Giải đáp 20 câu hỏi thường gặp nhất về đau bụng kinh

Thứ Hai, 06/04/2020 10:40 AM (GMT+7)

Đau bụng kinh là hiện tượng rất thường gặp ở chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Mặc dù phổ biến như vậy nhưng rất nhiều chị em vẫn chưa biết đau bụng kinh là gì và làm sao hết. Sau đây là lời giải đáp cho 20 câu hỏi thường gặp nhất về đau bụng kinh.

dau-bung-kinh

1. Đau bụng kinh là gì?

Cơn đau liên quan đến kỳ kinh nguyệt của phụ nữ được gọi là đau bụng kinh.

2. Tình trạng này có phổ biến không?

Đau bụng kinh là triệu chứng rất phổ biến ở nữ giới. Hơn một nửa số phụ nữ trên thế giới phải chịu đựng những cơn đau từ 1 - 2 ngày mỗi tháng do hoạt động của kỳ kinh nguyệt.

3. Đau bụng kinh có mấy loại?

Tùy vào căn nguyên gây ra, đau bụng kinh được chia làm hai loại: đau bụng kinh nguyên phát và thứ phát.

4. Đau bụng kinh nguyên phát là gì?

Đau bụng kinh nguyên phát là cơn đau xuất phát từ nguyên nhân liên quan đến kinh nguyệt hoặc đang bị “hành kinh". 

5. Nguyên nhân gây ra đau bụng kinh nguyên phát?

Đau bụng kinh nguyên phát gây ra bởi một số chất hóa học tự nhiên trong cơ thể, gọi là prostaglandins. Prostaglandin được sinh ra trong niêm mạc tử cung.

6. Đau bụng kinh nguyên phát xảy ra khi nào?

Tình trạng này thường xảy ra ngay trước khi có kinh nguyệt, bởi vì lúc này lượng prostaglandins tăng cao trong niêm mạc tử cung. Vào ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt, prostaglandins tăng lên rất cao, chị em sẽ bị đau bụng kinh dữ dội. Trong những ngày tiếp theo, niêm mạc tử cung bị bong ra, kéo theo prostaglandins giảm xuống, mức độ đau trở nên nhẹ nhàng hơn.

7. Ở độ tuổi nào thì đau bụng kinh nguyên phát bắt đầu xuất hiện?

Thông thường, đau bụng kinh nguyên phát xuất hiện và “đồng hành” cùng chị em mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt, bắt đầu từ kỳ kinh đầu tiên trong đời. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ dần cải thiện qua độ tuổi và sau khi sinh.

8. Đau bụng kinh thứ phát là gì?

Đau bụng kinh thứ phát bắt nguồn từ những rối loạn trong hệ thống sinh sản và thường xuất hiện muộn hơn so với đau bụng kinh nguyên phát. Mặt khác, những cơn đau thứ phát thường trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.

9. Đau bụng kinh thứ phát xảy ra khi nào?

Cơn đau bụng kinh thứ phát thường kéo dài hơn bình thường. Cụ thể, tình trạng này hầu hết xảy ra vài ngày trước khi kinh nguyệt xuất hiện. Mức độ đau tăng dần trong kỳ kinh nguyệt và có thể không biến mất ngay cả khi đã qua giai đoạn hành kinh.

10. Nguyên nhân gây ra đau bụng kinh thứ phát?

Một số nguyên nhân dẫn đến đau bụng kinh thứ phát, bao gồm:

Lạc nội mạc tử cung: Các mô của niêm mạc tử cung xuất hiện ở những vùng bên ngoài tử cung, chẳng hạn như trong buồng trứng, ống dẫn trứng, và trên bàng quang. Giống như niêm mạc tử cung, các mô nội mạc tử cung “bị lạc” này cũng bị phá vỡ và gây chảy máu để đáp ứng sự thay đổi của hormone. Tình trạng chảy máu này chính là nguyên nhân gây đau, đặc biệt là vào những ngày liền kề chu kỳ kinh nguyệt. Hơn nữa, khu vực chảy máu có thể để lại mô sẹo, khiến các cơ quan bám dính vào nhau, gây ra đau bụng kinh dữ dội.

Lạc nội mạc trong cơ tử cung (Adenomyosis): Tình trạng khi mà các mô tuyến của nội mạc tử cung hiện diện ở bên trong cơ của thành tử cung

U xơ tử cung: Là những khối u lành tính hình thành ở phía ngoài, phía trong hoặc bên trong thành tử cung. Khối u xơ nằm trong thành tử cung có thể gây ra đau.

11. Thực hiện xét nghiệm nào để xác định nguyên nhân gây đau bụng kinh?

“Đau bụng kinh phải làm sao” là vấn đề được nhiều chị em quan tâm. Nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường, chị em nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và thực hiện những xét nghiệm cần thiết. Bác sĩ sẽ cần những thông tin về tiền sử bệnh, triệu chứng đau và chu kỳ kinh nguyệt gần đây. Bệnh nhân có thể phải làm một bài kiểm tra xương chậu.

Để xác định chính xác, người bệnh cần thực hiện siêu âm. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cho làm nội soi tử cung để quan sát bên trong vùng xương chậu.

