dụng dịch vụ y tế, chất lượng và tính an toàn của dịch vụ y tế; Chỉ số kết quả: Độ bao phủ và ảnh hưởng của các biện pháp can thiệp, hành vi và yếu tố nguy cơ. Chỉ số tác động: tình trạng sức khỏe, bệnh không lây và tai nạn thương tích.

Trong đó, có các chỉ số quan trọng như: Số nhân lực y tế/cơ sở y tế trên 10.000 dân; Tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế; Tỷ lệ người bệnh hài lòng với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Tỷ lệ trẻ dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ; Tỷ lệ người hút thuốc lá; Tỷ suất tử vong do tai nạn, thương tích trên 100.000 dân; Tỷ số tử vong của mẹ/trẻ sơ sinh trên 1.000 trẻ đẻ sống; Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng; Tỷ suất mới mắc ung thư trên 100.000 dân…

Thông tư số 20/2019/TT-BYT có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020.

Thông tư số 21/2019/TT-BYT ngày 21/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình.

Y học gia đình là một chuyên ngành y học cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng cá nhân và gia đình. Cơ sở y học gia đình là cơ sở đầu tiên tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh đa khoa theo nguyên lý y học gia đình cho cá nhân, hộ gia đình. Thấy được tầm quan trọng hoạt động này, Bộ Y tế ban hành Thông tư 21/2019/TT-BYT hướng dẫn thí điểm về: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở y học gia đình, bao gồm: Trạm y tế; Phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa tư nhân; Phòng khám đa khoa, phòng khám đa khoa khu vực, phòng khám chuyên khoa thuộc trung tâm y tế quận, huyện, phòng khám quân dân y; Khoa khám bệnh thuộc bệnh viện quận, huyện hoặc trung tâm y tế quận, huyện hoặc bệnh viện của trường đại học y. Nhiệm vụ của bác sĩ gia đình và văn bằng chuyên môn, giấy chứng nhận đào tạo về y học gia đình.

Theo đó, cơ sở y học gia đình và Bác sĩ gia đình có nhiệm vụ: Quản lý sức khỏe cộng đồng, Tư vấn nâng cao sức khỏe và phòng bệnh, Thực hiện các chương trình, hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời; các chương trình mục tiêu y tế dân số, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, người cao tuổi, dân số - kế hoạch hóa gia đình, kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại, Khám bệnh, chữa bệnh, Chuyển người bệnh lên tuyến trên theo yêu cầu chuyên môn phù hợp; tiếp nhận người bệnh đã được điều trị ổn định từ tuyến trên chuyển về để tiếp tục điều trị theo quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/04/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật về y học gia đình; là cơ sở thực hành trong đào tạo chuyên ngành y học gia đình theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền quy định.

Thông tư số 21/2019/TT-BYT có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2019.

Đào Lan Anh