Giải pháp ngăn chặn mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ Bảy, 19/01/2019 12:41 PM (GMT+7)

Mất cân bằng giới tính ở Việt Nam ngày càng tăng cao và đang ở mức báo động. Hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng “thừa nam, thiếu nữ” trong tương lai, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học, tác động đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Empty

Một trong những đặc điểm của dân số nước ta khoảng mười năm nay là tình trạng mất cân bằng giới tính của trẻ em khi được sinh ra, thường gọi là “mất cân bằng giới tính khi sinh”. Nếu xu hướng này không được điều chỉnh, đến năm 2050, trong số dân ở độ tuổi kết hôn, số lượng nam giới sẽ nhiều hơn nữ khoảng 4,3 triệu người.

Theo quy luật tự nhiên, trung bình cứ sinh 100 bé gái thì tương ứng sinh được khoảng từ 104 đến 106 bé trai. Trước đây, nói chung hằng năm, trẻ em được sinh ra ở nước ta đều theo quy luật này. Tuy nhiên, năm 2006, trung bình cứ 100 bé gái thì tương ứng có tới 110 bé trai được sinh ra, chính thức được xác định là mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) và từ đó con số này cứ tăng dần, đến năm 2016 đã là 112,2 bé trai, thậm chí ở đồng bằng sông Hồng, con số này lên đến 118.

Hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã được tổ chức UNFPA cảnh báo: nếu xu hướng này lặp lại ở Việt Nam và lan rộng diễn ra với tốc độ nhanh sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, ảnh hưởng đáng kể đến cơ cấu giới tính và nhân khẩu học. 

Cũng theo dự báo của tổ chức UNFPA nếu tiếp tục tăng như vậy các năm tiếp theo sẽ tác động nặng nề đến thế hệ nam thanh niên được sinh ra sau năm 2005 vì khi bước vào độ tuổi lập gia đình vào những năm 2030 thì nhóm nam giới này sẽ dư thừa so với phụ nữ cùng lứa tuổi 10%. Nếu không có can thiệp hiệu quả để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh thì sau 20 năm nữa Việt Nam sẽ có 4,3 triệu thanh niên ít có cơ hội lấy được vợ trong nước.

Sự khan hiếm phụ nữ cũng dẫn đến việc tranh giành trong hôn nhân, dễ gây xung đột, thậm chí đã xảy ra một số vụ án mạng. Nạn lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ, đã xảy ra và có thể sẽ tăng lên. Phụ nữ có thể bị ép buộc sinh thêm con, phá thai nhi gái, bất chấp sức khỏe và tính mạng, bị ngược đãi, phụ tình, ruồng bỏ khi không sinh được con trai. Sinh nhiều bé trai, ít bé gái thì khi lớn lên, lao động nữ khan hiếm, những ngành sử dụng nhiều lao động nữ có nguy cơ khó tuyển dụng lao động và ngược lại, lao động nam nhiều, cho nên nam giới sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường lao động.

Empty

Chính vì những hậu quả kinh tế, xã hội nặng nề của MCBGTKS cho nên Nghị quyết số 21 của Hội nghị T.Ư 6 (khóa XII) về “Công tác dân số trong tình hình mới” đã đề ra mục tiêu “đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”, trước hết, “đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống”.

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, cần triển khai cả một hệ thống giải pháp, vừa cấp bách, vừa lâu dài. 

Trước tiên cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức đầy đủ hiểm họa của MCBGTKS. Tuyên truyền, phổ biến thực hiện nghiêm Pháp lệnh Dân số không chỉ cho người dân mà còn cả cho đội ngũ truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ; nghiêm cấm “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”. Hơn nữa, cần phê phán mạnh mẽ những hủ tục, những nhận thức, những thái độ và hành vi biểu hiện trọng nam; tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới; về hậu quả của lựa chọn giới tính thai nhi; nêu gương phụ nữ, gia đình chỉ có con gái thành đạt, hạnh phúc.

Bên cạnh đó, phải tăng cường sự phối hợp liên ngành trong chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền - giáo dục để nâng cao nhận thức, thái độ và chuyển đổi hành vi của người dân, dần xóa bỏ quan niệm cũ phải có con trai nối dõi tông đường. Cung cấp thông tin về tình hình, hậu quả và giải pháp khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đến mỗi cấp ủy đảng, chính quyền và mọi tầng lớp dân cư.

 Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở y tế nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của Pháp lệnh Dân số về nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức đã nêu trong điều 10 Nghị định số 104-CP ngày 16/9/2003 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp lệnh Dân số.

Vu ngoc chuong

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...