12. Đau bụng kinh làm sao hết?

Thay đổi lối sống là cách điều trị đau bụng kinh hiệu quả, bao gồm việc tập thể dục, ngủ đủ giấc và giải tỏa áp lực. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc điều trị triệu chứng. Các loại thuốc giảm đau hoặc thuốc cân bằng nội tiết tố (như thuốc tránh thai), thường được kê đơn.

Nếu như dùng thuốc không thể hạn chế cơn đau thì phương hướng điều trị sẽ tập trung vào việc tìm và loại bỏ nguyên nhân gây ra cơn đau. Đôi khi bệnh nhân phải cần làm phẫu thuật.

13. Những loại thuốc điều trị đau bụng kinh là gì?

Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID) là loại thuốc thường dùng trong chữa trị đau bụng kinh. Các thuốc nhóm này có tác dụng ức chế sản sinh prostaglandins đồng thời làm giảm tác dụng của chúng, từ đó có thể hạn chế xảy ra những cơn đau bụng kinh dữ dội.

NSAID thể hiện hoạt tính cao nhất khi sử dụng vào ngày đầu của kỳ kinh nguyệt hoặc ngay khi dấu hiệu đau xảy ra. Thời gian sử dụng thuốc chỉ dao động trong 1 hoặc 2 ngày. Phụ nữ bị rối loạn chảy máu, hen suyễn, tổn thương gan, dị ứng với aspirin, viêm loét dạ dày, là những đối tượng không nên dùng NSAID.

14. Những phương pháp ngừa thai giúp kiểm soát đau bụng kinh?

Các biện pháp ngừa thai có sử dụng estrogen và progestin, như thuốc dạng viên, miếng dán và vòng âm đạo, có thể dùng để điều trị đau bụng kinh. Các dạng thuốc ngừa thai chỉ chứa progestin thông qua cách cấy ghép hoặc thuốc tiêm tránh thai, cũng có hiệu quả trong việc giảm đau. Ngoài ra, dụng cụ tránh thai sử dụng nội tiết tố cũng được bác sĩ áp dụng.

15. Thuốc điều trị đau bụng kinh do lạc nội mạc tử cung?

Trong trường hợp lạc nội mạc tử cung là nguyên nhân gây ra đau bụng kinh, bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thuốc ngừa thai, que cấy, thuốc tiêm tránh thai hoặc dụng cụ tránh thai bằng nội tiết tố. Ngoài ra, một số loại thuốc khác có thể được sử dụng để giảm đau do lạc nội mạc tử cung.

16. Những cách điều trị thay thế giúp giảm đau bụng kinh?

Một số phương pháp điều trị thay thế giúp làm giảm đau bụng kinh, chẳng hạn như bổ sung vitamin B1 hoặc magiê (song chưa đủ bằng chứng để kết luận độ hiệu quả trong việc điều trị). Bên cạnh đó, biện pháp châm cứu đã được chứng minh là có tác dụng phần nào trong việc làm giảm đau bụng kinh.

17. Khi nào cần thực hiện thuyên tắc động mạch tử cung (UAE) để điều trị đau bụng kinh?

Thuyên tắc động mạch tử cung là phương pháp điều trị đau bụng kinh do u xơ tử cung.

18. Thuyên tắc động mạch tử cung được thực hiện như thế nào?

Biện pháp này giúp ngăn chặn các mạch máu đến tử cung bằng các hạt nhỏ, từ đó hạn chế u xơ phát triển. Thuyên tắc động mạch tử cung có thể tiến hành với bệnh nhân ngoại trú, tức là sau khi thực hiện, người bệnh có thể về mà không cần nằm lại bệnh viện.

19. Thuyên tắc động mạch tử cung có gây ra biến chứng nào không?

Các biến chứng sau khi thực hiện phẫu thuật này, bao gồm nhiễm trùng, đau và chảy máu. Khi phát hiện những dấu hiệu như vậy, chị em cần ngay lập tức đến bệnh viện để kiểm tra.

20. Khi nào mới cần thực hiện phẫu thuật để điều trị đau bụng kinh?

Nếu các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc đến phẫu thuật. Lựa chọn loại phẫu thuật nào sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau bụng kinh.

Nếu xuất phát từ u xơ tử cung hoặc mô lạc nội mạc tử cung, có thể dùng phẫu thuật để giải quyết. Phẫu thuật cắt tử cung là biện pháp cuối cùng, có thể cân nhắc thực hiện nếu các phương pháp khác đều thất bại và xảy ra tình trạng đau bụng kinh dữ dội.

Trần Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự Chủ động phòng ngừa và điều trị vô sinh ở nam giới và nữ giới

Được làm cha, làm mẹ là mong mỏi bình dị, thiêng liêng của các cặp vợ chồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân...

Phóng sự Mang thai, nạo phá thai ở trẻ vị thành niên ngày càng tăng: Nguyên nhân và những hậu quả đáng tiếc

Do những nguyên nhân khác nhau, quan hệ tình dục sớm và tình trạng nạo, phá thai ở lứa tuổi VTN đang là vấn đề...