Giám sát chất lượng kế hoạch gia đình góp phần ổn định dân số

Thứ Tư, 20/03/2019 06:39 PM (GMT+7)

Theo chương trình nghiên cứu chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình thì Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc cải thiện hệ thống cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.

Empty

Những con số quan trọng…

Tại buổi thông báo kết quả nghiên cứu cho biết, các số liệu định lượng được thu thập từ điều tra hộ gia đình, phỏng vấn 6.000 phụ nữ (độ tuổi 15-49) ở 6 vùng kinh tế-xã hội (Hà Nội, Yên Bái, Phú Yên, Đắk Lắk, Đồng Nai và An Giang) trong năm 2015-2016 ở 20 huyện, 120 xã, phường và 240 thôn, bản.

Kết quả cho thấy 80,5% phụ nữ đã kết hôn trong độ tuổi 15-49 đang sử dụng một biện pháp tránh thai. Trong đó, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 64%.

Biện pháp đặt vòng tránh thai được sử dụng phổ biến nhất (25,2%), tiếp theo là thuốc tránh thai (19,3%) và bao cao su (13,3%). Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn. Khu vực Đông Nam Bộ có tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai cao nhất (83,4%) còn khu vực Đồng bằng sông Hồng đạt tỷ lệ thấp nhất (75,1%). Khoảng 17,4% phụ nữ đã từng phá thai; ở khu vực thành thị là 19,6% và ở khu vực nông thôn là 16,5%...

Cũng theo báo cáo, các trạm y tế xã đã có đủ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân viên cần thiết để cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, chỉ có 9,7% trạm y tế xã đáp ứng tất cả 25 chỉ số. Ở khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên không có trạm y tế nào đáp ứng được 25 chỉ số về sự sẵn sàng của các cơ sở; có 31,3% trạm y tế ở khu vực phía Đông Nam Bộ đạt được yêu cầu của 25 chỉ số.

Empty

Đáng chú ý, một số trạm y tế không đáp ứng các chỉ số liên quan đến việc cung cấp đầy đủ phương tiện tránh thai (thuốc viên, bao cao su, dụng cụ tử cung-IUD). Khoảng 30% trạm y tế thiếu nhân lực được đào tạo về cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình...

Kết quả khảo sát cũng cho thấy có 37,8% số người đang sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại (không phân biệt tình trạng hôn nhân) không được tư vấn trước khi sử dụng.

Giải pháp nâng cao chất lượng kế hoạch hóa gia đình

Theo Tổng cục thống kê, mỗi năm, dân số Việt Nam tăng thêm gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49) vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 - 2028. Nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai theo đó cũng sẽ gia tăng. Trước thực trạng hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam trong thời gian qua có nhiều cải thiện trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân, tuy nhiên vẫn còn những “khoảng trống” trong cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Hằng năm, vẫn có từ 250.000 - 300.000 ca phá thai. Do vậy, việc đưa ra những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KHHGĐ thực sự cần thiết.

Một là, các hoạt động của ngành dân số cần hướng tới việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác DS - KHHGĐ đối với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước theo định hướng Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Dịch vụ KHHGĐ, trong đó có tư vấn, cung cấp phương tiện tránh thai cần được coi là một trong những biện pháp can thiệp y tế công cộng hiệu quả, chi phí thấp vừa mang lại lợi ích trực tiếp, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và bệnh tật ở người mẹ, vừa bảo đảm chất lượng dân số.

Hai là, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý chương trình, chuyên gia y tế, nhà nghiên cứu và các nhà tài trợ cần chú trọng việc thiết kế và triển khai các chương trình nhằm đáp ứng có hiệu quả nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại của người dân. Bộ Y tế cần xây dựng các chính sách phù hợp để bảo đảm chất lượng của các dịch vụ KHHGĐ và xem đây là một trong những quyền mà mọi người dân có quyền được hưởng.

Ba là, với độ bao phủ rộng rãi toàn quốc của các dịch vụ KHHGĐ như hiện nay, chương trình KHHGĐ cần chú trọng hơn đến chất lượng sức khỏe sinh sản để đáp ứng với nội dung của Chương trình Hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc. Hiện nay, UNFPA đang thực hiện Kế hoạch chiến lược mới nhằm thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030 và tăng cường cam kết hơn nữa trong việc thực hiện Chương trình ICPD. Kế hoạch chiến lược của UNFPA nhằm giải quyết nhiều vấn đề trong phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu: Không có tử vong mẹ; không có nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ. 

Bốn là, Bộ Y tế cần xây dựng các hướng dẫn và chuẩn quốc gia về đánh giá chất lượng phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ theo các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới. Xem xét đưa các dịch vụ KHHGĐ chất lượng vào khung theo dõi giám sát đánh giá chất lượng dịch vụ y tế. Xây dựng một bộ công cụ kiểm định chất lượng dịch vụ các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ KHHGĐ dựa trên cách tiếp cận quyền sức khỏe sinh sản như trong nội dung của ICPD, các tiêu chuẩn quốc gia và bối cảnh văn hóa, xã hội của Việt Nam. Theo đó, bộ công cụ kiểm định chất lượng cần được thử nghiệm để đánh giá mức độ phù hợp với đặc điểm vùng, miền và loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ.

Năm là, bảo đảm các cơ sở cung cấp dịch vụ có đủ cán bộ đã qua đào tạo để có thể cung cấp các dịch vụ KHHGĐ. Cải thiện hoạt động đào tạo mới và đào tạo lại định kỳ cho cán bộ cung cấp dịch vụ KHHGĐ.

Ngọc933

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...