Già hóa dân số tác động ngày càng tăng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Ba, 02/04/2019 05:00 PM (GMT+7)

Già hóa dân số nhanh chóng có tác động ngày càng tăng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến tất cả các nhóm dân cư, đòi hỏi các chính sách có thể thích ứng với vấn đề này.

gia-hoa-dan-so

Từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, để thích ứng tốt với già hóa dân số, Việt Nam cần có các chính sách và chiến lược để chuẩn bị cho già hóa một cách phù hợp trong thời gian tới.

Già hóa dân số tác động ngày càng tăng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội

Tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu báo cáo “Xây dựng chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số tại Việt Nam”, do Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam (VNCA) cùng với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức ngày 29/3, ông Phạm Đại Đồng, Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Ở Việt Nam hiện tại có khoảng 11,3 triệu người cao tuổi. Trong đó, người từ đủ 90 tuổi trở lên khoảng 350.000 người, từ đủ 80 tuổi trở lên 1,8 triệu người.

Ước tính, tỷ lệ người cao tuổi trên tổng dân số đã tăng lên 11,9% năm 2017 và sẽ tăng lên đến 20% vào năm 2035. Hiện nay tuổi thọ bình quân của nước ta là 74 tuổi, tuy nhiên, số người cao tuổi sống thực sự khỏe mạnh rất ít. Trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh mãn tính, có khoảng 15,3 năm chịu bệnh tật. 70% người cao tuổi sống ở nông thôn, vùng khó khăn và hầu hết người cao tuổi sống tại gia đình và tham gia các hoạt động tạo ra thu nhập cho gia đình.

Theo các chuyên gia dự báo, Việt Nam chuyển đổi từ giai đoạn “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn. Đến năm 2030, số người cao tuổi ở nước ta từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm khoản 13% dân số. Theo bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, Già hóa là một tất yếu của sự phát triển. Chúng ta phải chuyển hướng trọng tâm từ việc đơn thuần giúp tiếp cận với tuổi già sang giúp tiếp cận với một tuổi già vui vẻ và hạnh phúc.

Già hóa dân số nhanh chóng có tác động ngày càng tăng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến tất cả các nhóm dân cư, đòi hỏi các chính sách có thể thích ứng với vấn đề này. Sự gia tăng cả tỷ lệ phần trăm và số người cao tuổi đòi hỏi phải cơ cấu lại xã hội của chúng ta ở mọi khía cạnh, như đầu tư tài chính, chi tiêu công, quy hoạch đô thị và nông thôn... “Ngày 1 tháng 4 tới Việt Nam sẽ tiến hành cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và tôi hy vọng rằng các số liệu mới nhất về người cao tuổi sẽ có được vào cuối năm nay” - bà Astrid Bant nói.

Đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hơn

Từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, để thích ứng tốt với già hóa dân số, Việt Nam cần có các chính sách và chiến lược để chuẩn bị cho già hóa một cách phù hợp trong thời gian tới.

Theo bà Astrid Bant, Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới phù hợp với vấn đề già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế xã hội, đồng thời bảo vệ quyền của người cao tuổi. Mặt khác, trong khi mối quan tâm chủ yếu dành cho nhóm dân số cao tuổi nhưng thực tế già hóa dân số không chỉ là về vấn đề của người cao tuổi, mà nó bắt đầu ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Ví dụ, các vấn đề mà những người trẻ tuổi phải đối mặt do sự gia tăng dân số người cao tuổi cũng cần phải được giải quyết, ví dụ: phụ nữ lao động có người cao tuổi cần phải chăm sóc tại nhà nên có ngày nghỉ phép để có thể chăm sóc người cao tuổi trong gia đình. Do đó, ứng phó với già hóa dân số không có nghĩa là chỉ giải quyết những kỳ vọng và nhu cầu của dân số cao tuổi, mà còn đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hơn để giải quyết nhu cầu của tất cả các nhóm dân cư trong việc chuẩn bị cho một tương lai dân số già.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Phó Chủ tịch VNCA, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: “Việc thích ứng với già hóa dân số, không chỉ là đáp ứng mong đợi và nhu cầu của người cao tuổi mà còn đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hơn để giải quyết các tác động của già hóa dân số đến toàn bộ các nhóm dân số khác.

Các chính sách hiện tại của Việt Nam chủ yếu nhằm hỗ trợ và giải quyết các vấn đề của người cao tuổi. Do vậy cần có một chính sách tiếp cận toàn diện hơn về già hóa dân số, vừa giải quyết các vấn đề già hóa dân số hiện tại ảnh hưởng đến cả người trẻ tuổi và người cao tuổi, cần phải xây dựng các chương trình và chính sách quốc gia phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung nhằm đạt được những tiến bộ và kết quả tích cực.

Theo Nghị quyết số 137/NQ-CP của Chính phủ ngày 31/12/2017 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về công tác dân số trong tình hình mới; các nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện là chuẩn bị trình Luật Dân số; sửa đổi và bổ sung Luật Người cao tuổi; xây dựng chương trình quốc gia về người cao tuổi đến năm 2030 và dự án chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đến năm 2030.

Với sự hỗ trợ của UNFPA, “Hỗ trợ các cơ quan Việt Nam trong việc cung cấp, sử dụng dữ liệu về dân số và phát triển và bằng chứng để phát triển và giám sát các kế hoạch, chiến lược và chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững 2017-2021”, UNFPA và VNCA phối hợp với nhóm chuyên gia quốc tế và trong nước đã tiến hành đánh giá, xây dựng báo cáo chính sách này nhằm cung cấp phân tích và khuyến nghị về sự cần thiết ban hành một chính sách quốc gia toàn diện để thích ứng với vấn đề già hóa dân số nhanh ở Việt Nam.

Duyen

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...